Bức thư gửi Sài Gòn những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, tiếng rao đêm quen thuộc ở thành phố là những câu chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.
"Gửi Sài Gòn
Ngày thứ hai giãn cách theo Chỉ thị 16, tui ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn Ông ngủ yên mặc dù trời đang đổ về chiều. Thiệt kỳ lạ.
Đêm hôm trước thực sự là một đêm dài, ngồi thừ người ra ngó đồng hồ trôi dần về con số 12. Lướt từng dòng tin đang cập nhật liên tục trên các đầu báo, lòng ngổn ngang nhưng trống rỗng. Cảm xúc cũng thế, giống như vừa phải mất mát đi một điều chi đó quen thuộc thường ngày. Khó chịu, bức bối và mông lung.
Ừ thì, có lẽ đó là cảm xúc đỉnh điểm của việc chấp nhận Ông đang bệnh nặng thêm từng chút, và cần phải nghỉ ngơi thiệt nhiều.
Ai đó từng nói rằng mỗi con người mưu sinh chốn này là những tế bào tạo nên một Sài Gòn đầy hỷ nộ ái ố. Bi chừ Ông lâm bệnh, băng bó tứ bề thì từng tế bào cũng trọng thương thiệt nhiều. Kẻ trọng thương tinh thần, người trọng thương miếng cơm manh áo, đủ bề lo toan.
Những ngày này thấy Ông hồi nào cũng đón tin dữ mỗi sớm bằng mấy con số tăng đều. Nhưng may thay còn những câu chuyện tích cực hiện hữu từng góc phố của những con người lành tính, đôn hậu nơi đây.
Đó là phiên chợ 0 đồng, bữa trưa 0 đồng, lời kêu gọi ngọt xớt chơn thành của người dân xứ Ông chộn rộn sẻ chia miếng no miếng đói. Chừng đó mà dập tắt hết trơn bao nỗi sợ "cô Vi" đem lại. Ngó ấm lòng biết bao, ngó thấy niềm tin dữ thần luôn á.
Riết giờ chỉ mong Ông lo dưỡng thương thiệt tốt mà mau khoẻ lại cho bà con đặng vui mừng, chớ Ông bịnh quài mấy tháng trời, ai có thèm cười tiếng nào đã nư đâu.
Nói ra nó hơi dị miệng một chút, chớ trải qua bao gian khó trong đợt bộn bề lo toan này, tui mới hiểu thêm là tui tự hào biết bao nhiêu khi gắn bó với Ông chừng đó chục năm trời. Than có, chửi có, yêu có, thương có nhưng chưa bao giờ muốn rời bỏ Ông cả.
Mấy nay trời ảm đạm u buồn lắm. Ông khỏe lại lẹ lẹ xí nghen. Tụi tui thèm cái nắng nóng, thèm cái kẹt xe, thèm cái ồn ào náo nhiệt của Ông quá chừng rồi đó.
Ba cái "giãn cách” này nói chớ làm gì giãn được lòng tụi tui. Tuy ở xa nhau chớ bi chừ ai cũng giữ trong lòng nỗi niềm đau đáu của một mai trời sáng trong hơn, để ôm trọn Ông hết dô lòng.
Nằm trên "giường bệnh", lỡ có mà nghía qua được ba cái dòng biên vội này, mong Ông lấy đó thành niềm tin to bự, cùng tụi tui sống lại một cuộc sống bình thường nghen.
Thương Ông dữ thần!"
Tú "bắp xào"
“Ai hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đê…”
Đó là tiếng rao tôi nghe quen đến nằm lòng suốt 12 năm qua, từ ngày đặt chân lên Sài Gòn.
Mà ở cái thành phố này, tôi dám cá là khó có ai chưa một lần gọi chiếc xe đó vào để mua cho mình một phần bắp xào hay cái hột gà nướng. Rồi ngồi thưởng thức cùng đứa bạn ở hồ Con Rùa hoặc một góc cà phê vỉa hè quen thuộc nào đó.
Tôi thường có thói quen để ý cách mà người bán sắp xếp đồ dùng, thức ăn, cả cách mà họ làm đồ ăn. Tôi nghĩ tính cách một con người sẽ ít nhiều bộc lộ qua những điều này.
Tú là người đàn ông thường chạy ngang khu nhà tôi sau 21h tối để rao bán "hột gà nướng, bắp xào". Tôi vẫn nhớ ấn tượng lần đầu tôi tới xe của ảnh để mua là “trời, sao mà ngăn nắp quá”.
Những lọ tương ớt, muối được đặt gọn vào một cái kệ gỗ. Tép rang được bỏ trong một chiếc hũ nhựa đậy nắp, những quả trứng nướng chưa dùng đến xếp gọn gàng. Chiếc chảo dùng để xào bắp của Tú tuy không còn quá mới nhưng sạch sẽ….
- “Sắp đặt gọn gàng vậy thì tới lúc làm chắc mất nhiều thời gian ha anh?”, tôi hỏi ảnh.
- “Lúc làm thì cứ làm, làm xong thì cái nào ở đâu mình để lại ở đó. Riết nó thành quen luôn. Tôi thấy cũng nhanh chớ có lâu chi”, Tú nói bằng chất giọng Quảng Ngãi.
Rồi khi nhìn cái cách Tú xịt tương ớt lên phần bắp xào hay đặt rau răm, tắc, muối vào bịch cho khách mua hột vịt lộn, tôi đều cảm giác sự chu đáo từ người đàn ông này.
Mấy ngày nay, tôi không còn nghe thấy âm thanh quen thuộc từ chiếc xe của Tú chạy ngang nhà sau 21h nữa. Mà cũng phải, thành phố đang giãn cách rồi...
Bạn đọc có thể gửi câu chuyện của mình về hộp mail Saigontalk@zing.vn. Những câu chuyện đó sẽ được chọn và đăng ở Saigon Talk vào chủ nhật hàng tuần.