“Nơi đây có sức hấp dẫn kỳ lạ, là sự pha trộn giữa cũ và mới, cho tôi một cảm giác hồi hộp, thôi thúc tôi khám phá nó”, Daniel Ansel Tingcungco (33 tuổi, người Philippines) nói ra suy nghĩ của mình về Sài Gòn.
Đó là lý do khiến Tingcungco thực hiện dự án tranh 100 Views of Saigon (100 góc phố Sài Gòn). Bản thân là một giám đốc nghệ thuật của công ty truyền thông lớn, Tingcungco đã rong ruổi khắp đô thị, ngồi ăn quán vỉa hè, làm quen nhiều người, để tìm ra cảm hứng và nội dung vẽ.
Vẽ bộ tranh vì yêu mến TP.HCM
Tingcungco lần đầu đến TP.HCM vào dịp Tết Nguyên đán 2019. Anh dành phần lớn thời gian rảnh để thăm thú thành phố. “Sau tuần đầu tiên ở đây, tôi đã phải lòng thành phố này. Không những quyết định lưu trú đến giờ, mà tôi còn có cảm hứng tạo ra 100 bức vẽ dễ thương về nó”, anh chia sẻ.
Daniel Ansel Tingcungco là họa sĩ minh họa từ Manila (Philippines) đến TP.HCM tìm cảm hứng mới trong công việc. Ảnh: NVCC. |
Tingcungco vẽ 100 bức tranh từ tháng 2/2020 đến cuối tháng 6 vừa qua. Trong lúc TP.HCM giãn cách xã hội do Covid-19, bị hạn chế việc đi lại, anh đành vẽ lại những bức ảnh mình chụp trước đó, và coi đây như một cách “du lịch” không cần phải ra ngoài.
Chàng trai Philippines từng ngần ngại khi thực hiện bộ tranh, vì sợ mình truyền tải hình ảnh không đúng, không hay. “Mới đến Việt Nam không lâu, tôi không biết nhiều về nơi này, ngoại trừ những thông tin giới thiệu du lịch hay một số ‘hiểu lầm’ mà thế giới nghĩ về Sài Gòn”, anh cho biết.
Tìm cách khám phá Sài Gòn từ nhiều nguồn sách vở, theo gợi ý từ bạn bè, hòa vào nhịp sống của thành phố là cách Tingcungco khắc phục.
Trong đó, quyển sách “Exploring Saigon-Chợ Lớn: Vanishing heritage of Hồ Chí Minh City” của tác giả Tim Doling đã truyền nhiều cảm hứng cho Daniel, giúp anh có cái nhìn chuẩn xác hơn về kiến trúc của thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều địa điểm thú vị là từ bạn bè anh giới thiệu, hoặc là nơi tình cờ anh đi qua thấy hay và ghi hình lại. “Tôi đã gặp nhiều người truyền cảm hứng cho tôi và kết bạn rất nhiều, tất cả đều nhờ vào dự án này”, Tingcungco khoe.
Các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố nơi Tingcungco từng đến. |
Phần khó nhất của dự án này là chọn khung cảnh nào để vẽ. Tingcungco phân vân trước hơn cả trăm khung cảnh đều tạo cảm xúc cho anh. Anh chú thích thêm rằng 100 góc phố được chọn vẽ là theo góc nhìn chủ quan, không phải là danh sách chuẩn, và mỗi người đều có thể tạo ra 100 góc nhìn của riêng họ hoặc hơn thế.
Những khung cảnh quen thuộc của Sài Gòn được chàng trai ngoại quốc tô vẽ một cách chân thực, với gam màu rực rỡ khiến thành phố trở nên sống động, từ điểm tham quan nổi tiếng, những công trình nhuốm màu thời gian cho đến những nét sinh hoạt bình dị đậm chất Sài Gòn. Mỗi bức tranh đều gắn với một câu chuyện, kỷ niệm hay cảm xúc của Tingcungco.
