Đơn trình báo của Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt nêu mới đây, đội ngũ công ty phát hiện ra hai bộ sách bán chạy là Giáo dục giới tính và Kể chuyện cuộc đời các thiên tài đã bị in lậu chất lượng kém rồi bán rẻ ra thị trường. Để phát hành một đầu sách chất lượng ra thị trường, đội ngũ Tân Việt cũng như bất kỳ nhà xuất bản, công ty sách nào phải mất nhiều công sức và chi phí từ mua bản quyền, tới biên dịch, biên tập, rồi in ấn, truyền thông.
Trang Facebook bị Tân Việt tố bán sách giả. Ảnh: T.V. |
Bà Lương Thị Thanh Ngà, đại diện truyền thông của công ty Tân Việt, cho biết đơn vị bà phát hiện ra sách bị in lậu hồi tháng 6. Đối tượng vi phạm bản quyền còn ngang nhiên quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Đại diện công ty Tân Việt đã thử liên hệ mua hàng để so sánh, đối chiếu với sách bản quyền gốc.
Khi nhận được sách, bộ sách giả cầm trên tay có chất liệu giấy mỏng, chất lượng in kém, bị nhòe nét.
Hình ảnh so sánh giữa sách thật và sách giả do Tân Việt cung cấp. |
Trang Facebook của Tân Việt đã đăng tải bài viết cảnh báo về sự xuất hiện sách giả trên thị trường, kèm một số đặc điểm phân biệt như sau:
1. Sách giả sử dụng bìa mềm, mỏng, rất dễ rách. Còn sách thật sử dụng bìa cứng, dày, rất chắc chắn.
2. Hình ảnh trong sách giả in mờ, nhòe, không đều màu.
3. Cuốn sách thật sẽ có những miếng lật mở khám phá ở bên trong. Sách giả không có những miếng lật mở như vậy.
4. Giá sách lậu quá rẻ so với giá sách thật. Bởi các bên in lậu đã dùng sách của Tân Việt scan lại và dùng giấy chất lượng kém để in.
Bên in lậu lấy chính hình ảnh quảng bá của Nhà sách Tân Việt để bán sách với mức giá thấp hơn. Giá bán sách thật là 420.000 đồng bộ 10 cuốn Giáo dục giới tính, trong khi sách lậu bán phá giá với mức giá 199.000-350.000 đồng. Còn với bộ sách Kể chuyện cuộc đời các thiên tài, Nhà sách Tân Việt bán với giá 450.000 đồng, có bên rao bán nâng giá là 600.000 đồng rồi giảm còn 399.000 đồng.
Khách mua không phân biệt được thật giả, chọn bên giá thấp. Tới khi nhận sách thấy chất lượng kém, nhiều khách hàng đã khiếu nại với nhà sách Tân Việt.
Ảnh do Nhà sách Tân Việt cung cấp. |
Bà Ngà bức xúc: “Thông thường một ngày bên mình bán được tới 100 bộ sách, nhưng giờ số lượng giảm sút chỉ còn khoảng 20-30 bộ”. Tính ra, con số thiệt hại cả tháng có thể lên đến khoảng 600 triệu đồng.
Theo đại diện Tân Việt, việc làm giả sách không chỉ làm giảm doanh thu mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của người làm sách chân chính. Thậm chí, sách giả còn có những chi tiết sai sót, chất lượng sách thấp, gây ảnh hưởng tới thông tin mà người đọc tiếp nhận.
Đại diện Tân Việt nói đã có người review và truyền bá, phân biệt sách thật/sách giả, các đối tượng bán sách giả có nhiều chiêu trò như đổi tên trang bán, mạo danh đơn vị bản quyền, giảm giá sâu hơn...
“Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và của nhãn hàng Tân Việt, chúng tôi đã phải đưa đơn trình báo công an và kêu gọi báo chí vào cuộc”, bà Ngà nói.
Đại diện Công ty Tân Việt hy vọng sự việc sẽ sớm được đưa ra ánh sáng, sản phẩm giả sẽ bị tịch thu và tiêu hủy, đồng thời có biện pháp xử lý đơn vị vi phạm bản quyền.
Tình trạng sách lậu vẫn là một vấn nạn gây nhức nhối của ngành xuất bản. Cả người mua lẫn bên phát hành đều chịu nhiều tổn hại từ nạn in, lưu hành sách lậu.