Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tết cùng người lạ ở chung cư tại TP.HCM

Năm thứ 2 ở lại TP.HCM đón Tết, anh Hoàng Nam (28 tuổi) không cảm thấy cô đơn nhờ hội bạn là cư dân chung cư. Cùng nhau, họ dự định tổ chức bữa tiệc nhỏ để chúc mừng năm mới.

Bày mâm cỗ cúng ông bà, Hoàng Nam (28 tuổi, cư dân Masteri An Phú, TP Thủ Đức) tranh thủ gọi điện cho mẹ.

“Nhà cửa dọn dẹp tới đâu rồi? Mi nhớ mua đồ ăn trữ tủ lạnh chứ mai chợ không bán đâu con! Ráng hết năm nay rồi năm sau về ăn Tết với gia đình”, mẹ anh nói qua điện thoại.

Tết 2022 đánh dấu năm thứ 2 Hoàng Nam trụ lại TP.HCM thay vì đoàn tụ ông bà, bố mẹ ở Huế. Dù đã ngỏ ý muốn về thăm nhà, phụ huynh của anh khăng khăng muốn con trai chờ thêm một thời gian vì tình hình dịch nơi đây vẫn còn căng thẳng.

Kể cũng tình cờ, Hoàng Nam quen một vài người bạn trong khu chung cư. Khi rảnh rỗi, họ thường hay hẹn hò, rủ nhau cà phê tán gẫu. Dịp lễ này, người bận rộn công việc sát đêm Giao thừa, người ăn Tết nhà chồng nên cả nhóm chọn mùng 2 để làm tiệc tại căn hộ anh Nam.

Tổ chức tiệc, tặng quà cho hàng xóm

“Tết nhất ở đây cũng gọi là tiện hơn nhiều nơi. Mùng 1 hàng quán đóng cửa chứ qua mùng 2 thì thoải mái gọi đồ ăn ngoài hàng ship về”, người đàn ông này cho biết.

Bạn bè anh Nam dự tính mỗi người tự nấu hoặc đặt một món để ăn chung. Làm “chủ xị”, anh mua sẵn vài món quà nhỏ như rượu vang làm quà cho mọi người.

Giống như Hoàng Nam, Ngô Thanh Thảo (25 tuổi, cư dân quận 3) cũng lên kế hoạch tổ chức tiệc tất niên cùng hàng xóm chung cư.

Nơi cô sống là một khu phức hợp cao cấp ở trung tâm thành phố, mật độ cư dân ít nhưng hàng xóm thân thiện và niềm nở. Họ có một nhóm chat thường xuyên cập nhật thông tin với nhau. Qua đây, cô biết rất nhiều người sẽ không về quê ăn Tết.

Tối 28 tháng chạp, Thảo cùng nhóm 10 người trong chung cư lên sân thượng tổ chức tiệc nướng BBQ. Họ vừa ăn uống, vừa trò chuyện vui vẻ.

“Tôi không thấy bất kỳ khoảng cách nào giữa mọi người, cứ như chúng tôi là những người bạn biết nhau đã lâu”, Thảo kể lại.

Ngoài bữa tiệc chung, nhóm cư dân này còn lập quỹ để chuẩn bị những món quà nhỏ gồm ít bánh trái, nước ngọt và chút tiền lì xì gửi đến đội bảo vệ, nhân viên dọn dẹp vệ sinh cho tòa nhà.

“Một năm làm việc vất vả, chúng tôi muốn lan tỏa một chút niềm vui đến mọi người”, Thảo cho biết.

Nấu bánh chưng cùng cư dân chung cư

Anh Thư (25 tuổi, cư dân City Garden, quận Bình Thạnh) tâm sự: “Vì tính chất công việc ngành F&B nên mùng 2-3 là tôi phải đi làm lại rồi. Về thăm nhà mỗi sáng mùng 1 thôi thì cập rập, tôi để dành ngày nghỉ phép đến hè ở nhà cho lâu”.

Đối với Thư, hai năm vừa qua là khoảng nghỉ dài. Cô muốn năm nay bận rộn một lần, vùi mình vào công việc cho thời gian qua mau hơn. Nhưng không vì thế mà Tết của Anh Thư mất đi phần ý nghĩa.

“Biết tôi không về được nên bố mẹ ở quê gửi đồ ăn lên cho tôi đỡ nhớ nhà. Thịt cá, rau củ quả khá nhiều, tôi tính chia sẻ với mọi người trong nhà”, cô tâm sự.

Cũng theo Anh Thư, cô thuê căn hộ chung cư cùng 2 bạn nữ. Do làm cùng ngành nghề nên Tết của họ bận bịu không kém Thư.

“Mùng 1 chúng tôi sẽ diện áo dài đi chùa, đường hoa Nguyễn Huệ. Trưa về cũng làm vài món truyền thống như thịt kho trứng, canh khổ qua và bánh chưng để ăn cùng nhau”, Thư háo hức.

Cận Tết, không khí náo nhiệt dồn hết vào khu vực trung tâm thành phố và tạo ra sự đối lập ở những vùng lân cận, đặc biệt là các khu chung cư. Chị Tâm (32 tuổi, cư dân Vinhomes Golden River, quận 1) và ông xã bày tỏ sự thích thú khi cảm nhận một TP.HCM khác hẳn mọi khi.

“Ban đầu, tôi cứ nghĩ mọi thứ sẽ nhàm chán lắm nhưng thực tế không phải vậy. Ban quản lý chung cư tạo điều kiện cho chúng tôi trổ tài làm bánh chưng tại sảnh tòa nhà”.

cu dan chung cu an Tet anh 7

Khung cảnh nhộn nhịp ở buổi gói bánh chưng tại chung cư Vinhomes Golden River, quận 1. Ảnh: NVCC.

Từ người lớn đến trẻ nhỏ, mỗi người góp một tay tạo nên một kỷ niệm đáng nhớ, khiến chị Tâm hồi tưởng lại thời thơ ấu bên gia đình ở quê.

Được biết, tòa nhà có truyền thống nấu bánh chưng từ năm 2018. Đây là sự kiện thường niên giúp gắn kết các cư dân. Sự kiện từng bị hoãn vào năm ngoái do dịch bệnh và được mở lại vào năm nay.

Sau khi nấu chín, chị Tâm đến phòng cộng đồng và được ban quản lý trao tận tay thành phẩm của mình.

“Tết xa nhà mà vẫn được nấu bánh chưng là món quà tinh thần đặc biệt. Tôi hy vọng chuỗi hoạt động này có thể kéo dài, để các bé hiểu rõ thêm về truyền thống dân tộc”, chị bộc bạch.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Trẻ em ngoại quốc vui hội trại Tết ở khu Tây TP.HCM

Lần đầu trong đời, những đứa trẻ ngoại quốc ở TP.HCM tại hội trại nhìn thấy và được tự tay làm châu chấu lá dừa mang về. Không cần bố mẹ ở cạnh, các bé vẫn háo hức vui chơi.

Người trẻ TP.HCM chăm chút quà Tết dành tặng gia đình

“Với tôi, quà tặng quan trọng là thể hiện được tình cảm và sự quan tâm của mình dành cho các thành viên trong gia đình”, anh Xuân Trường bày tỏ.

Người nước ngoài vui Tết ở TP.HCM

Anh Tây lần đầu đón Tết phương Nam, vợ chồng người Hàn muốn "trốn" Tết của mình nên ở lại TP.HCM. Mọi người đều có chung sự hào hứng bên cạnh những lý do riêng.

Đông Dương

Bạn có thể quan tâm