Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người ngoại quốc ở TP.HCM nhắn gửi quê nhà: 'Con nhớ món ăn mẹ nấu'

"Quan trọng nhất lúc này là giữ gìn sức khỏe, sau đó cả nhà sẽ lại bên nhau. Con nhớ món ăn mẹ nấu, khi về Mỹ con sẽ ăn thật nhiều để bù đắp lại thời gian xa nhà”, Hurley gửi gắm.

Nguoi nuoc ngoai ket o tphcm anh 1

Giữa lúc cả nước căng mình chống dịch Covid-19, người nước ngoài đang sinh sống tại TP.HCM cũng mang những nỗi niềm riêng. Họ thức muộn hơn một chút để gọi về Mỹ cho đúng múi giờ hay hẹn đồng hồ mỗi ngày để theo dõi danh sách tiêm ngừa ở Hàn Quốc.

Trả lời Zing, 4 người sống xa quê hương chia sẻ họ có không ít tâm sự muốn được tỏ bày cùng người thân, bạn bè.

“Con rất khỏe và nhớ nhà”

Choi Yeon Joo

Người Hàn Quốc, nghiên cứu sinh

Tôi hiện là nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Để hoàn thành luận văn thạc sĩ, tôi cần làm nhiều khảo sát, phỏng vấn trực tiếp. Song vì dịch bệnh và giãn cách xã hội, việc học và nghiên cứu của tôi đang phải hoãn lại.

Ba mẹ tôi ở Hàn Quốc khi biết tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã rất lo lắng. Họ gọi video call mỗi ngày và luôn mong tôi được tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất có thể.

Lúc trước Hàn Quốc bùng dịch, sáng nào tôi cũng theo dõi tin tức sát sao. May mà bây giờ cuộc sống ổn định trở lại, ba mẹ tôi đã được tiêm phòng vaccine nên tôi tập trung cho bản thân nhiều hơn.

Nguoi nuoc ngoai ket o tphcm anh 2

Vừa học vừa làm, Choi Yeon Joo vẫn luôn theo dõi sát sao tin tức ở quê nhà. Ảnh: NVCC.

Điều tôi muốn nhắn nhủ về cho người thân: “Con rất khỏe, mọi việc đều có thể xoay xở được. Chính phủ Việt Nam đang chống dịch rất tốt và mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.

Con rất nhớ nhà. Chúng ta cùng nhau giữ sức khỏe thật tốt nhé. Con sẽ về gặp lại bố mẹ vào ngày Tết đoàn viên”.

“Bố mẹ ở nhà nhớ cẩn thận, con rất bình an”

Pich Visal

Người Cambodia, sinh viên năm cuối

Tôi là sinh viên năm cuối, đang theo học tại trường Đại học Nông Lâm. Tôi đang ở ký túc xá, việc học tập của tôi vẫn diễn ra suôn sẻ. Vì đang làm luận văn tốt nghiệp, tôi thường xuyên phải lên trường.

Nguoi nuoc ngoai ket o tphcm anh 3

Pich ít khi gọi về cho bố mẹ vì sợ gia đình lo lắng. Ảnh: NVCC.

Trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, tôi phần nào chán vì khó khăn về việc di chuyển, ăn uống. Bù lại, tôi thấy nó cũng thú vị. Tôi có nhiều thời gian để tập trung phát triển bản thân. Mọi thứ xung quanh cũng chậm lại, không quá vội vàng như trước.

Tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn ở Cambodia đều đang khá phức tạp. Bố mẹ tôi ngày nào cũng gọi điện, có lúc muốn tôi về nước. Tuy nhiên tôi từ chối vì còn phải học và về rồi thì không biết bao giờ mới trở lại Việt Nam.

Điều tôi muốn nhắn nhủ về cho người thân: “Bố mẹ ở nhà nhớ phải cẩn thận và giữ gìn sức khỏe. Con ở Việt Nam rất bình an, mọi người đang chống dịch hiệu quả. Con luôn biết tự chăm sóc và lo cho sức khỏe của mình, bố mẹ yên tâm nhé”.

“Khi các đường bay mở cửa trở lại, con sẽ về”

Brandon Hurley

Người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh

Tôi đã ở Việt Nam được 6 năm, mọi người ở đây thường gọi tôi là Phúc Mập, tôi yêu cái tên này.

Tôi là giáo viên dạy tiếng Anh tại TP.HCM. Kể từ ngày bùng dịch, tôi ngừng các lớp trực tiếp và chuyển qua hoạt động online. Hàng ngày, tôi chỉ ở nhà dạy học và quay clip đăng trên kênh YouTube của mình, hiếm khi ra ngoài đường.

Nguoi nuoc ngoai ket o tphcm anh 4

Anh Hurley thích được mọi người gọi bằng tên Việt Nam là Phúc Mập. Ảnh: NVCC.

Giãn cách xã hội nên tôi phải ở nhà, đôi lúc thấy tù túng, tôi nhớ khung cảnh luôn sôi động của thành phố, nhớ con đường đi làm mỗi ngày. Thậm chí, tôi nhớ cả tiếng còi xe inh ỏi mỗi lúc tắc đường. Tôi mong Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.

Gia đình của tôi đang sống ở bang Florida, Mỹ. Tôi nhớ ba mẹ và người thân, chúng tôi thường liên lạc với nhau qua video call. Tôi và vợ sống tại Việt Nam lo lắng cho tình hình dịch bệnh tại Mỹ, ba mẹ tôi thì lại mong nhớ và muốn tôi sớm về thăm gia đình.

Điều tôi muốn nhắn nhủ về cho người thân: “Ngày dịch bệnh qua đi, khi các đường bay quốc tế mở cửa trở lại, con sẽ về Mỹ thăm gia đình, mang theo cà phê Việt, thức uống đặc biệt nhất thế giới dành tặng mọi người.

Quan trọng nhất lúc này là giữ gìn sức khỏe, sau đó cả nhà sẽ lại được bên nhau. Con nhớ món ăn mẹ nấu, khi về Mỹ con sẽ ăn thật nhiều để bù đắp lại quãng thời gian xa nhà”.

“Mọi người hãy tập thể dục thường xuyên nhé”

Tomato Tabata

Người Nhật, giáo viên dạy tiếng Việt cho người Nhật

Tôi đã sống tại Việt Nam được gần 7 năm và đang là giáo viên dạy online.

Nguoi nuoc ngoai ket o tphcm anh 5

Anh Tomato Tabata mong mỏi hết dịch để có thể bắt đầu lại những chuyến đi phượt xuyên Việt. Ảnh: NVCC.

Suốt thời gian dịch bệnh xảy ra, tôi vẫn thấy an tâm vì biết rõ được thông tin trên báo chí. Chính quyền địa phương cũng phong tỏa nơi có ca nhiễm ngay lập tức. May mắn là tôi chưa từng bị cách ly nên chưa gặp khó khăn.

Ở Nhật thì dịch diễn biến phức tạp hơn, nên tôi thấy an tâm, cảm giác ở Việt Nam an toàn hơn Nhật Bản. Tôi vốn dĩ là người không thích tụ tập, công việc chủ yếu cũng thực hiện tại nhà, nên khi thành phố giãn cách tôi không bị ảnh hưởng nhiều.

Trước khi có dịch Covid-19, tôi thường đi phượt, ngắm nhìn cuộc sống thiên nhiên. Tuy nhiên, bây giờ thì việc đi phượt khó khăn hơn, tôi sẽ chờ đợi mọi thứ ổn định lại rồi bắt đầu kế hoạch sắp tới.

Điều tôi muốn nhắn nhủ về cho người thân: “Con đang rất ổn. Nếu có chính sách không hạn chế hoặc nới lỏng đi lại giữa Nhật Bản và Việt Nam thì con sẽ về nước thăm gia đình.

Mọi người ở nhà hãy ăn uống điều độ, ngủ nhiều, tập thể dục thường xuyên để nâng cao đề kháng, giữ gìn sức khỏe nhé”.

Thịnh Vũ - Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm