Ở các thành phố lớn, việc ở ghép từ lâu đã phổ biến trong giới sinh viên, người nhập cư tạm trú, người độc thân. Hình thức lưu trú này được cho là giải pháp hợp lý giúp người thuê bớt gánh nặng chi phí, nhất là ở các chung cư tiện nghi, cao cấp.
Tuy nhiên, vào thời gian giãn cách xã hội, khi mọi người thường xuyên có mặt trong nhà, một số người sống cùng trong chung cư TP.HCM đã xảy ra những tình huống dở khóc dở cười.
Gần gũi hơn nhờ giãn cách
Gần hai tháng nay anh Thanh Sơn và bạn cùng nhà ở chung cư New City (TP Thủ Đức) nói chuyện với nhau nhiều hơn. Anh Sơn từ Hà Nội vào TP.HCM sống từ tháng 6/2020, có nhu cầu ở chung cư và đã đăng tìm người ở ghép trên mạng xã hội vì không có bạn bè nơi đây.
Cả năm ở cùng nhau, anh Sơn và người bạn kia chỉ thấy nhau ít phút vào cuối tuần, do công việc cả hai đi sớm về khuya, hầu như không biết gì về nhau ngoài tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp. Song, khi phải ở nhà vì giãn cách xã hội, cả hai trở nên thân thiết hơn.
"Sau một tuần làm việc tại gia, chúng tôi nấu ăn chung, chia sẻ với nhau về gia đình, sở thích. Giờ đây chúng tôi mang máy vi tính ra phòng khách ngồi làm việc chung cho vui”, anh Thanh Sơn kể.
Bạn cùng nhà tranh thủ cùng nhau trồng cây trang trí lại không gian chung. Ảnh: Ý Linh. |
Còn tại căn hộ chung cư Galaxy 9 (quận 4), anh Ngọc Duy sống cùng hai người bạn quen biết xã giao. Đến khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, mọi người sinh hoạt chung nhiều hơn và nảy sinh bất đồng quan điểm.
Ba người đàn ông từng không nấu nướng, thường đặt món ăn sẵn. Nay họ thay phiên nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí và thời gian dùng bếp. Vài ngày đầu cả ba đã cảm thấy chút khó khăn vì khẩu vị vùng miền khác nhau.
“Xác định giãn cách xã hội còn dài, chúng tôi quyết định thay đổi thói quen sống từ những điều nhỏ nhặt như nêm nếm đồ ăn bớt cay lại cho người bạn kia dùng được. Ở chung thời gian này mọi người không còn tự do cá nhân được như trước nữa”, anh Duy nêu quan điểm.
Giữ khoảng cách vì Covid
Hoài An sống ở căn chung cư Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè) hai phòng ngủ cùng người bạn làm nhân viên tại siêu thị. Khi ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM tăng, An bày tỏ nghi ngại bạn mình có nguy cơ nhiễm virus vì tiếp xúc với nhiều người ở siêu thị, do đó hai người đã thống nhất không tiếp xúc với nhau.
Trước đây họ thường dùng chung bữa tối mỗi ngày. Nay mọi chuyện trong nhà cần ý kiến hai người đều được liên lạc qua điện thoại.
An và bạn chia giờ nấu cơm ở bếp. Trước khi dùng phòng tắm thì nhắn hỏi nhau trước để tránh chạm mặt. Người bạn kia còn ra ngoài được sẽ nhận đi chợ, còn An ở nhà dọn dẹp khu sinh hoạt chung.
“Chúng tôi không nhìn thấy nhau dù cách nhau vài mét. Thật sự khó xử nhưng tôi phải làm thế để bảo vệ chính mình, cũng may là bạn bè lâu năm nên dễ thông cảm cho nhau”, An chia sẻ.
Ở ghép mùa dịch dấy lên nỗi lo lây nhiễm Covid-19 từ những người thuê cùng căn hộ, khiến mối quan hệ mọi người trong nhà không còn như trước. Ảnh: Coliving. |
Gay gắt hơn là trường hợp của Thùy Linh. Cuối tháng 1 chị về từ địa phương có ca nhiễm Covid-19, bị bạn cùng nhà ở chung cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh) khóa trái cửa không cho vào.
Chị Linh bị buộc phải thuê khách sạn “tự cách ly” trong 14 ngày, dù không có triệu chứng bệnh và đã khai báo dịch tễ không tiếp xúc với ca nhiễm.
Bạn thuê chung là đồng nghiệp của Linh, sợ nhiễm bệnh nên đã làm thế. Cô gửi một ít tư trang đến khách sạn và hoàn trả cho Linh nửa tháng tiền nhà.
Ban quản lý chung cư và chính quyền địa phương cũng không giải quyết được, vì đây là chuyện riêng của những người thuê với nhau.
Giải pháp cho “người lạ” ở ghép chung cư
Đa phần căn hộ chung cư hiện nay được thiết kế cho gia đình, đầu tư diện tích và tiện ích vào không gian sinh hoạt chung. Như vậy những đối tượng khác thuê chung căn hộ thường phải là bạn bè, đồng nghiệp đã quen biết nhau.
Nếu ai đó một mình mới đến thành phố, họ sẽ khó tìm nơi lưu trú với bạn cùng nhà phù hợp, hoặc phải chi số tiền lớn hơn ở căn hộ riêng trong chung cư. Vì vậy, dự án chung cư Northern Boulevard tại New York (Mỹ) ra đời mang đến giải pháp cho “người lạ” muốn ở ghép.
Tòa nhà 42 tầng dành ra 13 tầng cho căn hộ ở ghép với 2 hoặc 3 phòng ngủ. Các phòng ngủ sẽ lớn hơn, đầu tư cách âm, có phòng tắm riêng, có thể thêm quầy bếp nhỏ trong mỗi phòng, giảm diện tích phòng khách và tiện nghi chung. Thậm chí chủ đầu tư còn làm ứng dụng giúp mọi người tìm chọn và kết bạn với những ai có nhu cầu thuê ở ghép chung cư.
“Căn hộ như thế là hoàn toàn phù hợp với ai phải tự cách ly tại nhà nếu là người bệnh hoặc nghi nhiễm, hầu như không chung đụng gì. Tôi rất cần căn phòng kiểu thế”, Thùy Linh bày tỏ nguyện vọng sau lần bị bạn cùng nhà “xua đuổi”.
Căn hộ có các phòng ngủ tách biệt kèm theo tiện nghi riêng phù hợp với người độc thân, vừa tránh tiếp xúc trong thời dịch. Ảnh: Susan Swift. |
Tại TP.HCM cũng đã có một số chủ nhà cho thuê theo hình thức tương tự, tập trung nhiều nhất ở TP Thủ Đức, quận 7, quận Bình Thạnh và quận 4. Những khu vực này gần trung tâm, thu hút đông người dân nhập cư.
Chị Thảo Nguyên có căn hộ ở chung cư Copac (quận 4), từng dùng để kinh doanh dịch vụ lưu trú AirBnB, chủ yếu cho khách nước ngoài thuê ngắn hạn. Sau khi mất lượng lớn khách vì Covid-19, chị Nguyên chuyển sang cho người thuê hợp đồng một năm.
Vì căn hộ có 2 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh, chị Nguyên cho thuê từng phòng riêng lẻ, phù hợp cho những ai ít sinh hoạt ở nhà. Chị cho biết để khiến mỗi khách thuê yên tâm về “người lạ” cùng nhà, chị yêu cầu mỗi người cung cấp một số thông tin cơ bản cho nhau.
Chị Thu Hương là chủ một căn hộ cho thuê ở chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh), cho biết chị không thể biết rõ nhân thân và mối quan hệ của những người thuê nhà.
“Việc kỹ nhất tôi làm là gặp mặt trực tiếp người thuê, chụp lại chứng minh nhân dân lẫn ảnh người thật, đảm bảo họ đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Miễn là họ trả tiền thuê đủ, và không gây hư hại căn hộ, thì ai ở cũng được”, chị Hương nói.
Trường hợp anh Vũ Phong thường đi công tác dài ngày, nếu thuê nhà để trống sẽ lãng phí, nên muốn ở ghép chung cư. Do anh ít khi có mặt tại nhà nên việc người lạ ở ghép không phải vấn đề lớn.
Sau khi tìm được căn hộ ưng ý ở chung cư Grand Riverside (quận 4), anh Phong đã thuê nguyên căn dài hạn 3 năm để ổn định nơi sống. Tiếp đó anh lại đăng tìm một người khác ở ghép nhà với mình, yêu cầu ký hợp đồng một năm, dài hơn càng tốt.
"Tôi không quan trọng người đó là ai, miễn là họ chi trả đủ và tuân theo các ý trong hợp đồng. Như vậy tôi vừa có thể chia sẻ được chi phí, vừa coi như có người trông nhà", anh Phong chia sẻ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.