Đúng 21h ngày 29 tháng chạp, anh Hoàng Chiến (33 tuổi, cư dân The Botanica, quận Tân Bình) cùng vợ đã chuẩn bị sẵn sàng mâm lễ cúng giao thừa.
Cả nhà 4 người của anh Chiến cùng nhau quây quần xem chương trình “Gặp nhau cuối năm”, chờ đợi thời khắc chuyển giao của năm cũ qua năm mới.
“Hai con tôi háo hức đến giao thừa lắm. Vì những năm trước, hai đứa còn nhỏ nên thường vợ chồng tôi cho đi ngủ sớm. Năm nay hai anh em năn nỉ cho được cùng đón trọn vẹn khoảnh khắc giao thừa với bố mẹ”, anh Chiến tươi cười chia sẻ.
“Làm việc cả năm để Tết được thảnh thơi”
Anh Hoàng Chiến là một trong nhiều cư dân của chung cư The Botanica ở lại TP.HCM đón Tết chứ không về quê. Người đàn ông này chia sẻ kể từ ngày được nghỉ Tết vào 25 tháng chạp, anh không ngơi tay phút nào để chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết, chuẩn bị cỗ tất niên, mâm cúng lễ...
“Người ta hay nói lớn rồi sẽ bớt thích Tết nhưng tôi thì ngược lại, càng lớn tôi càng trân trọng những giây phút như thế này. Khoảnh khắc cả nhà cùng nhau quây quần đón giao thừa, cảm giác biết rằng năm mới đầy niềm vui chờ đón lúc nào cũng làm tôi thấy hứng khởi”, anh Chiến nói thêm.
Là một người dân TP.HCM chính hiệu, Thảo Ngân (26 tuổi, cư dân La Astoria, TP Thủ Đức) lần đầu tiên đón năm mới trong căn hộ riêng của mình. Tự tay chuẩn bị mâm cúng lễ cho giao thừa, Ngân có phần hơi lóng ngóng vì những năm trước, mọi thứ đều do mẹ Ngân một tay lo liệu.
“Mình mới dọn ra riêng được gần một năm, cũng muốn lần đầu tự tay chuẩn bị Tết cho căn hộ. Phần lớn những cách sắp xếp, cúng kiếng đều làm phiền mẹ, thậm chí mình còn phải gọi video để mẹ hướng dẫn từng thứ. Vậy đó nhưng mẹ vẫn tự hào con gái trưởng thành, biết lo”, Ngân cười nói.
Sống cách nhà bố mẹ tầm 15 phút đi xe máy nên sau khi cúng giao thừa Ngân sẽ ngủ sớm rồi sáng mùng 1 sẽ mang quà, hoa chuẩn bị sẵn đi xông đất nhà bố mẹ.
Cô gái 26 tuổi cho biết cảm giác tự tay sắp đặt mâm ngũ quả, cắm từng lọ hoa, bày biện nhà cửa cho lộng lẫy khiến Ngân cảm giác hạnh phúc và trân trọng những ngày đặc biệt cuối năm.
“Năm vừa rồi mình có đủ chuyện buồn vui, năm mới chỉ mong bản thân càng thêm giỏi giang, tháo vát và luôn tràn đầy sức khỏe cùng năng lượng tích cực thôi”, Ngân nói thêm.
Trong khi đó, phải đến trưa ngày 29 tháng chạp, anh Trần Đăng Khoa (28 tuổi, cư dân River Panorama, quận 7) mới xong hết công việc. Trước đó, vì bận rộn, anh Khoa phải nhờ người bạn thân chuẩn bị giúp một số đồ trang trí nhà cửa.
“May mắn tôi nhờ được bạn mua giúp một chậu hoa đào để chưng vì tôi thích loại hoa này lắm. Năm nay đón Tết xa nhà không kịp về Đà Nẵng ăn Tết với bố mẹ khiến tôi khá buồn cộng thêm công việc bận rộn nên việc chuẩn bị cho năm mới hơi gấp gáp. Nhưng cũng nhờ có bạn bè hỗ trợ, giờ nhà tôi vẫn đầy đủ hoa, trái cây, bánh chưng và còn cả một nồi thịt kho nữa đấy”, anh Khoa chia sẻ.
