Mua sách cũ được nhiều người nhìn nhận như một thú vui riêng. Có những cuốn sách khó kiếm, được người yêu sách săn lùng ráo riết bỗng trở thành có giá.
Nhưng tại các phiên chợ hoặc các tiệm sách cũ truyền thống, các cuốn sách này vẫn có thể mua được giá mềm. Vì vậy, nhiều dân chơi sách vẫn hay la cà tại những điểm bán này để tìm kiếm sách quý, hay đơn giản là tìm kiếm một cuốn sách họ thích.
Nguồn bán đáng ngờ, thật giả lẫn lộn
Chị Thiên Ái là một “dân chơi sách” kiêm chủ một tiệm sách cũ ở Hà Nội. Chị cho biết mình thường mua sách cũ qua 2 nguồn chính: Một là kho sách của các đơn vị xuất bản, nơi bán những những tựa sách cũ nhưng chưa qua sử dụng. “Có những tựa sách hay mà trước đây bạn đọc chưa để ý đến (như tủ sách Cánh cửa mở rộng), đến nay mới biết thì sách đã ngừng xuất bản rồi”.
Nguồn thứ hai chị tìm đến là từ những cửa hàng thu gom sách theo cân và bán sách cũ quanh Hà Nội. Chị nhận xét đây là những điểm mua mang tính hên xui: "Mình sẽ nhặt được rất nhiều tựa sách hay và hiếm, thậm chí nhiều cuốn tình trạng còn rất tốt, còn xui thì mua lẫn nhiều sách giả”.
Do chủ quan, chị Thiên Ái đã mua phải 2 cuốn sách giả. Ảnh: NVPV. |
Theo chị, những người bán sách cũ ở hội chợ hoặc cửa hàng thường không biết về giá trị thực của cuốn sách mà thường "tính áng áng theo giá bìa hoặc thấy sách dày sách mỏng mà định giá”.
Nhưng chính tại những quầy sách này là nơi thật giả lẫn lộn, đòi hỏi người mua phải tinh tường, có mắt kiểm sách. “Người bán họ biết là họ bán cả sách giả với sách thật, người mua phải tự mình nhận biết để mà nhặt sách”, chị Thiên Ái nhận định.
Dù là một người “chuyên” mua sách cũ, chị Thiên Ái vẫn không tránh được một lần mua phải sách lậu. Chị chia sẻ, trong một lần đi hội sách cũ, do chủ quan nên chị đã không kiểm tra kỹ khi mua, về nhà thì phát hiện ra mình mua phải 2 cuốn sách giả.
Chị cho biết bên trong sách in đẹp, tuy nhiên bìa sách nhìn lại “dại”. Bên cạnh đó, ở gáy sách chị phát hiện ra chỗ in sai chính tả. “Vì gáy cuốn này mỏng nên ban đầu tôi không để ý. Ngay khi biết mình mua phải sách lậu, hoặc sách giả, tôi đã không bán cuốn đó. Nhưng đó cũng là một kinh nghiệm thương đau của tôi. Vì đã đọc sách thật rồi nên khi nhìn kỹ bìa tôi nhận ra sách có vấn đề”, chị Thiên Ái chia sẻ.
Là một dân chơi sách cũ, anh B.A (TP. HCM) vẫn có những lần bị lừa mua phải sách giả.
Anh cho biết đã không ít khi bắt gặp những cuốn sách dạng remake. Có lần, tìm thấy trên mạng một chỗ bán bộ sách bìa cứng Lịch triều hiến chương loại chí hai cuốn in năm 2007 của Nhà xuất bản Giáo Dục, anh liền đặt mua. Tuy nhiên khi nhận hàng, anh mới ngớ người nhận ra sách chỉ là in scan lại, đóng bìa mềm và bán giá như giá sách thật bìa cứng.
Lần khác, anh mua phải bản làm giả cuốn Thú chơi sách của Vương Hồng Sển. “Dạo năm 2013 người làm sách lậu đánh máy, chế bìa và logo của một nhà xuất bản, nhưng dễ dàng bị nhận thấy là sách lậu vì người làm sách lậu không biên tập, sai chính tả, chữ Pháp rất nhiều, nhìn là biết ngay”, anh B.A chia sẻ.
Anh nhận định mua phải sách giả không phải là một trải nghiệm vui vẻ gì, có những lúc anh còn thấy giận vì nghĩ mình chi tiền thật mà mua phải sách giả.
Làm gì để không bị lừa mua sách giả?
Sau nhiều năm mua sách cũ, anh B.A nhận thấy cần phải lựa chọn sách kỹ càng, đồng thời rút ra được một vài “bí kíp” phân biệt sách thật/giả. Theo anh, chất giấy, bìa, màu mực sách thật luôn sắc nét, rõ ràng hơn sách giả.
Bên cạnh đó, anh nghĩ người mua sách cũ nên chọn nơi mua hàng quen thuộc hơn là trang bán lạ, chiết khấu cao; không ham rẻ, vì tiền nào của đó; mua sách ở những hệ thống nhà sách uy tín, có thương hiệu…
"Khi đi mua sách cũ tại cửa hàng, nên xem xét kỹ các dấu hiệu của sách giả". Ảnh: Việt Hùng. |
Chị Thiên Ái cũng cho rằng độc giả nên đề phòng những kênh livestream bán sách lậu trên các trang mạng xã hội, các fanpage tự xưng là xả kho tổng nhà xuất bản, rao bán nhan nhản những tựa sách hot như Harry Potter, sách của Nguyễn Nhật Ánh... Nếu mua qua mạng thì chỉ tìm những nơi uy tín, được nhiều người cùng đặt mua, có thông tin nguồn sách rõ ràng.
“Còn khi đi mua sách cũ tại cửa hàng, nên xem xét kỹ các dấu hiệu của sách giả”, chị Thiên Ái nói. Có nhiều cách để kiểm tra sách: Trước tiên, người mua phải biết sách đó có dễ bị làm giả hoặc có thường bị làm giả không.
“Các sách thường bị làm giả sẽ là sách bán chạy, như sách của Nguyễn Nhật Ánh, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Nhà giả kim, các sách self-help phát triển kỹ năng…”. Chị cho rằng hiếm ai đi làm sách giả những tựa mà ít người biết đến vì nhu cầu thị trường không đủ nhiều để họ làm giả.
Ngoài ra, người mua sách có thể dựa vào những đặc điểm in ấn. Nhiều sách in lậu khổ bé hơn sách thật, có màu bìa không đúng. Phần lớn sách lậu cũng không làm tay gấp, hoặc có nhưng lại không có các thông tin tác giả, thông tin sách giống như sách thật. Bên trong, các đặc điểm như in nhòe mờ, căn lề lệch đều là những dấu hiệu cảnh báo sách giả.
Dù biết thực trạng sách lậu tràn lan, trà trộn vào các sạp sách cũ, nhưng chị Thiên Ái cho rằng độc giả cũng không nên đánh đồng tất cả những nơi bán sách cũ là sách lậu, nếu biết đãi cát tìm vàng sẽ tìm được rất nhiều sách hay.