Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Gặp khó vì Covid-19, người nước ngoài ở TP.HCM vẫn lạc quan

"Dù phải tạm ngừng các cơ sở kinh doanh khiến doanh thu giảm đi rất nhiều, tôi vẫn cảm thấy lạc quan vì bản thân có thêm thời gian nghỉ ngơi", Ali bày tỏ.

nguoi nuoc ngoai o TPHCM anh 1

Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam phải đóng cửa hàng, bị cắt giảm lương hay buộc phải thay đổi công việc khi bùng phát dịch Covid-19.

Chia sẻ với Zing, 4 người nước ngoài đang sống tại TP.HCM nói về khó khăn họ gặp phải khi thành phố giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, những người ngoại quốc này xem dịch bệnh là thời gian để họ nghỉ ngơi, học thêm những điều mới.

Có thêm thời gian cho bản thân

Ali (quận Bình Thạnh), đến từ Kuwait

Tôi đã sinh sống ở TP.HCM 3 năm nay và đang sở hữu một cửa hàng áo quần thời trang, một tiệm cắt tóc và một quán cà phê ở Bình Thạnh.

Tôi phát triển cơ sở kinh doanh của mình ở nhiều quốc gia, từ Trung Đông, Thái Lan đến Campuchia. Nhưng từ khi đặt chân đến TP.HCM, tôi đã cảm nhận được đây chính là một thành phố thiên đường để sinh sống và làm việc với nhiều cơ hội quý giá.

nguoi nuoc ngoai o TPHCM anh 2

Ông Ali xem thời gian đình trệ việc kinh doanh vì dịch bệnh là dịp để nghỉ ngơi. Ảnh: NVCC.

Dù phải tạm ngưng các cơ sở kinh doanh của mình khiến doanh thu giảm đi rất nhiều, tôi vẫn cảm thấy lạc quan với hiện tại. Tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi và tìm thêm nhiều sở thích bổ ích khác để trau dồi bản thân tốt hơn. Tôi học thêm ngoại ngữ, tìm tòi các công thức nấu ăn lạ và review các món ăn mới với bạn bè trên tài khoản Instagram của mình. Điều này giúp tôi có thể làm đa dạng thực đơn cho nhà hàng của mình sau dịch.

Tôi hy vọng rằng dịch bệnh sớm qua đi để tôi có thể quay lại hoạt động kinh doanh của mình, cũng như học hỏi thêm cách vận hành dịch vụ du lịch ở các thành phố du lịch tại Việt Nam để áp dụng cho các cửa hàng của mình.

Tháng sau về nước nhưng sẽ quay lại TP.HCM

Aya (Thảo Điền, TP Thủ Đức), đến từ Nhật Bản

4 năm trước, chồng tôi được chuyển công tác đến Việt Nam nên đã mang theo cả gia đình đến TP.HCM sinh sống. Tôi trở thành nội trợ toàn thời gian từ khi sống ở đây. Những công việc hàng ngày như chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa đều một tay tôi đảm nhiệm.

Tôi có nhiều khoảng thời gian chăm sóc bản thân mình, học thêm nhiều thứ mới như tiếng Anh, yoga, chăm sóc da và chơi đùa cùng con.

nguoi nuoc ngoai o TPHCM anh 3

Aya sẽ trở về Nhật Bản vào tháng sau nhưng cô mong sớm trở lại TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Vài tháng gần đây, tôi bắt đầu làm việc từ xa cho một công ty Nhật Bản nên dù tình hình dịch bệnh phức tạp ở TP.HCM cũng không ảnh hưởng gì đến công việc của tôi lắm.

Chồng tôi là trụ cột tài chính trong nhà, điều đó khiến tôi cảm thấy giảm đi áp lực rất nhiều cho các chi phí sinh hoạt và tiền học cho con.

Hiện tại, chồng tôi đã trở về lại Tokyo nên tôi đang sống ở đây với các con của mình và sẽ trở về Nhật Bản vào tháng sau. Khi về nước, tôi sẽ đi làm full-time tại công ty của mình.

Dù không tiếp tục sinh sống ở TP.HCM nữa, nhưng tôi hy vọng mình sẽ có thể trở lại thăm thành phố này, gặp lại những người bạn cũ, ăn các món ăn địa phương, đặc biệt là ốc và bún chả Hà Nội.

Thêm thu nhập từ các công việc tay trái

Joe (quận Bình Thạnh), đến từ Đức

Tôi là người Đức gốc Việt Nam, đã sinh sống ở TP.HCM được 5 năm nay. Chính vì nhịp sống hối hả, năng động ở đây đã khiến tôi muốn trở về quê hương và xây dựng sự nghiệp.

Cơ hội không tự nhiên mà có, chúng ta là người tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Công việc chính của tôi khi còn ở Đức là kỹ sư và biên đạo múa. Tuy nhiên, tôi có niềm đam mê mãnh liệt với F&B. Chính vì thế, khi về Việt Nam, tôi đã khai trương một nhà hàng rooftop.

nguoi nuoc ngoai o TPHCM anh 4

Joe chuyển sang dạy tiếng Đức online và tư vấn cho các doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, tôi sở hữu thêm một nhà hàng Kebab tên là Kebaby. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và với Chỉ thị 16 của Chính phủ, các quán ăn nhà hàng phải tạm thời đóng cửa. Do đó, hoạt động kinh doanh nhà hàng của tôi cũng phải tạm ngưng lại.

Để duy trì kế hoạch tài chính của mình, tôi đã chuyển sang dạy tiếng Đức online và tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp mới thành lập.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh F&B gặp phải rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh xảy ra như chi phí hoạt động, tiền thuê nhà. Hầu như các bạn làm dịch vụ đều thất nghiệp và mất đi thu nhập để duy trì cuộc sống của mình. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ khôi phục sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tôi mong khi cuộc sống trở lại ổn định, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ được mở cửa đón khách, tôi sẽ tiếp tục hoạt động với nhà hàng Kebaby của mình và phát triển thêm nhiều chi nhánh ở TP.HCM.

Xoay xở khi ​​lương giảm 30%

Christiana (23 tuổi, quận 1), đến từ Nam Phi

8 tháng trước, tôi đã bắt đầu hành trình mới của mình ở TP.HCM. Tôi chọn đến làm việc tại thành phố này vì sự hấp dẫn bởi nền văn hoá Á Đông hoàn toàn khác biệt so với quê hương, và một phần vì mức sống ở đây khiến tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu.

Tôi thấy TP.HCM mở ra nhiều cơ hội cho người nước ngoài như tôi với mức thu nhập cao.

Trước khi Covid xảy ra, tôi làm chuyên viên tâm lý học về tầm soát não bộ. Công việc của tôi là kiểm tra những biến chứng về chấn thương não đối với những người gặp phải tai nạn, sau đó viết báo cáo bệnh án cho bệnh nhân.

Sau đó, tôi đã chuyển sang một công việc khác là giáo viên tiếng Anh. Tôi đi dạy chính ở một trường công từ sáng sớm cho đến chiều muộn (7h30-16h) rồi đi dạy thêm ở trung tâm tiếng Anh tư nhân vào buổi tối.

nguoi nuoc ngoai o TPHCM anh 5

Christiana muốn khi TP.HCM hết dịch, cô sẽ tìm kiếm công việc liên quan đến tâm lý và tích lũy kinh nghiệm ở mảng này. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, kết thúc năm học, ngôi trường tôi giảng dạy phải đóng cửa để học sinh nghỉ hè. Mất đi một nguồn thu nhập chính khiến tôi phải lên kế hoạch sử dụng tiền tiết kiệm hơn cho sinh hoạt thường ngày.

Vì dịch bệnh nên các trung tâm ngoại ngữ cũng phải đóng cửa và chuyển sang hình thức dạy học online. Với hình thức học trực tuyến, chỉ có 45% số lượng học viên cũ đăng ký tiếp tục học, vì thế rất khó để xếp lớp với số lượng học viên ít ỏi trong những tháng gần đây. Số giờ dạy bị cắt giảm đi rất nhiều vì không có học viên, đồng thời tiền lương của tôi bị cắt giảm 30% so với trước.

Do mới tốt nghiệp nên kinh nghiệm làm việc không có nhiều để có thể nhận thêm các công việc khác trong thời điểm này, nên thu nhập của tôi chỉ dựa vào các lớp dạy tiếng Anh online vào buổi tối.

Khi thành phố trở lại an toàn, tôi sẽ tìm kiếm công việc liên quan đến tâm lý và tích lũy kinh nghiệm về mảng này. Trong tương lai gần, tôi mong muốn để dành đủ tiền để tiếp tục theo học thạc sĩ về tâm lý trẻ em.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Saigon Expresso: Shipper phải đeo thẻ được cấp để hoạt động

Shipper tại TP.HCM chỉ được chở mặt hàng thiết yếu và phải đăng ký hoạt động, đeo thẻ khi làm việc.

Đi qua mùa dịch cùng 'người lạ' trong chung cư TP.HCM

Giãn cách xã hội khiến mối quan hệ của những người ở ghép căn hộ chung cư thay đổi, có thể từ chưa quen trở nên thân thiết hơn, hoặc buộc phải "xa lạ" ngay trong nhà mình.

Người nước ngoài ở TP.HCM ứng phó trước tin giả về Covid-19

Nhận được tin nhắn chào mời tiêm vaccine với giá "cắt cổ", nghe những đồn đoán về cách chữa Covid-19 là những điều mà người nước ngoài ở TP.HCM gặp phải.

Người nước ngoài loay hoay khi TP.HCM giãn cách xã hội

Lúng túng khi không thể đặt thức ăn qua dịch vụ, thắc mắc về việc di chuyển trong thành phố là những vấn đề người nước ngoài gặp phải khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16.

Nhật Hoàng

Bạn có thể quan tâm