Ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022, dòng người vào chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) ngày càng đông về chiều. Khoảng 16h, sư Nhuận Cảnh (26 tuổi) đang đứng trên lầu nhìn xuống biển người. Sư đang đợi người thân đến thăm.
Còn tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1), chị Khánh Lai (38 tuổi) và em bé lần đầu đến đây. Tuy nhiên, dòng người quá đông, chị Lai phải hơi tiếc vì phải đứng loanh quanh ở ngoài, chưa có dịp tham quan.
Lễ chùa đầu năm là thói quen và nét đẹp dịp Tết của người Việt. Tại TP.HCM, đi chùa vừa để cầu nguyện, vừa là dịp du xuân của người dân. Các chùa nổi tiếng linh thiêng và có cảnh quan đặc sắc ở trung tâm thành phố như Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Ngọc Hoàng hay chùa Ấn Độ (quận 1)… mọi năm luôn thu hút đông khách. Trong đó, nhiều người có trải nghiệm lần đầu đáng nhớ tại các chùa này.
Biển người tại sân trước chùa và dòng người xếp hàng đợi đánh chuông cầu may tại chùa Vĩnh Nghiêm hôm 1/2 (mùng 1 Tết). Ảnh: Ý Linh. |
Lần đầu "trực Tết" ở chùa của sư thầy
Tết năm nay là lần đầu sư Nhuận Cảnh ở lại chùa Vĩnh Nghiêm. Trước đây, sư cũng ở TP.HCM nhưng đang học nội trú tại Học viện Phật giáo Việt Nam tọa lạc huyện Bình Chánh.
“Không khí Tết ở chùa Vĩnh Nghiêm khác với ở Học viện. Vì đây là chùa, tín đồ Phật tử ra vào tự do rất đông”, sư Cảnh mô tả.
Năm nay, sư Nhuận Cảnh ở lại chùa Vĩnh Nghiêm theo lời vận động của vị sư trụ trì. Do những ngày Tết chùa đông khách, các sư sẽ phải phụ thêm nhiều việc.
Các sư sẽ phụ trách trông coi một số địa điểm trong chùa như nơi để hòm công đức, hướng dẫn khách thăm viếng tại các lối vào, đặc biệt là trực ở cạnh các ban thờ để cất bớt nhang. “Dịp Tết người đi chùa thắp hương quá nhiều, các sư phải liên tục cất bớt để trống chỗ cho người sau cắm hương cũng như phòng tránh hỏa hoạn”, sư Cảnh cho biết.
Vị sư trẻ có nhớ nhà ở quê tỉnh Khánh Hòa. Vì xa nên gia đình không đến TP.HCM thăm sư. Nhưng sư Cảnh phấn khởi vì có anh Trí (quận Bình Thạnh) đến thăm. Anh Trí là người quen của phụ huynh sư ngoài quê.
“Biết thầy ở thành phố, Tết tôi tranh thủ đến thăm. Chúng tôi quen biết nhau từ hồi thầy Cảnh còn 14-15 tuổi. Nay Cảnh đã đi tu (từ năm 2017), thay vì xưng hô anh em, tôi đổi lại thành gọi thầy xưng con dù tuổi tôi lớn hơn nhiều”, anh Trí chia sẻ.
Sư Nhuận Cảnh và người thân gặp nhau đầu năm tại một góc yên tĩnh trong ngôi chùa đang đông nghịt người du xuân. Ảnh: Ý Linh. |
Cuộc nói chuyện với người anh đầu năm là niềm vui của sư Cảnh. Cả Tết này, sư sẽ ở lại chùa dù được phép ra ngoài đi chơi. “Tôi mới về khu này, chưa biết chỗ nào để đi chơi, thôi thì ở chùa đi dạo cũng được”, sư Nhuận Cảnh nhẹ nhàng nói.
Ấn tượng của người nước ngoài
Không theo đạo Phật nhưng Will Horton (30 tuổi, người Anh, ngụ quận Phú Nhuận) có mặt ở chùa Ngọc Hoàng (quận 1) vào ngày mùng 1 như bao người địa phương. Anh đi cùng bạn gái, trong khi cô gái thắp hương cầu nguyện thì Horton tranh thủ vãn cảnh.
