Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết để quận sách cũ ở Tokyo ‘ăn nên làm ra’ giữa kỷ nguyên số

Quận Jinbōchō của Tokyo đã là trung tâm của các hiệu sách cũ từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây đang tiếp tục phát triển nhờ thích ứng với thời đại và mang lại các dịch vụ độc đáo.

Theo Nippon, quận Jinbocho ở Chiyoda, Tokyo, là một trong những trung tâm sách cũ lớn nhất thế giới với khoảng 130 hiệu sách bán mọi thứ một cách chuyên biệt, từ sách cổ đến truyện tranh.

sach cu Nhat Ban anh 1

Trung tâm sách cũ Jinbocho có lịch sử phát triển phong phú. Ảnh: Nippon.

Theo chia sẻ của Sakota Ryosuke, chủ hiệu sách Keyaki Shoten, về lịch sử phát triển của Jinbocho, việc thành lập một số trường đại học ở khu vực Kanda vào thời Minh Trị (1868-1912) là bước khởi đầu giúp Jinbocho dần phát triển thành một trung tâm sách cũ lớn.

Lịch sử phát triển phong phú

“Tiền thân của Đại học Tokyo được thành lập tại Kanda vào năm 1877, sau đó là các trường khác như Đại học Gakushuin, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Meiji và Đại học Senshu. Với sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu về sách giáo khoa, sách nước ngoài và các văn bản chuyên ngành khác, ngày càng có nhiều cửa hàng bán sách cũ xuất hiện tại Jinbocho”, ông Ryosuke cho hay.

Năm 1889, tuyến đường sắt chính Tokaido được mở cửa hoàn toàn, nối Shinbashi, Tokyo và Kobe, đồng thời giúp hoạt động buôn bán sách cũ tại đây nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn lớn năm 1913 ở Jinbocho đã khiến nhiều hiệu sách phải di dời dọc theo tuyến đường Yasukuni-dori.

Dù chịu nhiều thiệt hại và khó khăn khi di dời, ngành sách ở Jinbocho cũng có một cơ hội kinh doanh mới khi thư viện một số trường đại học và các cơ sở giáo dục cũng bị phá hủy trong vụ cháy, dẫn đến cần một nguồn sách lớn trong quá trình xây dựng lại.

sach cu Nhat Ban anh 2

Một góc kệ sách cũ tại hiệu sách Sarashobou, đã hoạt động hơn 50 năm tại Jinbocho. Ảnh: tokyo-in-pics.

Hiệu sách Iwanami Shoten mở cửa sau trận hỏa hoạn năm 1913. Lúc đầu, nơi đây chủ yếu kinh doanh sách cũ nhưng một năm sau đó, Iwanami Shoten gia nhập ngành xuất bản và ra mắt kiệt tác Kokoro của Tsume Soseki. Sau thành công này, Iwanami dần phát triển trở thành một nhà xuất bản lớn.

Đến năm 1923, trận động đất lớn Kanto đã tàn phá Tokyo nhưng cũng góp phần vào sự phát triển của ngành kinh doanh sách cũ. Trong khi các cửa hàng bán sách mới, nhà phân phối, công ty in ấn và nhà máy giấy phải mất thời gian để phục hồi thì kho sách cũ vẫn được lưu trữ khắp toàn quốc và có thể được đưa từ Osaka và các nơi khác đến Tokyo. Cũng giống sau trận hỏa hoạn một thập kỷ trước, các cơ sở giáo dục cần xây dựng lại kho sách và nhu cầu về sách cũ tăng đột biến.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành sách cũ, tiền thân của Hiệp hội Buôn bán Sách cũ Tokyo ngày nay được thành lập vào năm 1920, liên tục tổ chức các phiên chợ hầu như hàng ngày để các thành viên trao đổi nguồn sách và phần nào quyết định giá sách. Tuy nhiên, mọi thứ khó khăn khi chiến tranh nổ ra. Sakota nói: “Nền kinh tế bị kiểm soát trong Thế chiến thứ hai là thời điểm khó khăn nhất đối với hiệp hội. Ngoài việc không được tự quyết định giá cả, nhiều chủ cửa hàng và nhân viên đã phải nhập ngũ vì chiến tranh, do đó nhiều cửa hàng phải đóng cửa.”

Tuy nhiên, ngành sách cũ lại phát triển tốt trong thời kỳ hậu chiến do nhiều quý tộc sa sút phải bán đi các loại đồ cổ, sách cổ hay tài liệu độc bản. Thêm vào đó, chương trình cải cách giáo dục cũng dẫn tới việc thành lập gần 200 trường đại học mới vào năm 1949 và kéo theo nhu cầu lớn về sách cũ.

