Đơn của ông Nguyễn Văn Phước gửi ngày 2/8, đề nghị "điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức sản xuất trái phép và tiêu thụ sách giả".
Trên trang cá nhân, người đứng đầu First News - Trí Việt nhận định: “Chưa bao giờ sách giả hoàn toàn trái pháp luật... thu lợi bất chính lại có thể lộng hành đến thế!”.
Nhiều trang nghi bán sách giả trên Facebook
Theo ông Phước, hàng trăm trang Facebook đang chạy quảng cáo phát hành sách giả kém chất lượng, nhiều bạn đọc đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo này. Ông Phước nhận định hành vi này là trái pháp luật và sự lộng hành của chúng trên mạng xã hội đang "giết chết" sách thật của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành.
“Cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn việc làm trái pháp luật, trái Luật Xuất bản này ngay”, ông Phước đề xuất.
Kèm đơn đề nghị, đại diện First News - Trí Việt cũng đưa danh sách 40 fanpage nghi vấn bán sách giả trên mạng xã hội Facebook.
Những đầu sách bán chạy là đối tượng bị làm giả nhiều trên thị trường. Sách của First News - Trí Việt không phải ngoại lệ. Một số đầu sách của đơn vị này thường bị làm lậu đều là best-seller như Đắc nhân tâm, Muôn kiếp nhân sinh, Hành trình về phương Đông. Đây là những tác phẩm có mức độ phổ biến cao, đồng thời bị làm giả, làm lậu rất nhiều.
Đồng thời, trên trang cá nhân của mình, ông Phước cũng đã đăng bài cảnh tỉnh và chia sẻ thông tin so sánh sách thật/sách giả.
Ông Phước so sánh sách thật sách giả. Ảnh: FB NV. |
Theo đơn đề nghị của ông Phước, các bên sản xuất trái phép này bán sách ra thị trường với mức giá chỉ bằng nửa giá sách thật, có khi còn rẻ hơn, trong khi chất lượng sách kém xa so với sách phát hành chính thống.
Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh mà còn tới hình ảnh và uy tín của các công ty sách. Mới đây, công ty Tân Việt đã trình báo với Phòng An ninh Văn hóa, Công an TP. Hà Nội về trường hợp 2 bộ sách bán chạy của mình bị in lậu và bán ngang nhiên trên mạng.
Giám đốc Công ty Trí Việt nhận định đây là một vấn đề rất lớn đối với các đơn vị làm sách bản quyền mà pháp luật chưa xử lý hết.
Những lần First News kiện đơn vị làm, phát tán sách lậu
Đầu thập niên 2010, Công ty Trí Việt từng kiện cơ sở đóng sách Huy Thi (Thanh Trì, Hà Nội). Vụ kiện kéo dài từ năm 2011 tới năm 2014, Tòa án Nhân dân Hà Nội bác đơn kiện của Công ty Trí Việt. Sự kiện này đã khiến giới làm sách Việt Nam bức xúc.
Khi ấy, đã rất nhiều đại diện công ty, nhà xuất bản lên tiếng bày tỏ sự bất bình, lo ngại kết quả vụ kiện này sẽ tạo tiền lệ xấu.
Năm 2020, Công ty TNHH Văn hóa - Sáng tạo Trí Việt khởi kiện Lazada vì cho rằng sàn thương mại điện tử này “tiếp tay” cho một số thành phần lưu hành sách lậu.
“Từ sự việc Lazada, chúng tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần xem lại khâu pháp chế. Đối với hàng nhái, hàng giả, phải hình sự hóa trách nhiệm, xử lý thật mạnh mới mong lập lại trật tự”, ông Phước từng chia sẻ.
Ngày 2/8, ông Phước viết trên trang cá nhân: “Hiện nay, các nhà xuất bản, công ty xuất bản và hệ thống nhà sách phải chịu trận và sống chung với sách giả”.
Ông đề xuất Cục Xuất bản nên tổ chức một cuộc Hội thảo toàn quốc để các đơn vị làm sách bản quyền cùng nhau đưa ra các giải pháp chống sách giả, đồng thời đánh động dư luận xã hội. “Chúng ta cùng phải quyết tâm trong cuộc chiến đấu này”, ông Phước viết.
Tại tọa đàm "10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012" diễn ra ngày 9/8 tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhận định đây là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ông chia sẻ dự kiến thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách để có thể xử lý, ngăn chặn tình trạng tiêu cực này, bảo vệ được quyền lợi của các đơn vị phát hành có bản quyền.