Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: Thận trọng khi mua sắm trên Temu, Shein, 1688

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với các sàn Temu, Shein, 1688...

Trong thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688... đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688... nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thời gian thực hiện trong tháng 10.

temu,  shein,  1688 anh 1

Ngày 24/10, Temu đã có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Thời gian thực hiện trong tháng 10.

Chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 10.

Phối hợp với các cơ quan liên quan của Văn phòng Chính phủ cập nhật tiến độ ban hành Công điện của Thủ tướng; phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện theo tiến độ được giao trong Công điện.

Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tạo thêm kênh bán hàng mới (bán hàng hợp kênh - cả online và offline) để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa trong nước.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, website, livestream nhằm thúc đẩy thương mại trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Thời gian thực hiện trong năm 2025.

Tổng kết, đánh giá Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Từ đó xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030, tạo tiền đề để tiếp tục định hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới. Thời gian thực hiện trong quý I/2025.

Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan thường xuyên tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia thường xuyên chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong tháng 10, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Trong tháng 10, Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.

Cục Xúc tiến thương mại trong tháng 10 chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử.

Trong tháng 11, Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tác động đối với thị trường trong nước (nếu có) khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, xây dựng thương hiệu, góp phần gia tăng niềm tin của người tiêu dùng và tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Trong quá trình xử lý vi phạm, các vướng mắc về cơ chế xử lý, về quy định pháp luật điều chỉnh cần được rà soát, đánh giá để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Các đơn vị truyền thông của Bộ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển môi trường thương mại điện tử lành mạnh, bền vững.

Temu khó thắng Shopee, TikTok Shop

Không chỉ nhận nhiều phản hồi kém tích cực từ người dùng liên quan đến tính minh bạch, chất lượng hàng hóa, Temu còn bị chính phủ nhiều nước áp dụng chính sách kiểm soát mạnh tay.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc gọi điện yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát Temu

Bên lề phiên họp tổ sáng 26/10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với Tiền Phong xoay quanh vấn đề thu thuế với sàn giao dịch điện tử, trong đó có Temu.

Temu, Taobao, 1688 đổ bộ, làm sao bảo vệ hàng Việt Nam?

Các nhà bán hàng Việt Nam đang gặp khó tứ bề. Một bên là áp lực từ hàng hóa Trung Quốc và đối thủ ngoại, một bên là chính sách khắt khe từ các sàn trong nước.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

https://vov.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-siet-chat-quan-ly-cac-san-thuong-mai-dien-tu-temu-shein-1688-post1131250.vov

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm