Thành phố giãn cách, không còn cảnh "cơm hàng cháo chợ", căn bếp trở thành chốn mọi người gắn bó nhiều nhất thời điểm này.
Ở căn bếp mùa dịch, có chàng trai biết mình trưởng thành khi lần đầu tự nấu, có cô gái dành hàng giờ đồng hồ làm ly trà sữa yêu thích và có cả người vợ mày mò học cách làm thêm món ngon đợi chờ chồng đi chống dịch trở về.
Dù là lý do gì thì căn bếp mùa dịch cũng ấm áp và bận rộn hơn thường ngày.
"Có mâm cơm của hai mẹ con đợi bố đi chống dịch về"
Chị Hoàng Thảo (29 tuổi, TP Thủ Đức)
Tình hình dịch bệnh căng thẳng, chồng tôi là công an nên đã phải đi hỗ trợ chống dịch ở tuyến đầu, gần 1 tháng rồi chưa về nhà. Căn bếp thường khi có 3 người, giờ chỉ còn hai mẹ con ăn cơm đợi bố.
Ngày con trai tròn 1 tuổi, chồng tôi đang chống dịch ở xa, chỉ có thể gọi video call trò chuyện với hai mẹ con. Anh cũng thường xuyên bày tỏ rằng nhớ món ăn vợ nấu.
Vì dịch bệnh phức tạp, lại có con nhỏ, toàn bộ thực phẩm tôi đều nhờ mẹ chồng mua giúp rồi gửi qua để hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, dù chỉ có tôi và con trai, mâm cơm lúc nào cũng tươm tất, có cả món cho mẹ, món cho con và còn chụp ảnh gửi chồng tôi để anh đỡ nhớ.
Tôi yêu thích việc nấu ăn, thích bày biện cho thật đẹp rồi chụp ảnh lại. Tôi cũng xem đây là một kiểu nhật ký vui nhộn cho những ngày giãn cách xã hội.
Điều này giúp tôi cảm thấy thư giãn, lại vừa rèn luyện thêm tay nghề đợi ngày chồng đi chống dịch về sẽ được ăn thêm nhiều món ngon nữa.
"Có ly trà sữa yêu thích"
Hồng Điệp (24 tuổi, TP Thủ Đức)
Mùa giãn cách xã hội ở nhà, tôi thèm một ly trà sữa Phúc Long, thứ mà lúc trước chỉ cần bước chân ra khỏi nhà một chút là có.
Thực hiện Chỉ thị 16 nên các cửa hàng Phúc Long ngừng hoạt động, các quầy bán mang đi (tích hợp trong cửa hàng tiện lợi) cũng khá khó mua, tôi thì không ủng hộ chuyện nhờ người mua hộ nên quyết định tự nấu tại nhà.
Công đoạn tốn thời gian nhất chắc là đợi ship trà, tôi đặt từ 7/7 đến 23/7 mới có hàng.
Vì muốn nấu bài bản nên tôi quyết định làm cả trân châu. Trân châu tôi làm là từ khoai lang tím của tổ dân phố gửi cho. Nấu trà mất hơn 1h30, riêng làm trân châu phải mất 3h. Tôi được sự giúp sức của cháu gái 3 tuổi, vì còn bé nên cháu tôi chỉ làm được trân châu sợi nhưng vẫn rất hào hứng.
Thành phẩm là tôi có một nồi 2,5 l trà sữa và rất nhiều trân châu. Sau khi gửi tặng các cô chú thì vẫn còn kha khá cất vào tủ lạnh uống dần.
Đợt giãn cách năm ngoái, tôi cũng làm nhiều món học trên mạng như bánh mì bơ tỏi, cafe dalgona nhưng vì nguyên liệu đợt này khó tìm nên chỉ nấu trà sữa thôi.
Được thưởng thức ly trà sữa mà mình nhung nhớ bấy lâu khiến tôi cảm thấy công sức bỏ ra thật đáng giá và cũng trân trọng khoảng thời gian cuộc sống bình thường, không có dịch bệnh.
"Có lần đầu tự xuống bếp nấu cơm"
Thanh Hiếu (25 tuổi, Bình Thạnh)
Gia đình tôi ở Tân Phú, tuy nhiên vì ở khá xa nơi làm việc nên tôi thuê trọ tại Bình Thạnh gần 1 năm nay.
