Sáng 29/1, chị Thanh Đào (cư dân một chung cư tại TP Thủ Đức) ra sân bay về Thái Nguyên đón Tết cùng gia đình. Từ một tuần trước, chị Đào có ý định gửi mèo ở nhà người thân nhưng không được.
"Người thân của tôi lúc đầu dự định ở lại TP.HCM ăn Tết, nhưng khi các địa phương bỏ quy định cách ly thì mọi người cùng về quê. Do đó, tôi quyết định để mèo ở lại một mình trong gần 10 ngày vắng chủ", chị Đào cho biết.
Càng cận Tết, dịch vụ trông giữ thú cưng ở TP.HCM hầu hết kín chỗ, không nhận thêm thú nữa. Những người gửi gấp gáp khó có thể tìm được một nơi đáp ứng, một số người thì ngại phí dịch vụ trông thú cưng đắt đỏ ngày Tết nên cũng không đến các khách sạn chó mèo.
Để thú cưng ở một mình
Chị Đào là một trường hợp "liều" để thú cưng ở chung cư một mình trong dịp Tết. Chị chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống và nhờ người quen thỉnh thoảng đi trông coi, đồng thời theo dõi chúng sinh hoạt qua camera.
Những năm trước, chị gửi mèo đến khách sạn thú cưng nhưng lại có trải nghiệm không tốt. Chú mèo của chị Đào không quen môi trường, bị nhốt lâu ngày trong lồng nên sau Tết nhút nhát hơn hẳn.
"Chi phí gửi khách sạn thú cưng cũng đắt đỏ, trong khi năm nay thu nhập bị ảnh hưởng nhiều nên tôi quyết định không gửi nữa", chị Đào nói.
Chú mèo của chị Thanh Đào ở lại TP.HCM trong căn hộ những ngày Tết. Ảnh: NVCC. |
Trước khi về quê, chị Đào đổ đầy thức ăn vào máy tự động, tập dần cho mèo đi vệ sinh vào lồng vệ sinh tự dọn. Thỉnh thoảng, chị sẽ gọi nhờ người quen tới kiểm tra và thường xuyên kiểm tra qua camera.
Người phụ nữ này tin rằng nếu ở trong môi trường quen thuộc, được chạy nhảy, nô đùa và được cung cấp thức ăn đầy đủ, chú mèo của mình sẽ không phải "stress".
Đem thú cưng về quê
Còn chị Nguyễn Mai (cư dân chung cư New City, TP Thủ Đức) thì quyết định đem chú mèo cưng cùng về Đồng Nai vào chiều 28/1. Chị Mai bỏ mèo vào giỏ chuyên dụng dành cho thú cưng và chạy với tốc độ chậm. Đoạn đường hơn 2 giờ chạy xe, người phụ nữ này phải dừng lại vài lần để kiểm tra mèo thế nào.
Mèo của chị Mai trên xe máy từ TP.HCM về Đồng Nai. Suốt quãng đường đi, chị Mai phải nhiều lần dừng lại để theo dõi sức khỏe của thú cưng. Ảnh: NVCC. |
"Vì về nhà dài ngày nên tôi muốn mang chú mèo cưng về cùng. Cũng vài lần nó đi đoạn đường xa thế này nên cũng không gặp khó khăn gì", chị Mai bày tỏ.
Để chuẩn bị hành trang cho 10 ngày ở quê, chị Mai chuẩn bị nhiều pate, đồ ăn, cát và dụng cụ cho chú mèo. Mèo nhà chị Mai thường ở chung cư yên tĩnh nên khi về quê, chị phải tập cho nó thích nghi với sự náo nhiệt ở quê ngày giáp Tết.
Điều người phụ nữ này lo nhất là chó hàng xóm khiến mèo bị thương nên chị và người nhà trông nom mèo rất cẩn thận.
Cho chó "đi học"
Chịu chi hơn những chủ nuôi trên, anh Lê Vinh (cư dân một chung cư quận 4) gửi chó của mình đi học ở trường huấn luyện kỹ năng trong 2 tháng, từ trước Tết vài ngày. Con chó thuộc giống khá lớn nặng 12 kg nên anh Vinh không thể mang nó về quê, gửi dịch vụ trông nom thì khá tốn kém.
"Nếu gửi chó đến khách sạn thú cưng trong khoảng 7 ngày Tết thì tốn trung bình khoảng 2 triệu đồng. Tôi quyết định gửi chó đến trường học với phí 3 triệu đồng/tháng. Tại đây, chó của tôi vừa được trông giữ, vừa được học các kỹ năng", anh Vinh nêu tính toán của mình.
Những giống chó lớn như thú cưng của anh Vinh khó để mang theo về quê, phí gửi trông giữ sẽ cao hơn. Ảnh: NVCC. |
Dự kiến sau khóa học 2 tháng, anh Lê Vinh hy vọng chó của mình sẽ biết đi vệ sinh vào nhà tắm, có thói quen ăn đúng giờ, hạn chế sủa vô cớ và biết tự vào chuồng đi ngủ. Sau này, nếu chủ nuôi đi vắng vài ngày thì vẫn có thể yên tâm để thú cưng ở nhà, cung cấp sẵn đồ ăn và không sợ vật nuôi thải bậy.
"Tết năm ngoái con chó còn nhỏ thì tôi mang theo về quê. Nay nó to quá không chở bằng xe máy và xe khách cũng không nhận. Từ năm sau, tôi có thể để nó tại căn hộ trong mấy ngày tôi về quê ăn Tết, khoảng 4-5 ngày là ổn với các kỹ năng nó được học", chủ nuôi này dự định.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.