Trong thời đại 4.0, thói quen đọc sách thay đổi, nhu cầu đọc ebook tăng cao, tuy nhiên, có nhiều ý kiến phàn nàn cho rằng ebook tiếng Việt còn quá hạn chế. Vin vào lý do này, độc giả chuyển sang đọc lậu, làm ebook lậu.
Trao đổi với Zing, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc công ty Waka, thừa nhận lượng ebook bản quyền còn hạn chế. Thống kê năm 2021 cho thấy doanh số sách điện tử còn thấp, chỉ khoảng 2,1% so với doanh số sách in nên các đơn vị vẫn tập trung vào những mảng mang lại doanh thu chính thay vì tập trung sách điện tử.
Các đơn vị ngần ngại số hóa
Theo ông Hoàng, hiện nay khi mua bản quyền khai thác ở nước ngoài, đơn vị cung cấp đã chia rõ các loại: quyền làm sách in, quyền làm ebook (sách điện tử) và quyền làm audiobook (sách nói).
Các nhà phát hành sách giấy nếu không định khai thác ebook hoặc cho rằng doanh thu sách điện tử không đáng kể sẽ chỉ mua quyền làm sách giấy, điều này khiến các đơn vị phát hành điện tử trong nước không có nguồn sách để khai thác.
Nhận thấy doanh số sách điện tử còn thấp nên các đơn vị vẫn tập trung vào những mảng mang lại doanh thu chính, ngó lơ sách điện tử. Điều này khiến lượng sách cung cấp cho người dùng phiên bản điện tử ngày càng ít đối với các ứng dụng chính thống và tôn trọng bản quyền.
Ông Hoàng cho rằng các đơn vị phát hành sách tại Việt Nam ngại phải đầu tư thêm một lượng tiền ban đầu mua bản quyền từ nhà xuất bản nước ngoài, ngại đầu tư thêm nhân sự phụ trách mảng điện tử trong khi doanh thu trên nền tảng số có tỷ trọng còn nhỏ. Có những đơn vị từ chối làm ebook vì e ngại sách sẽ bị phát tán tràn lan, ảnh hưởng tới doanh thu sách in.
Tuy nhiên, giám đốc Waka cho rằng “không đưa lên càng dễ bị lậu hơn”. Ông nhận định: “Với công nghệ scan và OCR (Optical character recognition: Nhận dạng ký tự quang học) tân tiến như hiện nay thì số hóa sách giấy khá dễ”.
Với công nghệ scan và OCR tân tiến như hiện nay thì số hóa sách giấy khá dễ. Ảnh: Scienceprog. |
“Vì không hợp tác, không cung cấp quyền khai thác với các đơn vị có đội ngũ chuyên môn về môi trường số như các nhà phát hành sách điện tử, nên họ (các đơn vị phát hành sách giấy) không có ai cùng lên tiếng cũng như cùng tìm cách bảo vệ bản quyền trên môi trường số”, ông Hoàng nói thêm.
Vì những điều trên, việc mua bản quyền làm sách điện tử từ các đơn vị trong nước tương đối khó khăn, dẫn đến số lượng ebook bản quyền của Việt Nam còn rất hạn chế.
Trong khi đó, các trang web lậu thì không để tâm đến việc nhà phát hành có mua bản quyền sách số hay không. Họ ngang nhiên scan hoặc số hóa sách in để cung cấp, nên các trang web lậu thường đa dạng nội dung hơn các bên phát hành ebook chính thống có bản quyền.
Độ tiếp cận còn giới hạn
Bản thân đơn vị làm ebook cũng có những ngần ngại nhất định trên nền tảng số. Trả lời phỏng vấn của Zing, bà Trần Nhật Hoàng Phương, Giám đốc marketing Công ty sách Phương Nam, cho biết để bảo vệ bản quyền tác phẩm, ebook trên KOMO+ chỉ có thể đọc được trên ứng dụng KOMO+ và không đọc được trên bất cứ ứng dụng nào khác, bao gồm Kindle.
Cả hai ứng dụng Waka lẫn KOMO+ đều cho phép tải miễn phí trên Google Play và App Store cho 2 hệ điều hành android và iOS. Nhưng vì không hỗ trợ trên Kindle - loại máy đọc sách phổ biến của Amazon, nhiều độc giả cảm thấy bất tiện và đã quay sang tìm tải file lậu.
Anh H.A. (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) mới mua Kindle năm ngoái. Anh cho biết các file ebook lậu rất dễ tiếp cận, lại miễn phí. Từ lúc mua Kindle về, ngoài ebook nước ngoài có thể mua trên Amazon, anh chưa mua ebook bản quyền nào của Việt Nam.
Anh V.H.D. (22 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng lý do ebook bản quyền ở Việt Nam chưa phát triển mạnh là vì không có một nền tảng chung tập hợp sách từ đa dạng các đơn vị.
Nhận thấy thị trường tiềm năng, bà Trần Nhật Hoàng Phương cho biết app KOMO+ được phát triển nhằm cung cấp ebook bản quyền với nhiều tiện ích gia tăng cho khách hàng trong hệ sinh thái Phương Nam, kèm thêm chức năng tích điểm và đổi điểm khi mua sắm tại hệ thống Nhà Sách Phương Nam, Phương Nam Book City.
Ứng dụng đang trong giai đoạn đầu triển khai nên hiện tại chỉ có sách của Phương Nam Book. “Dựa vào nhu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ mở rộng khai thác sách của những đơn vị khác”, bà Phương chia sẻ.
Bà Phương cho biết thêm công ty vẫn để mở cơ hội cho các đơn vị làm ebook khác khai thác bản quyền sách của công ty nếu đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ bản quyền tác phẩm khi đưa lên hệ thống.
Bên cạnh đó, giá thành chênh lệch giữa ebook và sách giấy cũng là một vấn đề mà nhiều độc giả quan tâm. Bà Phương nói: “Chính sách giá ebook sẽ linh động phụ thuộc vào từng tác phẩm. Với tác phẩm phát hành đã lâu sẽ có giá thấp hơn so với các sách mới phát hành”.