Chia sẻ tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng phải thừa nhận bản thân ông cũng giật mình khi thấy mức giá quá rẻ của hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Temu - phiên bản quốc tế của sàn Pinduoduo (Trung Quốc).
Trước những lo ngại xung quanh sàn TMĐT này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.
Trường hợp là hàng giả, hàng nhái, cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn, không cho lưu thông. Nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.
“Lúc đó có thể tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa”, Thứ trưởng Tân lưu ý.
Nhà bán Việt Nam vào thế “gọng kìm”
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục xây dựng các tổng kho với diện tích hàng trăm nghìn m2 sát biên giới Việt Nam. Tín hiệu này phần nào cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ của đất nước tỷ dân vào hoạt động TMĐT xuyên biên giới.
Trước Temu, các sàn TMĐT khác từ Trung Quốc như 1688 hay Taobao cũng đã có động thái thăm dò thị trường Việt Nam. Không chỉ cung cấp nhiều tính năng mua sắm dành cho người Việt, các nền tảng này còn bổ sung thêm lựa chọn thanh toán, giao hàng về Việt Nam dễ dàng hơn.
Trong khi đó, các công ty logistics nội địa như Viettel Post cũng bắt đầu rót tiền vào lĩnh vực giao hàng xuyên biên giới, thậm chí sẵn sàng xây dựng nền tảng TMĐT riêng nhằm hỗ trợ người dùng mua hàng từ các sàn Trung Quốc.
Doanh thu từ các nhà bán có kho tại nước ngoài trên Shopee đạt gần 13.000 tỷ đồng trong quý III. Ảnh: Phương Thảo. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Kiều Trang, chuyên gia phân tích dữ liệu từ Metric, cho biết sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới đang mở ra cơ hội cho cả người bán lẫn người mua.
Với hàng loạt tính năng mới “chiều lòng” người tiêu dùng, việc mua sắm từ những nền tảng Trung Quốc như Temu hay 1688 sẽ trở nên dễ dàng hơn, qua đó tạo điều kiện tiếp cận hàng hóa phong phú, chất lượng cùng giá cả cạnh tranh so với hàng nội địa.
Tuy nhiên, bà Trang đánh giá tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn qua biên giới sẽ khiến các nhà bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam bất lợi, nhất là ở khía cạnh giá thành và thời gian giao hàng.
“Có nhiều trường hợp, người mua ở Hà Nội đặt sản phẩm từ TP.HCM còn lâu hơn so với đặt mua sản phẩm từ Trung Quốc. Điều này có thể bào mòn thị phần của các nhà bán hàng nội địa nếu không có chiến lược đúng đắn để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ”, vị chuyên gia nhận định.
Tính riêng trên Shopee, số liệu từ Metric ghi nhận doanh thu của các nhà bán hàng có kho tại nước ngoài đã đạt gần 13.000 tỷ đồng trong quý III, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh thách thức từ đối thủ nước ngoài, việc các sàn TMĐT lớn trong nước hiện nay như Shopee, Lazada, TikTok Shop đồng loạt siết chặt chính sách bán hàng và duy trì chiến lược đốt tiền để giữ chân người mua thông qua các chương trình khuyến mãi cũng khiến thương nhân trong nước hứng chịu áp lực từ nhiều phía.
Bảo vệ quyền bình đẳng của hàng Việt
Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các gian hàng quốc tế, bà Kiều Trang tin rằng nhà bán hàng Việt Nam cần phải thay đổi và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh.
Trong đó, chiến lược xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chất lượng, dịch vụ hậu mãi và trải nghiệm mua sắm là điều tối quan trọng. Việc tập trung vào các sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn địa phương sẽ giúp nhà bán hàng tạo ra sự khác biệt và giảm thiểu áp lực cạnh tranh về giá.
Hơn nữa, người bán cũng cần đầu tư các công cụ phân tích dữ liệu để theo dõi biến động thị trường, đánh giá nhu cầu tiêu dùng cũng như phát hiện các xu hướng mới. Đây là giải pháp giúp người bán dự đoán nhu cầu của thị trường và chuẩn bị hàng hóa một cách tối ưu nhất, tránh tình trạng tồn kho hoặc mất cơ hội kinh doanh.
Mô hình nhập hàng Trung Quốc để bán lại tại Việt Nam vẫn tồn tại, nhưng sẽ giảm dần sự phổ biến khi các nền tảng xuyên biên giới cho phép người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc
Bà Kiều Trang, chuyên gia phân tích từ Công ty dữ liệu TMĐT Metric
Trong tương lai, bà Trang dự báo mô hình nhập hàng Trung Quốc để bán lại tại Việt Nam sẽ khó tồn tại và giảm dần sự phổ biến khi các nền tảng Trung Quốc phát triển hơn.
Theo số liệu của Tổng CTCP Bưu chính Viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, có khoảng 4-5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam mỗi ngày. Giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng.
Như vậy, thị trường Việt Nam tiếp nhận khoảng 45-63 triệu USD hàng hóa Trung Quốc/ngày. Bình quân 1 tháng là khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop.
Hàng hóa Trung Quốc đang tràn lên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TikTok Shop. Ảnh: SPX. |
Dẫu vậy, Điều 1 Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và VAT. Đây là một trong những cơ chế được Việt Nam áp dụng sau khi tham gia Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto).
Ở góc độ quản lý, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng ngân sách Nhà nước đang bị thất thoát trước nguồn hàng miễn thuế này. Nếu điều chỉnh chính sách phù hợp, ngân sách có thể bổ sung nguồn thu khổng lồ.
Dẫn chứng thêm, chuyên gia kinh tế cho biết EU đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro không phải đóng thuế từ năm 2021; Anh cũng bỏ chính sách miễn thuế cho hàng hóa có giá trị dưới 135 bảng Anh; Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ 7% tất cả hàng hóa ra/vào quốc gia.
Thực tế, Bộ Công Thương cũng đề xuất bãi bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ để tránh tình trạng hàng nhập khẩu qua TMĐT cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.
Qua theo dõi 4 sàn TMĐT lớn mà người bán nước ngoài đang khai thác, Bộ Công Thương ghi nhận trên dưới 1 tỷ USD/tháng giá trị hàng nhập khẩu qua kênh TMĐT. Nếu không điều chỉnh lỗ hổng này, Bộ e ngại có thể gây thất thoát lượng thuế lớn.
Dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới sẽ xem xét, thông qua 15 dự án Luật và 3 dự thảo Nghị quyết, bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật này, nhiều đại biểu kiến nghị cần đánh thuế hàng hóa giá trị nhỏ để tạo sự bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt trong bối cảnh quy mô TMĐT xuyên biên giới tiếp tăng nhanh.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian. Do đó, cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế.
Sở Công Thương TP.HCM mới đây cũng đề xuất sử dụng các chế tài nghiêm khắc (ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam) đối với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nhiều lần vi phạm quy định về quảng cáo sai lệch, khuyến mại vượt quá 50% để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong TMĐT xuyên biên giới nhằm có cơ sở pháp lý quản lý hoạt động này.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.