Anh Đăng Khoa cũng kể thêm sẽ không cúng giao thừa, chỉ đợi đến giờ gọi điện chúc Tết bố mẹ rồi ngủ sớm vì sáng mai anh có nhiều “kèo” xông đất cho bạn bè, chiều đến thì lại cùng liên hoan với hàng xóm ở chung cư.
Đón giao thừa cùng hàng xóm
“Đón Tết xa nhà nên bạn bè ai cũng muốn rủ tôi qua nhà chơi để không phải tủi thân. Mấy anh chị cùng chung cư biết vậy cũng nhắn là cùng ăn liên hoan tân niên. Tết xa nhà như này tôi cũng thấy đủ đầy lắm”, anh Khoa bày tỏ.
Giao thừa năm nay, tòa nhà C1, chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) tổ chức cúng giao thừa và cùng nhau chúc mừng năm mới trước sảnh tòa nhà. Đến sáng mai (mùng 1 Tết), chung cư sẽ tổ chức múa lân đón năm mới.
Bà Kiều (cư dân chung cư) cho biết việc tổ chức cúng giao thừa là hoạt động thường niên của tòa nhà C1. Khác với nhà mặt đất thường cúng Thổ Địa tại nhà, cư dân cùng nhau cúng trước sảnh tòa nhà để cầu cho một năm bình an, may mắn, phát tài. Sau khi cúng xong, mọi người cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp đầu xuân.
“Mọi năm cư dân thường về quê còn năm nay mọi người ở lại thành phố rất đông. Những hoạt động đón Tết như thế này sẽ giúp gắn kết cư dân với nhau”, bà Kiều bày tỏ.
Theo cư dân này, năm mới 2022 khác biệt vì không được thưởng thức những màn pháo hoa đặc sắc. Không khí cũng trầm lắng hơn mọi năm vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng không vì thế mà không khí đón giao thừa kém đầm ấm và trang nghiêm. Nhà của bà Kiều cũng được trang trí hoa mai, cúc vạn thọ, mâm cỗ cúng với món thịt kho hột vịt truyền thống.
“Những năm trước gia đình tôi sẽ đi tới chùa vào sáng sớm mùng 1, nhưng năm nay sẽ không tới chùa vì tình hình dịch bệnh. Thay vào đó, cả nhà sẽ quây quần bên nhau nhiều hơn. Năm mới mong mọi người bình an”, bà Kiều nói.
Tại chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức), trưa mùng 1 Tết sẽ có tiết mục "xông đất đầu năm" của đoàn lân sư rồng và 3 ông Phúc Lộc Thọ. Đoàn lân sẽ tập trung và bắt đầu biểu diễn tại sảnh T5, sau đó lần lượt đi vòng quanh cụm chung cư và quay trở lại công viên trung tâm.
Trong đêm giao thừa, nhiều cư dân tại đây cũng nao nức bày biện mâm cỗ để đón năm Nhâm Dần 2022.
Gia đình anh N.T. (cư dân chung cư) cùng quây quần xem Táo quân, cắn hạt dưa từ tối 29 Âm lịch. Gần đến giao thừa, cả nhà bày một mâm cúng tất niên với bánh chưng, bánh tét, canh khổ qua để cầu những điều xui xẻo qua đi, đón một năm mới bình an.
“Sáng sớm ngày mai, gia đình tôi sẽ xuống sảnh chung cư chụp ảnh đầu năm cùng một số gia đình hàng xóm rồi cùng nhau viếng chùa. Đến trưa thì về lại chung cư xem múa lân. Đây là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết ở TP.HCM nên cảm xúc thật đặc biệt”, anh T. nói với Zing.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.