Tiếp tục thịnh vượng trong thời đại trực tuyến

sach cu Nhat Ban anh 3

Trang web Nihon no Furuhon-ya. Ảnh: Nippon.

Sau thời kỳ thịnh vượng này, ngành sách cũ Nhật Bản dần chuyển sang chuyên môn hoá vào đầu những năm 1970. “Trong một khu vực có hơn một trăm cửa hàng cùng kinh doanh, không thể tồn tại nếu không có sự chuyên môn hóa. Một thế mạnh của ngành sách cũ là họ kinh doanh những sản phẩm không có ở nơi nào khác”, ông Sakota cho hay.

Nhờ xu hướng này, ngay khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ vào đầu những năm 1990, ngành xuất bản, bao gồm cả kinh doanh sách cũ, vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, Internet phát triển đã ghi nhận ​​sự xuất hiện của Amazon và các nền tảng thương mại trực tuyến khác, điều khiến doanh thu của các cửa hàng truyền thống sụt giảm nhanh chóng.

Ông Sakota chia sẻ: “Có cảm giác khủng hoảng rằng nếu không làm gì đó, chúng tôi sẽ không tìm được người kế nhiệm và hoạt động kinh doanh sẽ lụi tàn. Điều này dẫn đến việc ra mắt trang web Nihon no Furuhon-ya (Các hiệu sách cũ của Nhật Bản) vào năm 1996. Với sự tham gia của nhiều hiệu sách, trang web giới thiệu tới độc giả tác phẩm họ có và hiện vẫn hoạt động suôn sẻ.”

Ông Sakota nói thêm: “Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi không thể tồn tại nếu không bán hàng trực tuyến. Các hiệu sách cũ được chính phủ đưa vào danh sách 'không cần thiết và không khẩn cấp' và được yêu cầu đóng cửa. Nhưng trong khi các cửa hàng tại Jinbocho đóng cửa, lượng đơn đặt hàng qua trang web lại tăng lên”.

sach cu Nhat Ban anh 4

Một tờ quảng cáo của Hiệp hội các nhà bán sách cũ Tokyo. Ảnh: Nippon.

Ngoài bán tại cửa hàng hoặc trên trang web, họ cũng tổ chức các phiên giao dịch cho các chủ hiệu sách với đa dạng đầu sách từ sách Nhật Bản, sách nước ngoài hay những sự kiện tập trung vào một số thể loại cụ thể như manga.

Sakota nói: “Ngoài ra còn có chợ sách dành cho công chúng được tổ chức vào thứ 6 và thứ 7 hầu như hàng tuần. Khách hàng thường xuyên xếp hàng bên ngoài địa điểm một giờ trước khi phiên chợ diễn ra”.

Hàng năm, các phiên chợ sách cũ lớn cũng được tổ chức ở Jinbocho vào mùa xuân và mùa thu. Đặc biệt, đường phố nơi đây nhộn nhịp nhất trong Lễ hội sách cũ Kanda từ tháng 10 đến tháng 11. Khoảng một triệu cuốn sách sẽ được bày trên các quầy hàng dọc vỉa hè Yasukuni-dori.

Chia sẻ về tương lai ngành sách, Sakota cho biết: “Có những cửa hàng sắp phá sản nhưng cũng có những người trẻ mới bắt đầu kinh doanh, vì vậy chúng tôi không thấy sự sụt giảm nhanh chóng của các cửa hàng bán sách".

“Trước đây bạn phải có mặt bằng, sau đó xin giấy phép kinh doanh sách cũ, nhưng giờ đây bạn có thể kinh doanh trực tuyến và sự thuận lợi này giúp các bạn trẻ dễ dàng bắt đầu. Hiệp hội thỉnh thoảng tổ chức các buổi hội thảo về việc mở hiệu sách cũ, lúc nào cũng chật cứng. Người mới cần có kiến ​​thức chuyên môn về sách cũ, nhưng giờ đây các bạn có thể tìm hiểu trên mạng Internet. Khi đã có động lực, các bạn có thể dần dần học mọi thứ cần biết”, ông Sakota cho hay.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Thị trường sách cũ Anh sôi động nhờ cuốn hồi ký của Hoàng tử Harry

Từ sau ngày ra mắt, 'Spare' của Hoàng tử Anh đã phá kỷ lục Guinness thế giới về cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất mọi thời đại. Giờ đây, cuốn sách này có thêm một dấu mốc mới.

Thủ phủ sách cũ đìu hiu trên phố

Sự bùng nổ của Internet, thương mại điện tử phát triển cùng nhịp sống vội vã khiến các hàng sách cũ thưa vắng khách.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm