“Bắt đầu từ tháng 7/2020, chúng tôi đi vào hoạt động chính thức và từ đó đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ các đối tác gỡ hơn 50.000 bản sách nói vi phạm bản quyền trên các nền tảng khác nhau”, ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM - chia sẻ.
Mặc dù có dung lượng cao, quy trình thu âm và đọc không thể diễn ra nhanh chóng, những năm gần đây, việc sao chép sách nói tràn lan vẫn trở thành vấn nạn nhức nhối cho người làm nội dung âm thanh.
Một trang cho phép nghe sách nói miễn phí. |
Dấu hiệu vi phạm bản quyền
2019 là năm khái niệm USB sách nói “làm mưa, làm gió” trên thị trường. Chỉ với một chiếc USB, người ta có thể tải, sao chép hàng trăm bản sách nói và bán lại cho người khác với mức giá vài trăm nghìn đồng. Mỗi USB sách nói thường gắn với một chủ đề như “Top 100 cuốn sách nói bán chạy”, “Những tác phẩm bất hủ thế giới”…
Ông Lê Hoàng Thạch cho hay nguồn sách nói “ăn cắp” đó xuất phát từ những trang dự án đặc thù dành cho người khiếm thị, có mục đích thiện nguyện và cho phép người dùng truy cập miễn phí.
“Chúng tôi đã thử mua một số USB sách nói và tiến hành kiểm tra thì phát hiện trong đó có chứa mã độc, mang virus gây hại cho việc bảo mật thông tin trên máy tính của người dùng”, ông Thạch tiết lộ.
Cách đây khoảng 5-7 năm, nhiều người chưa quan tâm đến sách nói, họ nghĩ định dạng này chỉ dành cho người khiếm thị nên cũng không ít người mượn cớ đó để tải file sách nói rồi đem đi phát tán với mục đích “thiện nguyện”, “chia sẻ tri thức”.
Theo ông Thạch, nạn vi phạm bản quyền sách nói xuất hiện chủ yếu trên 4 nền tảng: YouTube, Spotify, những ứng dụng (Apple, Google) và các website tự lập. Ba nền tảng đầu tiên đều có chế tài xử lý nếu có phản hồi báo cáo vi phạm. Nhưng đối với các website tự lập, đối tượng hoàn toàn có thể mua tên miền ở nước ngoài để đăng tải hàng loạt ấn phẩm lậu.
Những cuốn sách nói bị phát tán lậu trên mạng nhiều nhất thường là những ấn phẩm thuộc danh sách best-seller như Đắc nhân tâm, Nhà giả kim, Tôi tài giỏi bạn cũng thế hay các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Ông Thạch cho hay trong số khoảng 50.000 nội dung âm thanh bị phát tán trái phép mà đơn vị ông phát hiện, có tới gần 20% là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Núp dưới bóng của “chia sẻ sách nói vì cộng đồng”, “chia sẻ tri thức miễn phí”, các nền tảng vi phạm này không yêu cầu người dùng phải trả phí nghe song kênh YouTube của họ vẫn bật chế độ kiếm tiền, nhận tiền quảng cáo.
“Thêm vào đó, nhiều đối tượng tỏ ra hồn nhiên khi giải thích rằng họ muốn thử đọc sách bằng chính giọng của mình, sau đó thu âm và đăng tải trên các kênh khác nhau”, ông Thạch nói.
Bà Thái Minh Châu - Giám đốc Đối ngoại ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos - chia sẻ toàn bộ sách nói của Fonos được thực hiện trong một quy trình khép kín. Nhưng đơn vị bà cũng liên tiếp phát hiện ra các trường hợp vi phạm bản quyền, tự thu âm và đăng tải nội dung sách trái phép lên YouTube.
“Động thái đầu tiên của chúng tôi khi phát hiện ra điều này là gửi thư phản hồi, yêu cầu gỡ link. Chúng tôi sẽ cho các bên thời hạn 24-48 tiếng để gỡ”, bà Châu cho biết.
Theo đại diện Fonos, nhiều sản phẩm sách nói lậu đến từ các bạn trẻ có sở thích đọc với mong muốn làm phong phú thêm cho kênh YouTube của mình.
“Những đối tượng đó không nghĩ rằng hành động này đang gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các đơn vị làm sách nói chính thống. Thậm chí, một số trang sách nói lậu còn có số lượt nghe cao hơn nhiều so với lượt nghe trên Fonos vì các trang đó ra đời từ rất lâu rồi”, bà Châu nói.
Chọn giọng đọc chuyên nghiệp, giàu cảm xúc là một trong những chiến lược giúp "níu chân" người nghe của các đơn vị làm sách nói. Ảnh: Fonos. |
Ngặn chặn các kênh sách nói lậu
Nhiệm vụ của các đơn vị làm sách nói không chỉ là ứng dụng công nghệ để tạo nên nội dung âm thanh chất lượng, mà còn phải cam kết bảo vệ bản quyền. Từ khi đi vào hoạt động, Fonos đã thành lập một đội ngũ chuyên theo dõi những trang sách nói lậu. Tính đến nay, đơn vị này đã phát hiện ra hàng nghìn bản sách nói vi phạm.
Lý giải về nguyên nhân xuất hiện các trang này, Giám đốc Đối ngoại Fonos cho rằng cách đây vài năm, khi các ứng dụng sách nói có bản quyền ở Việt Nam chưa ra đời, mọi người không tìm được nguồn sách nói chính thống nên không có sự lựa chọn khác ngoài việc “nghe sách chùa”.
“Do đó, các đơn vị làm sách nói hiện nay phải tạo ra các sản phẩm chất lượng và xây dựng hàng rào bảo vệ bản quyền nghiêm ngặt giúp người dùng tin tưởng lựa chọn”, bà Châu nêu quan điểm.
Theo đó, chiến lược của Fonos là chọn giọng đọc chuyên nghiệp, giàu cảm xúc; không sử dụng giọng trí tuệ nhân tạo gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người nghe; phát triển ứng dụng công nghệ; xây dựng hệ sinh thái nội dung như tóm tắt sách, nhạc chủ đề… để “níu chân” người dùng.
Theo ông Lê Hoàng Thạch, hành động “nghe sách chùa” xuất phát từ việc khi đứng trước hai kênh sách nói, một kênh yêu cầu trả phí và một kênh không, thì “lẽ đương nhiên mọi người sẽ chọn nghe kênh miễn phí”. Lâu dần, hành động này trở thành thói quen, một nét văn hóa tiêu dùng. Việc xây dựng văn hóa đọc trong thời đại 4.0 từ đó cũng bị ảnh hưởng.
CEO Voiz FM cho rằng điều tiếp tay cho nạn sách nói lậu phát triển đến từ hai phía: Cung và cầu. Trước hết, nó xuất phát từ nhu cầu của độc giả. Có người muốn nghe cuốn sách này, nhưng tìm không thấy bản chính thức nên buộc phải chọn bản lậu. Còn các bên phát tán trái phép lại không nghĩ rằng họ đang vi phạm luật bản quyền.
“Chúng ta cần tận dụng ứng dụng công nghệ vào việc ngăn chặn những kênh sách nói lậu. Các đơn vị cũng nên cân nhắc để phát triển kho nội dung số của mình nhanh hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có chiến lược để tăng trải nghiệm cho người dùng, cho phép nghe sách tắt màn hình, đánh dấu trang hoặc phân tích hành vi người dùng để đề xuất nội dung phù hợp”, ông Thạch nêu giải pháp.