Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ phủ sách cũ đìu hiu trên phố

Sự bùng nổ của Internet, thương mại điện tử phát triển cùng nhịp sống vội vã khiến các hàng sách cũ thưa vắng khách.

hieu sach cu anh 1

Láng, Trần Quốc Hoàn… đều là những cái tên được nhớ đến mỗi khi mọi người cần mua sách. Từ sách giáo trình, sách tham khảo cho đến các dòng sách giải trí, ngôn ngữ, khoa học đời sống, không gì là không có trong các tiệm sách cũ này.

Theo các tài liệu nghiên cứu của Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), lịch sử xuất bản Việt Nam ghi nhận thời kỳ 1986-1991 là thời kỳ có nhiều nhà xuất bản ra đời nhất: 29 nhà xuất bản Trung ương và 23 nhà xuất bản địa phương.

Hoạt động in ấn và phát hành cũng được mở rộng tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. So với các thời kỳ trước, đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đồng thời những nhà sưu tập sách lâu năm cũng cho biết trong những năm 1980, lượng sách đổ ra thị trường nhiều, các hàng sách cũ cũng theo đó mà mọc lên dần.

Điển hình là tiệm sách trên phố Bát Đàn của ông Phan Trác Cảnh bắt đầu treo biển từ năm 1983, tiệm sách của ông Dư trên ngõ 180 phố Bà Triệu...

hieu sach cu anh 2

Những tiệm sách cũ trên phố Trần Quốc Hoàn nay bán thêm cả đồ chơi, mũ bảo hiểm để có thêm thu nhập.

Những hàng sách cũ đong đầy kỷ niệm

Đến khoảng những năm 1997-2003, sách cũ bước vào giai đoạn bùng nổ, đường Láng khi ấy chỉ có một làn đường và một dãy nhà kéo dài một bên. Một bên đường, đoạn giao với Cầu Giấy là một vườn hoa nhỏ, người dân hay tụ tập tại đây bán hàng như một cái chợ cóc. Những gánh sách, hàng sách ven đường mọc lên như nấm, 100 đồng-2.000 đồng/cuốn, giá nào cũng có. Theo ký ức của những người bán sách cũ lâu năm, giai đoạn đầu những năm 2000, con phố này có khoảng 31 hàng sách.

Chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1990, trú tại Hà Đông, Hà Nội) từng là một người sinh sống ở trên phố Láng khi còn là sinh viên của Đại học Ngoại Thương. Đối với chị Huyền, những tiệm sách ở phố Láng luôn có sức hút, nơi đây không chỉ bán sách rẻ mà còn là một không gian tri thức rộng lớn, tự do khác hẳn so với những hàng sách mới mẻ, khang trang. “Giữa buổi trưa mà lang thang phố sách Láng khéo quên cả ăn”, chị Huyền chia sẻ.

Bên cạnh phố Láng, đối với nhiều thế hệ sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, con đường Trần Quốc Hoàn cũng là một điểm đến đông đúc mỗi khi mọi người cần tìm sách tham khảo để làm luận văn, tiểu luận. Không chỉ mua sách, sinh viên còn đến đây xin làm thêm và bán lại sách.

Chị Phạm Khánh Quỳnh (sinh năm 1989, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những người từng làm thêm tại các hiệu sách trên phố Trần Quốc Hoàn thời sinh viên. Đối với chị, công việc này không đem lại quá nhiều thu nhập nhưng nó cho phép chị linh hoạt thời gian, nghiên cứu sách nhiều hơn và chuẩn bị cho các bài thi cuối kỳ.

Chị Quỳnh tâm sự: “Những ngày tháng làm thêm ở hiệu sách cũ trên đường Trần Quốc Hoàn là một quãng thời gian đáng nhớ. Không chỉ đem lại thu nhập, mình quen được thêm nhiều người bạn ở các khoa khác trong trường. Họ cũng là những người yêu sách và đến bây giờ bọn mình vẫn giữ liên lạc, giúp đỡ nhau mỗi khi cần”.

Sách cũ đi vào thoái trào

Tuy nhiên, khi những chiếc máy tính được kết nối Internet bắt đầu phổ biến hơn tại Việt Nam, sách cũ dần rơi vào giai đoạn thoái trào. Người ta có thể dễ dàng có được thông tin bằng các công cụ tìm kiếm trên máy tính, điện thoại, máy đọc sách. Lối sống nhanh, sống vội khiến người ta hướng đến sử dụng sách photo, sách in từ trên mạng thay vì lựa chọn sách cũ như một nguồn tư liệu tham khảo duy nhất. Người đọc cũng không nhất thiết chỉ lưu trữ tư liệu qua sách mà họ còn có thể lưu trữ trên các thiết bị điện tử khác. Do đó, phố sách cũ cũng ảm đạm dần.

“Nếu như ngày xưa có đến 31 hàng sách cũ trên con phố Láng này thì hiện nay chỉ còn khoảng 13 hàng. Nhiều người thuê mặt bằng để bán, không trụ nổi nên đổi nghề. Một số khác còn cố giữ lại, phần là vì yêu sách, phần là chính tiệm sách cũng phục vụ cho nhu cầu đời sống của người bán”, anh Bùi Mạnh Trưởng, chủ một hiệu sách trên phố Láng, cho biết.

hieu sach cu anh 3

Cửa hàng sách trên phố Láng trong một tối ảm đạm. Ảnh: Đức Huy

Để giữ được sự kiên nhẫn với cửa hàng sách trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu không có đam mê mà chỉ đơn thuần nhìn sách như một thứ hàng hóa để kinh doanh sẽ rất khó bám trụ với nghề. Tại phố Trần Quốc Hoàn, có những cửa hàng được rao bán với giá 100-150 triệu đồng cho toàn bộ số sách, nếu bao gồm cả mặt bằng mức giá sẽ lên đến 200 triệu đồng. Có những hàng đã sang chủ đến lần thứ ba, một số hàng đổi sang công việc photo in ấn để phục vụ nhu cầu sinh viên tại khu vực đường Xuân Thủy.

Một chủ cửa hàng sách trên phố Trần Quốc Hoàn trải lòng: “Sách cũ bây giờ bán khó, ngồi cả ngày cũng chỉ có mấy người đi qua lựa cuốn truyện tranh 5.000 đồng/quyển. Cùng lắm có những người lớn tuổi đến mua. Người trẻ bây giờ không còn mấy mặn mà với sách cũ. Nếu được tôi sẽ sang nhượng toàn bộ cửa hàng tuy nhiên người ta chỉ trả tôi với giá 60 triệu đồng cho tất cả”.

Trải qua hai năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành bán lẻ trực tiếp trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề và sách cũ cũng là một cái ngách nhỏ nằm trong hệ thống đó. Theo nhiều chủ tiệm sách tại phố Láng hay Trần Quốc Hoàn, đời sống của mọi người ngày một khấm khá khiến sách cũ mất đi thế mạnh nằm ở việc tiết kiệm chi phí. Trong bối cảnh đó, những người kinh doanh sách sẽ phải xoay xở để tìm khách hàng.

Truy tìm kho sách

Ở cái thời chưa có vô tuyến và điện thoại thông minh, tuổi thơ tôi may mắn có những cuốn sách cũ làm bạn. Thế giới mới mẻ mở ra ngay trước mắt nhờ những trang giấy ngả màu.

Kinh nghiệm không mua phải ấn phẩm lậu ở quầy sách cũ

Nhiều độc giả có trải nghiệm không vui khi tìm ấn phẩm cũ nhưng mua phải sách lậu. Dân chơi sách chia sẻ kinh nghiệm đãi cát tìm vàng ở quầy sách cũ.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm