Temu nhận về nhiều phản ứng trái chiều từ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Thống kê trong 1 tháng qua, thông tin Temu “đổ bộ” thị trường Việt Nam đã tạo làn sóng bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội, thu hút hơn 410.000 lượt tương tác từ hơn 7.100 bài đăng và 36.850 thảo luận. Tuy nhiên, phiên bản quốc tế của sàn thương mại điện tử Pinduoduo (Trung Quốc) cũng nhận về gần 40% phản hồi không tích cực, chủ yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm và các chính sách mua hàng nhiều bất cập, theo báo cáo của YouNet Media.
Không chỉ vấp phải lo ngại từ người tiêu dùng, Temu còn đối mặt với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt khi bị Sở Công Thương TP.HCM phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Những khó khăn này khiến tham vọng chiếm lĩnh thị phần TMĐT Việt Nam của Temu càng thêm thách thức.
Rẻ thôi là chưa đủ
Temu đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh tại Việt Nam, khi chiến lược giá rẻ chưa đủ để tạo ra lợi thế vượt trội. Trên thực tế, 11% người dùng Việt Nam đánh giá hàng hóa trên Temu không hề rẻ hơn so với các sàn khác, 5% lượng thảo luận còn quan ngại về chất lượng hàng hóa không được đảm bảo, theo YouNet Media.
Chị Minh Thư (TP Thủ Đức, TP.HCM) dự định mua máy xay thịt có giá hơn 330.000 đồng trên Temu. Tuy nhiên, đối chiếu với giá trên Shopee và TikTok Shop, sản phẩm hoàn toàn tương tự chỉ có giá 270.000 đồng. Không chỉ rẻ hơn và cùng được freeship, sản phẩm này trên 2 sàn TMĐT trong nước còn được gắn nhãn "mall" khiến chị Thư yên tâm hơn về chất lượng.
Từ trái sang phải là giá máy xay thịt của cùng thương hiệu được bán trên Temu, Shopee, và TikTok Shop. |
Temu hiện không có "shop mall" - gian hàng chính hãng như Shopee, Lazada, TikTok Shop hay Tiki áp dụng với chính sách đảm bảo nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên sản phẩm có thương hiệu và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị cao, theo báo cáo của Metric.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Dương Trọng Nghĩa, đồng sáng lập Lemon Digital và CEO của KP3. Agency nhận định: "Phần lớn hàng hóa trên Temu đều không có thương hiệu, do đó giá thành sẽ rất rẻ nhưng chất lượng không được đảm bảo. Số ít hàng có nhãn hiệu thì giá thành không hề rẻ, thậm chí còn mắc hơn các sàn TMĐT khác".
Theo Tech in Asia, mặc dù Temu áp dụng chiến lược giá thấp, giá hàng hóa trên nền tảng này vẫn không rẻ như người dùng kỳ vọng. Ở Mỹ và châu Âu, Temu có thể khuấy động thị trường nhờ cung cấp hàng hóa với giá thấp hơn đối thủ, nhờ nguồn hàng trực tiếp từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Jeffrey Towson, nhà sáng lập TechMoat Consulting, cho rằng các sản phẩm của Temu "không có sức hút tương tự ở Đông Nam Á", bởi Lazada và Shopee đã tích hợp sẵn với các nhà sản xuất Trung Quốc khiến giá thành và thời gian vận chuyển có sức cạnh tranh tương đương.
Chuyên gia Xiao Danyun của EqualOcean cũng cho rằng: "Để chiến lược giá rẻ thành công, không chỉ cần yếu tố rẻ mà còn phải có sự phối hợp về logistics, dịch vụ, tuân thủ chính sách, và hoạt động hiệu quả tại địa phương".
Trong khi đó, Temu còn bị phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.
Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ. Mặt khác, gần 5% thảo luận bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.
Chia sẻ với tờ Star Daily, ông Wu Jian, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư Panshi Việt Nam, cho rằng Temu không chỉ nên tập trung vào cạnh tranh giá thành mà còn phải vượt qua thói quen thanh toán tiền mặt khi nhận hàng của người tiêu dùng Đông Nam Á.
