Dạo một vòng qua các group đọc sách điện tử, không khó để tìm những điểm chia sẻ file ebook miễn phí. Điều đáng nói là có những file ebook thuộc những tựa sách “hot”, sách best-seller, những tựa sách chưa có bản quyền phát hành trên nền tảng số như Cây cam ngọt của tôi, Chết giữa mùa hè, Những ngã tư và những cột đèn...
Trong một nhóm tập hợp gần 90.000 độc giả đọc ebook ở Việt Nam, không ít những bài đăng đặt câu hỏi kiểu “Cuốn A, B, C… đã có pdf chưa?”. Thậm chí, có những thành viên còn chia sẻ nhau cách tự làm ebook.
Lý do độc giả sử dụng máy đọc sách lại công khai chia sẻ ebook lậu như vậy chỉ nằm ở vấn đề ý thức, hay còn nhiều vướng mắc khác?
Công ty Tao Đàn giữ bản quyền tiếng Việt cuốn Chết giữa mùa hè cho biết đơn vị này chưa làm ebook tác phẩm; tuy vậy bản sách điện tử tác phẩm vẫn lưu hành. Ảnh: HYĐSK. |
Sách điện tử bản quyền còn kém đa dạng và khó tiếp cận
Sự phát triển của sách điện tử đã góp phần thay đổi bộ mặt của thị trường xuất bản. Nhiều độc giả cho rằng sở hữu máy đọc sách giúp việc đọc thuận tiện và dễ dàng hơn. Tính năng nhỏ gọn, tiện lợi chính là điểm mạnh của thiết bị đọc sách. Có những độc giả chọn sở hữu cả sách giấy cả sách điện tử vì vừa muốn sưu tầm vừa muốn tiện đọc mà không phải mang vác cồng kềnh.
Tuy nhiên, có một sự thật là phần đông độc giả vẫn tải và đọc ebook lậu. Lý do không đơn giản chỉ vì người đọc tiếc tiền hay thiếu ý thức.
Dưới một bài đăng đặt câu hỏi làm thế nào để đọc ebook bản quyền, tài khoản mạng xã hội có tên "Hien Le" chia sẻ rằng chị là một “người con xa xứ”, có nhu cầu đọc sách tiếng Việt mà không mua sách giấy được, nên chỉ có thể đọc sách điện tử. Tuy nhiên, chị gặp khó khăn khi tìm mua sách điện tử có bản quyền cho những cuốn chị muốn đọc.
Một độc giả tên Hoàng Anh (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng ebook bản quyền ở Việt Nam quá ít. Có những cuốn anh muốn đọc, khi tìm để đọc trên nền tảng số, anh thấy có nhiều trang đã có sẵn cho tải miễn phí nên đọc luôn.
Anh V.H.D (22 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thậm chí còn không biết rằng ở Việt Nam có đơn vị làm ebook bản quyền. Anh cho rằng lý do ebook lậu tràn lan ở Việt Nam vì không có một đơn vị nào đứng lên tập hợp được đa dạng tựa sách bản quyền để chuyển lên nền tảng số. Vì lẽ này, độc giả chọn đọc ebook lậu là điều dễ hiểu.
Cũng có một vài độc giả biết tới đơn vị làm ebook bản quyền ở Việt Nam như Waka và Komo, tuy nhiên nhận định rằng các đơn vị này cung cấp số lượng đầu sách còn hạn chế và đang được bổ sung dần.
Một số độc giả phản ánh rằng ứng dụng Waka chỉ hỗ trợ cho máy đọc sách chạy phần mềm của Android và iOS, không hỗ trợ cho Kindle, gây trở ngại nhất định cho những người sở hữu loại máy đọc sách phổ biến.
Nhiều đơn vị làm sách lo ngại tình trạng ebook lậu nên không muốn bán bản quyền để đưa sách lên nền tảng số. Vì vậy, sách ebook bản quyền còn kém đa dạng, tiếp cận được ít độc giả hơn so với các bên lưu hành ebook lậu.
Đề xuất mô hình thư viện ebook bản quyền
Độc giả H.P (25 tuổi, quận Đống Đa) đề xuất một mô hình thư viện ebook bản quyền hỗ trợ ở nhiều định dạng (epub, pdf...) cho độc giả có thể dễ dàng thuê hoặc mua đọc với mức giá cạnh tranh. Ấn bản số không mang lại cảm giác sở hữu cá nhân thực sự nên nếu giá thành không chênh lệch nhiều với sách giấy sẽ khó thu hút độc giả.
Ngành xuất bản số ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự nở rộ mạnh mẽ. Trước tình trạng sách lậu tràn lan cả ở định dạng sách giấy lẫn sách điện tử, cũng dễ hiểu khi các đơn vị làm sách chưa sẵn sàng dấn thân.
Trong thời đại 4.0, sách giấy và sách điện tử đã tìm được cách để cùng chung sống và phát triển. Nhu cầu đọc sách điện tử tăng cao ở mọi nơi. Tại Việt Nam, ebook lậu rất nhiều và dễ kiếm, nhưng vẫn còn một lượng độc giả không nhỏ muốn đọc, ủng hộ sách điện tử bản quyền và chờ đợi vào tương lai ngành xuất bản số phát triển.