Thời điểm biết khu tôi ở nhiều ca nhiễm phức tạp, ba mẹ trực tiếp mua sẵn đồ rồi gửi từ Tân Phú sang cho tôi (lúc này các shipper vẫn được hoạt động liên quận).
Thực phẩm mẹ gửi có đủ từ chế biến sẵn như chả lụa, heo quay cho đến đồ tươi sống như thịt cá, rau củ, trái cây và cả đồ khô có thể để lâu được. Mẹ còn biết tôi phải làm việc sớm nên gửi thêm cả cafe đóng lon cho con trai.
Trước đây, tôi chưa từng xuống bếp, chỉ ăn cơm nhà hoặc mua đồ ăn sẵn. Lần giãn cách kéo dài, không thể "sống qua ngày" bằng mì gói nên tôi học cách tự nấu ăn cho mình.
Ngoài xem video công thức trên mạng, tôi cũng được mẹ trực tiếp gọi điện hướng dẫn. Đến giờ, thành phẩm tự tay nấu tôi đều ăn hết, không quá ngon nhưng vẫn chấp nhận được. Với tôi, vậy là thành công.
Tôi biết ơn vì dù trong mùa dịch vẫn luôn có gia đình gần gũi, yêu thương. Tôi cũng học được cách chăm sóc bản thân nhiều hơn.
"Sự san sẻ từ mọi người xung quanh"
Trọng Nhân (27 tuổi, quận 1)
Khu tôi ở bị phong tỏa cách đây 10 ngày vì hàng xóm có ca nhiễm Covid-19. Trước đó, tôi và anh hai có đi chợ mua đồ tích trữ trong tủ lạnh đủ để chúng tôi ăn uống sinh hoạt trong nửa tháng nên khi hay tin khu phố bị phong tỏa chúng tôi không quá lo lắng.
Kể từ ngày đầu cách ly, cứ mấy hôm tổ dân phố lại ghé gửi tặng các gia đình gạo và thực phẩm (rau củ, thịt, đồ hộp, muối, đường, nước mắm…)
Cách ly được 10 ngày, đến nay gia đình tôi đã nhận được 20 kg gạo cùng thực phẩm các loại.
Vì nhà tôi đã có đồ ăn, nên tôi và anh hai quyết định gửi tặng đồ chúng tôi nhận được cho mọi người trong dãy trọ bên cạnh nhà. Nơi đây có nhiều anh chị lao động và các bạn sinh viên bị kẹt lại mùa dịch.
Ngoài ra, tôi cũng bất ngờ được công ty gửi tặng 1 thùng đồ gồm nhiều rau củ, thịt cá, có cả một ít thuốc men cần thiết cho mùa dịch.
Sự quan tâm và chia sẻ của mọi người xung quanh trong thời điểm khó khăn này khiến tôi rất cảm động. Quả thật, Sài Gòn cái gì có thể thiếu nhưng không bao giờ thiếu tình thương.
"Những món ăn mới tôi tự thưởng cho mình"
Tường Vi (25 tuổi, TP Thủ Đức)
Những ngày giãn cách xã hội, ngoài thời gian làm việc, còn lại tôi đều dành cho bản thân từ đọc thêm sách, luyện tiếng Anh, xem phim và nhất là nấu ăn.
Tôi thích chăm chút cho bữa cơm của mình mỗi ngày. Tôi là người ăn uống và tập luyện theo chế độ, nên việc quan tâm bữa ăn lại càng quan trọng.
Ngoài các món ăn lowcab hoặc theo chế độ nhất định, tôi hay mày mò làm món mới chưa từng thử trước đây như một số đồ ăn truyền thống Việt Nam, các loại bánh ngọt, nước trái cây ngâm...
Ví dụ như mận ngâm là thức uống tôi học được từ một người chị. Tôi cũng mới tập làm gần đây nhưng lại cho ra thành quả tuyệt vời.
Tôi biết ăn uống theo chế độ giúp cơ thể khỏe mạnh, nhưng vào thời điểm căng thẳng, stress quá độ hay phải đón nhận nhiều thông tin tiêu cực, tôi cũng tự cho phép mình thưởng thức bánh hay đồ uống ngọt.
Điều này làm cải thiện tâm trạng, giúp tôi lấy lại năng lượng và tinh thần sau nhiều ngày giãn cách.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.