"Temu chủ yếu dựa vào thanh toán bằng thẻ tín dụng, điều này chắc chắn làm tăng thêm khó khăn cho việc mở rộng thị trường của công ty tại Đông Nam Á, nơi phạm vi bao phủ và tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng không cao".
Hiện Temu chỉ nhận thanh toán thẻ tín dụng hoặc Apple Pay, trong khi Shein và các sàn nội địa chấp nhận tiền mặt (COD).
Các chính phủ phản ứng dữ dội
Không chỉ gặp khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị phần với các "ông lớn" TMĐT, Temu còn đối mặt với những chính sách mạnh tay từ chính phủ các nước để ngăn chặn cuộc cạnh tranh không công bằng trước cơn lốc hàng giá rẻ.
Tại Indonesia, ngày 11/10, chính phủ nước này đã yêu cầu Alphabet (công ty quản lý Google) và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng tại nước này, theo Reuters.
"Chúng tôi không bảo vệ ngành thương mại điện tử, mà đang bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hàng triệu doanh nghiệp tại Indonesia cần được bảo vệ ngay lúc này", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi nhấn mạnh.
Vị bộ trưởng cũng thông báo rằng chính phủ đang lên kế hoạch yêu cầu lệnh cấm tương tự đối với dịch vụ mua sắm Shein của Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào các nước phương Tây không kiểm soát qua kênh thương mại điện tử. Ảnh: Cainiao. |
Phương Tây cũng đang tìm cách ngăn chặn hàng hóa giá rẻ kém chất lượng của Temu. Tại Mỹ, Temu đối mặt với khả năng điều chỉnh quy định "de minimis" miễn thuế cho hàng dưới 800 USD, điều mà chính quyền Biden cho rằng gây thiệt hại cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời hạn chế khả năng kiểm tra.
Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Temu phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt khi đạt mốc 45 triệu người dùng. Tháng 10 vừa qua, EC yêu cầu Temu cung cấp biện pháp ngăn chặn hàng hóa bất hợp pháp theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). Đồng thời, EC cũng đang xem xét lại quy định "de minimis", vốn cho phép hàng hóa dưới 150 euro miễn thuế.
Tại Đức, Hiệp hội Bán lẻ HDE kêu gọi chính phủ đảm bảo cạnh tranh công bằng, đồng thời Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đề xuất mở rộng kiểm tra hải quan và xóa bỏ giới hạn miễn thuế cho hàng hóa dưới 150 euro. Chính phủ Đức hiện soạn thảo quy định nhằm đảm bảo Temu và các nhà bán lẻ giá rẻ khác tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường, quyền lợi người tiêu dùng và thuế quan.
Còn tại Việt Nam, ngày 23/10, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất Bộ Công Thương tăng cường quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Các biện pháp bao gồm ngăn chặn quảng cáo vi phạm và tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động của các nền tảng vi phạm nhiều lần.
Sở cũng kiến nghị rà soát quy định pháp luật về TMĐT và kiểm tra sự tuân thủ của các sàn TMĐT quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp trong nước và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Tuy nhiên, ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của HSBC, cho rằng việc cấm hoàn toàn các nền tảng như Temu hay Shein không phải là giải pháp tốt cho Việt Nam.
Điều quan trọng là tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng
Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương HSBC
Ông khẳng định các nền tảng này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhờ giá rẻ và thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Sự hiện diện của các công ty nước ngoài cũng kích thích đầu tư vào logistics, mang lại lợi ích chung cho thị trường.
Vị chuyên gia đề xuất thay vì tiếp cận bằng cách cấm đoán, Việt Nam nên xây dựng quy định chi tiết để khuyến khích nhà sản xuất nội địa tham gia vào các nền tảng như Temu và bảo đảm không có sự phân biệt về thuế giữa hàng nội và ngoại.
Ông dẫn trường hợp Thái Lan, quốc gia đã bỏ miễn thuế nhập khẩu và áp dụng thuế VAT 7% cho tất cả đơn hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. "Điều quan trọng là tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng", ông Frederic Neumann lưu ý.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.