Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Ông Tây đón Tết một mình ở TP.HCM

Hướng dẫn viên du lịch Klovstad (61 tuổi, người Na Uy) đến TP.HCM từ năm 2003 và sống 5 năm liên tục ở đây. Song ông mới đón hai cái Tết tại thành phố.

Mùng 1 Tết, ông J.P. Klovstad (61 tuổi, người Na Uy) đang đạp xe đi loanh quanh khu phố mình sống như mọi ngày, bỗng thấy tiếng trống náo nhiệt. Theo âm thanh rộn rã, ông đến chung cư Feliz En Vista (TP Thủ Đức) và thấy một vũ đoàn chuẩn bị múa lân.

“Cảnh múa lân này nhìn nửa Tây nửa Việt, khá lạ. Khung cảnh rất vui, khác ngày thường. Thế nên tôi rút ngay máy ảnh ra chụp được nhiều tấm đẹp lắm”, ông Klovstad khoe.

Tết nay và năm ngoái, ông Tây này ở lại TP.HCM một mình. Công việc của ông là hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa khách nước ngoài từ TP.HCM đến nhiều nơi ở Việt Nam và Đông Nam Á. Vì Covid-19 không có du khách, ông được “nghỉ Tết” 2 năm nay.

Thích xem múa lân

Trong mắt ông J.P. Klovstad, múa lân luôn là hoạt động náo nhiệt làm nên không khí Tết ở các nước Á Đông nói chung. Ông từng xem múa lân dịp Tết ở nhiều quốc gia, không lấy làm lạ nhưng vẫn rộn ràng trong lòng mỗi khi tiếng trống chiêng vang lên.

“Không hẳn vì nhịp trống dồn dập hay con lân bắt mắt, điều tôi muốn thấy là cảm xúc mỗi người bộc lộ ra. Nếu có mỗi biểu diễn múa lân thì như xem trên video thôi, sự cổ vũ của khán giả xung quanh quyết định một nửa, nhất là trẻ em”, ông Tây giải thích.

Năm nay, ông được xem múa lân ngay tại chung cư gần nhà trong một khung cảnh “Đông Tây kết hợp”. Nếu như múa lân là nét Á Đông, thì chi tiết Tây nằm ở không gian nhà cao tầng, vị trí khán giả ngồi xem tại một quán cà phê Tây và từ cửa sổ các tòa nhà xung quanh, không phải ở trong chùa. Và cũng có nhiều người nước ngoài đến xem.

Tết năm ngoái, ông Tây này đã đến chùa Bà Thiên Hậu (quận 5) để xem biểu diễn múa lân. “Các vũ sư ở đây cả năm mới có dịp phô diễn kỹ năng. Nhưng họ rất điệu nghệ, tập luyện vài ngày là vào nhịp diễn chính thức rất nhanh”, Klovstad kể lại điều ông tìm hiểu.

Ông J.P. Klovstad chia sẻ với Zing về một số tìm hiểu của mình về múa lân sư rồng. Hoạt động này thường được biểu diễn trong những ngày Tết của người Việt. Rồng được coi là mang lại may mắn cho con người, vì vậy rồng múa càng lâu thì càng mang lại nhiều may mắn cho cộng đồng. Múa lân thì người biểu diễn bắt chước các động tác của linh thú này để mang lại may mắn và tài lộc. Bên cạnh đó có Ông Địa (vị thần của đất) và Thần Tài (vị thần của cải) luôn đi cạnh con lân.

“Tôi thích xem múa lân, như cách tôi bật cười khi thấy một chiếc xe máy ‘chồng chất’ hơn 2 người đi trên đường ở Việt Nam kể từ lần đầu nhìn thấy 19 năm trước”, ông Klovstad ví von.

Hai cái Tết ở TP.HCM

Tết ở TP.HCM, ông J.P. Klovstad thường không có kế hoạch cụ thể. Ông đạp xe đi dạo khắp phố, vì xe đạp có tốc độ di chuyển chậm rãi dễ ngắm cảnh và dừng đỗ tiện hơn.

Từ căn hộ ở TP Thủ Đức, ông Tây 61 tuổi đạp xe đến quận 1 để xem không khí xuân ở trung tâm thành phố, đến quận 5 để xem quang cảnh chùa chiền, sang quận 8 để ngắm hoa ở chợ hoa “trên bến dưới thuyền”.

“29 Tết vừa rồi, chủ nhà tặng tôi chiếc bánh chưng, tôi đã ăn hết ngay hôm sau rồi. Mấy ngày Tết tôi thấy một số siêu thị, nhà hàng ở TP Thủ Đức vẫn mở cửa, cùng lắm tôi ăn mì gói và đồ hộp”, ông Klovstad cười trừ.

Những dịp Tết trước năm 2021, ông Klovstad không ở TP.HCM, mà đang dẫn khách đi tour du lịch ở các nước Đông Nam Á. “Tết ở Việt Nam hay TP.HCM nói riêng chẳng phải thời điểm dễ chịu với khách du lịch”, ông nhận xét.

Người hướng dẫn viên lâu năm này thấy dịp Tết ở thành phố có nhiều hàng quán đóng cửa, giá cả đắt đỏ hơn, các điểm tham quan đóng cửa, vì thế không dễ dàng để đưa các nhóm du khách đi chơi.

“Tôi thực sự mong Covid-19 hết nhanh để khách quốc tế quay trở lại. Hai năm đón Tết ở TP.HCM cũng chính là trải qua hai năm tôi thất nghiệp”, ông J.P. Klovstad trầm ngâm nói.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Trẻ em ngoại quốc vui hội trại Tết ở khu Tây TP.HCM

Lần đầu trong đời, những đứa trẻ ngoại quốc ở TP.HCM tại hội trại nhìn thấy và được tự tay làm châu chấu lá dừa mang về. Không cần bố mẹ ở cạnh, các bé vẫn háo hức vui chơi.

Người nước ngoài vui Tết ở TP.HCM

Anh Tây lần đầu đón Tết phương Nam, vợ chồng người Hàn muốn "trốn" Tết của mình nên ở lại TP.HCM. Mọi người đều có chung sự hào hứng bên cạnh những lý do riêng.

Những lần đón Tết đầu tiên ở chùa trung tâm TP.HCM

Năm nay là lần đầu sư Cảnh trực Tết ở chùa và thầy giáo người Anh đi chùa dịp Tết, nhưng cũng là lần chị Lai tiếc khi không thể chen vào dòng người đông đúc vào tham quan chùa.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm