Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhóm đồng nghiệp bên nhau những ngày giãn cách ở TP.HCM

Chẳng phải tình nguyện viên hay lực lượng chức năng phòng chống dịch, 5 người trẻ này lại không ở nhà mà cùng "tự giãn cách" tại nơi làm, để vừa có thu nhập vừa tranh thủ học nghề.

lam viec thoi gian cach anh 1

"Khi biết thành phố giãn cách, mình không nghĩ là sẽ lâu. Mình xin gia đình rồi xách balo lên và đến chỗ làm ở luôn, ngay trước hôm áp dụng Chỉ thị 16. Cũng vì muốn kiếm thêm thu nhập thôi", Mạnh Quỳnh nói.

Nhóm bạn trẻ lưu trú tại một quán cà phê trong hẻm đường Võ Thị Sáu (quận 3) hơn hai tuần nay để vừa làm việc, học tập, và vừa tranh thủ tận hưởng “khoảng trời riêng”.

Ở lại để có thu nhập

Anh Minh Trúc (29 tuổi) là chủ quán cà phê Every Half. Quán của anh không chỉ phục vụ đồ uống mà còn sản xuất thành phẩm từ hạt cà phê thô, quản lý giấy tờ kinh doanh, đào tạo pha chế. Do đó, quán vẫn vận hành trong khi ngưng đón khách theo Chỉ thị 16.

“Tôi đã lên kế hoạch cho nhân viên lưu trú tại quán từ giai đoạn Chỉ thị 15, lúc cửa hàng vẫn được bán mang đi. Mục đích là hạn chế các bạn đi lại qua vùng dịch và tiếp xúc người nhiễm virus, không ảnh hưởng đến công việc và mọi người ở quán”, anh Trúc cho biết.

Đến Chỉ thị 16, anh Trúc đưa phương án cho 7 nhân viên lựa chọn ở lại quán hoặc tạm nghỉ việc ở nhà. 4 người đã đăng ký ở lại để được tiếp tục công việc. Mạnh Quỳnh (24 tuổi) sống ở quận 5 là một trong số đó.

“Từ ngày giãn cách xã hội, nhà chỉ còn tôi và ba được ra ngoài đi làm. Nhưng khi có thêm Chỉ thị 12 thì còn mỗi tôi là nguồn thu nhập chính. Do đó tôi thấy quyết định ở lại quán là đúng, gia đình cũng đồng ý”, Quỳnh chia sẻ.

Mạnh Quỳnh và 3 bạn nhân viên Huỳnh Nhi, Đăng Sơn, Trung Nghĩa còn có chung suy nghĩ muốn ở lại để hỗ trợ anh Minh Trúc xử lý công việc trong quán.

Anh Trúc cho biết dù đóng cửa quán nhưng các bạn ở lại hỗ trợ vẫn được hưởng 85% lương. Hiện vấn đề tài chính của quán và của các bạn nhân viên tạm thời ổn, và có thể duy trì được nếu thành phố tiếp tục giãn cách thời gian không quá dài.

Bên cạnh vấn đề thu nhập, 4 bạn nhân viên muốn tận dụng thời gian này trau dồi kiến thức, kỹ năng làm cà phê do “sếp” Minh Trúc hướng dẫn, và để hiểu cách làm việc của đồng nghiệp với nhau.

Cảm thấy an toàn hơn ở nhà

Quán cà phê của anh Minh Trúc nằm trong một khu dân cư dịch vụ, do đó thuận tiện cho nhóm bạn trẻ lưu trú. Mỗi người ở phòng riêng, có cơ sở vật chất đủ tiện nghi tương đương khách sạn và khuôn viên khu nhà cách biệt ít tiếp xúc người lạ. Đây là lý do khiến các bạn và gia đình họ có thể yên tâm.

Huỳnh Nhi (25 tuổi) thuê nhà sống cùng chị gái ở quận 4, ở đây từ ngày 27/6. Chị của Nhi làm ở cửa hàng thực phẩm tiếp xúc nhiều người. Hai chị em ở riêng như hiện tại sẽ giảm nguy cơ vô tình lây nhiễm.

“Mình không ở nhà, may mắn chủ trọ đồng ý giảm chút phí hỗ trợ. Con mèo không tiện theo mình, chị của mình chở nó đi làm cùng rồi tối chở về. Thế nên mình cũng an tâm khi ở lại quán cà phê”, Nhi tâm sự.

Trong thời gian qua, nhóm 5 người đều được xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của địa phương, người thì xét nghiệm nhanh hai lần, người thì xét nghiệm cả PCR. Từ ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, không ai ra khỏi khu dân cư.

Nơi nhóm bạn đang lưu trú là khu co-living (không gian sống chia sẻ), có hình thức gần giống chung cư nhưng không cao tầng, cho khách thuê ngắn hạn đến dài hạn. Dãy nhà nằm trong hẻm không đông hộ dân, có không gian tách biệt.

Ban quản lý khu dịch vụ lưu trú này thực hiện phun khử khuẩn hàng tuần, đồng thời có nhân viên trực để đảm bảo không có người lạ ra vào.

Tận hưởng thời gian giãn cách

“Mình chỉ mang vài bộ quần áo, ít đồ dùng cá nhân và chiếc máy ảnh. Vì ở đây không thiếu gì, có máy giặt, máy sấy tóc, bếp nấu…”, Đăng Sơn (23 tuổi) kể. 4 người còn lại cũng không mang quá nhiều quần áo, lấy lý do không tiếp khách nên chẳng cần ăn diện.

Trung Nghĩa (21 tuổi) nói rằng không nhớ chính xác cậu đã ở đây bao lâu, vì thời gian ở chung với mọi người vui vẻ và dễ chịu, không phải lo nghĩ nhiều, cũng không quá ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân.

“Ngoài giờ làm việc tụi mình cùng nhau đọc sách, tập thể dục, pha cà phê, nấu ăn chung, quét dọn khuôn viên quán, hết việc thì tâm tình với nhau. Thực ra là rất thoải mái, vừa cách biệt bên ngoài, vừa có việc để làm, vừa có không gian giải trí, và có cà phê để uống”, anh Minh Trúc khoe.

Nhóm đặt thực phẩm qua ứng dụng giao nhận, thay nhau nấu cơm, khi thì ăn bò beefsteak, hôm nào lười thì pha mì gói.

“Tuy nhiên, do mỗi người mỗi tính, thói quen ăn uống cũng khác nhau nên lâu lâu xảy ra bất đồng. Nhưng vui buồn giận dỗi vậy mới hiểu nhau hơn, mới có cái gọi là kỉ niệm để nhớ để kể”, Mạnh Quỳnh bộc bạch.

Tối đến, mỗi người làm việc riêng của mình, nhưng ai cũng gọi điện trò chuyện với gia đình. Đăng Sơn tâm sự với bạn gái nhiều hơn, Huỳnh Nhi thì đếm ngày xem bao giờ hết giãn cách.

“Tự dưng mình quên mất cuộc sống khi chưa giãn cách như nào luôn rồi”, Nhi hóm hỉnh nói.

Riêng “sếp” Trúc còn phải chăm lo cho cún cưng tên Bon của anh. Mỗi ngày Bon sẽ được ra ngoài hẻm khoảng 10 phút để đi vệ sinh. Chú chó luôn túc trực bên cạnh nhóm bạn gần như cả ngày, cũng được coi là một thành viên “quan trọng”.

lam viec thoi gian cach anh 7

Khoảng sân sinh hoạt chung tại nơi làm của nhóm bạn trẻ đam mê cà phê. Ảnh: NVCC.

Dù sống thoải mái cùng nhau, tất cả vẫn luôn mong dịch bệnh giảm bớt để sớm trở lại bình thường. Hết giãn cách, Sơn sẽ về nhà ăn bữa cơm gia đình, thăm bạn gái, còn Nhi muốn về quê, Quỳnh sẽ đi dạo một vòng thành phố, Nghĩa sẽ đi ăn ngay món mình thèm nhất.

Và mọi người đều chuẩn bị sẵn sàng cho ngày quán đón khách trở lại để “trình làng” nhiều sản phẩm mới ra lò.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Đi qua mùa dịch cùng 'người lạ' trong chung cư TP.HCM

Giãn cách xã hội khiến mối quan hệ của những người ở ghép căn hộ chung cư thay đổi, có thể từ chưa quen trở nên thân thiết hơn, hoặc buộc phải "xa lạ" ngay trong nhà mình.

Chàng trai Philippines thu nhỏ 100 góc ở TP.HCM vào tranh vẽ

Daniel Tingcungco dành gần 500 ngày để hoàn thành 100 bức vẽ, lưu niệm lại gam màu của những góc phố TP.HCM trong thời gian anh sống ở đây.

Gặp khó vì Covid-19, người nước ngoài ở TP.HCM vẫn lạc quan

"Dù phải tạm ngừng các cơ sở kinh doanh khiến doanh thu giảm đi rất nhiều, tôi vẫn cảm thấy lạc quan vì bản thân có thêm thời gian nghỉ ngơi", Ali bày tỏ.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm