Dịch Covid-19 khiến toàn TP.HCM phải giãn cách. Công ty của chị Phương Thảo (phường An Phú, TP Thủ Đức) cũng bắt đầu làm việc tại nhà từ giữa tháng 5.
Gần hai tháng ở yên "chống dịch" giúp Thảo sinh hoạt điều độ, khoa học hơn. Tuy nhiên chị vẫn stress mỗi lần nhận hóa đơn tiền điện.
"Làm việc tại nhà mình chủ động hơn trong mọi thứ nhưng nó cũng làm phát sinh hàng loạt chi phí. Anh chủ nhà nhắn tin báo tiền nhà làm mình choáng váng. Ở nhà 1 tháng mà tiền điện tăng gấp 3 lần", Thảo nói.
"Mở máy lạnh suốt"
Phương Thảo là nhân viên văn phòng, tuy nhiên tình hình dịch bệnh, Thảo phải "mang việc về nhà" trong mùa giãn cách.
Ở nhà nhiều, Thảo học cách sống chậm, bắt đầu thời gian theo cách thong thả, dậy sớm, nấu ăn và làm việc hiệu quả hơn. Song, dành toàn bộ thời gian ở nhà trong mùa hè, Thảo phải bật máy lạnh cả ngày.
“Mình phải mở máy lạnh suốt vì nóng quá. Ban ngày thì nắng, ban đêm không khí oi bức, phải có máy lạnh mới ngủ nổi. Mùa dịch Covid-19 mình nghe thông tin báo đài khuyến khích nên mở cửa sổ cho thông thoáng nhưng không thể mở được vì nắng nóng”, Phương Thảo nói.
Tiền điện của Phương Thảo tăng gần gấp 3 lần trong mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Máy lạnh nhà Thảo chỉ tắt khi cô bạn đi chợ hoặc tập thể dục, còn mỗi lúc ở nhà, máy lạnh lúc nào cũng bật 25 độ. Tiền điện tháng 6 của Thảo tăng từ 250.000 đồng lên hơn 700.000 đồng.
Không riêng Phương Thảo, các hội nhóm chung cư trên mạng xã hội cũng có hàng loạt bài đăng than thở về tiền điện tăng cao. Thậm chí, có gia đình đã siết chặt theo dõi chỉ số điện qua app để tính toán khi sử dụng, nhưng hóa đơn vẫn cứ tăng đều.
Nắng nóng kéo dài, các thiết bị điện phải hoạt động liên tục từ điều hòa, quạt, máy làm mát, máy lọc không khí, máy phun sương,... Cứ đến tháng nắng nóng thì tiền điện cứ vậy mà “mặc sức” vùn vụt tăng theo nhiệt độ thời tiết.
Ngoài chuyện nắng mùa hè, Nhật Huy (ngụ quận 1) chia sẻ trong lúc giãn cách vì dịch bệnh, anh dành thời gian học nấu ăn, làm bánh phục vụ cho sở thích cá nhân. Song, thiết bị nấu nướng cũng toàn là thiết bị điện, nên khi cuối tháng hóa đơn về là Nhật Huy lại chán nản.
“Mình nghĩ tự nấu ăn là một cách tiết kiệm, nhưng mà lợi bất cập hại là mình nấu bằng bếp điện thế là tốn điện. Tiết kiệm được tiền ăn ngoài thì bù hết vào đóng tiền điện”, Nhật Huy kể.
Chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn "sốc"
Gia đình anh Đỗ Bảo Long ở tại chung cư The Sun Avenue (phường An Phú, TP Thủ Đức) cũng đau đầu vì tiền điện tăng cao bất thường.
“Từ đầu tháng 5 đến nay, tiền điện tăng chóng mặt. Trời nắng nóng, bé con nhà mình lại bị dị ứng nên phải bật điều hòa để bé không khó chịu. Mình cũng muốn lọc không khí cho yên tâm mùa dịch thế là mở thêm máy lọc không khí. Làm ở công ty cũng ngồi điều hòa liên tục quen rồi, về nhà cũng phải vậy mới “vô guồng” được. Đợt giãn cách cả hai vợ chồng mình đều làm tại nhà nên đoán được tiền điện sẽ tăng”, anh Long nói.
Hai vợ chồng anh dù đã chuẩn bị tinh thần cầm hóa đơn tiền điện, nhưng với mức tăng gấp 3 lần so với tháng trước thì cả nhà vẫn sốc.
Hóa đơn tiền điện khiến chị Linh tăng "chóng mặt" từ khoảng 1 triệu lên gần 2,5 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Cùng cảnh ngộ với anh Bảo Long là gia đình chị Hoài Linh, ở tại chung cư Masteri Thảo Điền (phường An Phú, TP Thủ Đức) nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 với số điện năng tiêu thụ 917kWh, cao nhất trước giờ.
Tiền điện nhà chị Linh phải trả lên đến 2,4 triệu đồng, trong khi trước đó mỗi tháng chị chỉ trả khoảng 1 triệu đồng.
Thấy tiền điện vượt mức, chị Hoài Linh đã liên lạc hỏi Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) thì nhận được câu trả lời rằng ngành Điện lực đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Nhà chị tiêu thụ điện nhiều hơn khiến giá “nhảy” theo bậc, tiền điện cứ vậy tăng lên chóng mặt.
Hiện, giá bán điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính theo biểu giá 6 bậc thang với bậc cao nhất là từ 401kWh trở lên. Người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 100kWh - 200kWh phải chịu mức cao hơn. Trường hợp tiêu thụ từ trên 200kWh/tháng ứng với các bậc thang giá cao từ bậc 4 - 6 có mức tăng hơn 150% với bậc 1.
Chia sẻ với Zing, anh Bảo Long cho biết từng có ý định gắn pin năng lượng mặt trời song vì vợ chồng anh ở chung cư nên chỉ có thể sử dụng lưới điện chung.
“Chắc là phải xem xét tính toán lại hoặc tìm cách nào đó, chứ cứ trả tiền điện mỗi tháng thế này thì kinh tế không gánh được mà gia đình cũng căng thẳng”, anh Long nói thêm.