Trong đó, bức vẽ Bưu điện trung tâm thành phố khiến anh mất nhiều thời gian và công sức nhất, vì công trình có quá nhiều chi tiết nhỏ từ tòa nhà đến đá lát vỉa hè. Điều này khiến anh càng nghiêm túc hoàn thiện, không chỉ vì nơi này là một trong những biểu tượng quan trọng của thành phố.
Mỗi bức tranh kể một câu chuyện
Bức tranh thứ 82 vẽ vòng xoay Điện Biên Phủ, đoạn đường Tingcungco thường đi làm, khiến anh hào hứng nhất khi thực hiện. Anh vẽ nó vào một chiều chủ nhật xe cộ vắng vẻ hiếm thấy, nên đưa thêm hình ảnh một người bạn đang lái xe môtô thật ‘”ngầu”’ vào.
Người bạn trong bức tranh là “cạ cứng” uống cà phê của Tingcungco, cho biết chàng họa sĩ đã dụng ý vẽ thêm để tặng anh nhưng anh không hề biết trước đó.
“Cho đến khi tôi chở cậu ấy chạy ngang nơi này, thì cậu ấy bỗng thốt lên đây là cảm giác siêu thực, nói tôi xuất hiện trong bức tranh này như là ‘ý trời’ vậy”, nhân vật trong tranh kể lại.
Trong vài khung cảnh Tingcungco cũng đưa chính mình (áo vàng) vào tranh vẽ. |
Nguyên Ý là nhân viên pha chế ở một quán cà phê quen của Tingcungco, cũng được đưa vào bức tranh số 69 vẽ chỗ ngồi yêu thích của anh họa sĩ. Ý kể anh chàng ngoại quốc có chung đam mê ăn uống với mình, đặc biệt là "sành" cà phê.
Mỗi lần gặp nhau ở quán là hai anh em lại thao thao bất tuyệt về những món ăn, quán ăn mới. Anh họa sĩ hay nhờ tôi gợi ý những địa điểm 'local', được người địa phương ưa chuộng, để đến đó hòa mình vào hoạt động thường ngày, vì anh ấy bảo thích cuộc sống ở TP.HCM", Nguyên Ý chia sẻ.
Cảnh chờ gọi món trưa tại gánh bún riêu bên hông chợ Bến Thành, quán sủi cảo trên đường Hà Tôn Quyền (quận 11), quán bánh xèo trên đường Đinh Công Tráng (quận 1) và vài địa điểm ẩm thực khác cũng được Tingcungco đưa vào bộ 100 góc phố, đều là những món khoái khẩu của anh.
Bức vẽ đài phun nước ở phố đi bộ Nguyễn Huệ được Tingcungco chọn làm góc phố thứ 100 “chốt sổ” bộ tranh. Anh cảm thấy đây là một địa danh quan trọng và đẹp ở Sài Gòn, trong đó có tượng Bác Hồ, tòa nhà Ủy ban Nhân dân TP.HCM, và đài sen phun nước làm sáng khung cảnh này.
Họa sĩ Philippines qua đó còn ví Sài Gòn như bông sen, không biết quá khứ như thế nào nhưng giờ đây phát triển rực rỡ.
“Thông qua chùm tranh 100 góc phố Sài Gòn, tôi mong nhiều người sẽ trân trọng và tìm hiểu về vẻ đẹp của Sài Gòn, nhất là nếu họ chưa từng đến nơi đây”, Tingcungco bày tỏ.
Giờ đây, điều Tingcungco mong nhiều hơn cả là dịch bệnh sớm được kiểm soát, để anh có thể ra ngoài lang thang quanh thành phố, tìm ra nhiều khía cạnh mới để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Một số tác phẩm trong bộ 100 góc phố Sài Gòn của Daniel Tingcungco.
Bộ tranh 100 góc phố Sài Gòn của Tingcungco được đăng tải trên Instagram và website của anh. Ngoài ra, anh vẫn thỉnh thoảng điều chỉnh lại một số tác phẩm đã vẽ để làm chúng chân thật hơn, và bổ sung thêm nhiều hình ảnh về thành phố.