“Ôi tôi chưa từng thấy cảnh chen chúc ở chùa chiền thế này. Tôi nhích từng bước một mới vào được bên trong. Dòng người đông nhưng họ di chuyển khá nhanh, tôi cũng chỉ kịp nhìn sơ qua. Tuy nhiên không khí tại đây vẫn dễ chịu, vì mọi người ai cũng tươi tắn, vui cười”, anh Tây kể.
Đây là lần đầu Will Horton biết và đến chùa Ngọc Hoàng trong 4 năm ở TP.HCM. Anh lập tức bị thu hút bởi đàn cá “khổng lồ” và bầy rùa trong sân chùa. Horton từng đi một số chùa khác trong thành phố. Anh cho biết đối với người phương Tây như anh thì cảm thấy các chùa chiền ở Việt Nam na ná nhau.
Will Horton (áo xanh phía trái) đang đợi bạn gái châm nhang ở chùa. Tết năm nay, anh ở lại thành phố, đi chúc Tết gia đình bạn gái và cùng cô ấy du xuân. Ảnh: Ý Linh. |
Chưa kịp tham quan vì quá đông
Vừa đến chùa Ngọc Hoàng thì thấy đoàn người kín mít, chị Khánh Lai (quận Gò Vấp) đang bế em bé nên khó chen được vào. Chị đành đứng ngoài cửa đợi bà ngoại dẫn bé lớn vào trong làm lễ.
“Quá đông người, tôi chưa thể vào trong tham quan. Đây là lần đầu tôi đến chùa này, cũng hơi tiếc. Tôi chỉ được nghe người ta kể về chùa này linh thiêng trong việc cầu con cái, cầu duyên”, chị Lai cười nói.
Chị Lai theo đạo Mẫu nên ít lễ chùa. Tết nay bà ngoại (mẹ chị Lai) muốn đi nên chị đưa bà và 2 con nhỏ du xuân. Chị cho biết người bên đạo Mẫu vẫn có thể đến chùa Phật giáo.
Khung cảnh đông đúc tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1) ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Ý Linh. |
Còn tại chùa Ấn Độ (tên chính xác là Đền Bà Mariamman tại quận 1), vợ chồng chị Ánh lần đầu đưa con trai 3 tuổi đến viếng thăm.
Khung cảnh chùa lạ lẫm trong mắt con trai chị, bé chạy khắp nơi nhìn ngắm vì tò mò. Vì chùa đông người, vợ chồng chị phải thay nhau chạy theo con kẻo lạc. Cũng chính vì thế, chị chưa có thời gian đọc những bảng thông tin về ngôi chùa mang tín ngưỡng lạ này.
“Đi một vòng thì tôi thấy chùa có kiến trúc lạ, thờ nhiều thần khác nhau của Ấn Độ. Tôi không biết phải gọi là đền, thấy có thờ cúng thì cứ gọi chùa thôi”, chị Ánh nói.
Vì chưa kịp tìm hiểu các cách thức cầu nguyện ở đây, chị Ánh chỉ biết bắt chước người khác. Tín đồ đạo Bà có cách cầu nguyện lạ là úp mặt vào vách đá, thì thầm những điều mong muốn, đồng thời sờ vào tượng thần rồi vuốt lên cơ thể mình để lấy may.
“Không biết làm thế có ý nghĩa gì, tôi thấy nhiều người làm thì làm theo, chắc cũng sẽ may mắn. Đặc biệt tôi cũng phải trông con vì bé làm giống người lớn, rồi chỗ nào cũng xông vào sờ bằng được”, bà mẹ một con cho hay.
Mọi năm, Đền Bà Mariamman (quận 1) thu hút đông người dân đến cầu nguyện. Họ thường úp mặt vào tường đền thờ và sờ vuốt tượng thần để cầu may. Ảnh: Ý Linh. |
Dù hơi tiếc vì chưa thăm thú được nhiều tại các ngôi chùa lần đầu đến, chị Khánh Lai và chị Ánh dự định những ngày sau vắng hơn sẽ đi lần nữa. Ngày đầu năm mới, họ không vương lại những tiếc nuối, tranh thủ cầu an cho gia đình và vui vẻ tận hưởng xuân mới.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.