Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách lậu núp bóng USB 'chia sẻ tri thức'

Những chiếc USB lưu trữ hàng trăm file sách nói không bản quyền được rao bán, gây ảnh hưởng tới các đơn vị làm sách nói bản quyền.

Chỉ cần gõ cụm từ “sách nói” lên thanh tìm kiếm, Google sẽ trả về hàng trăm tựa sách nói miễn phí với đa dạng thể loại, đề tài. Theo ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM - sách nói lậu thường được lưu hành trên YouTube, Spotify, những ứng dụng (Apple, Google) và các website tự lập.

Sách nói lậu tràn lan tiềm tàng nhiều nguy hiểm

Những sản phẩm vi phạm bản quyền này có thể dễ dàng tìm được trên mạng mà không tốn một khoản phí nào. Một trang mạng xã hội lấy tên "Audio Books - Sách Nói Kinh Doanh & Làm Giàu Hay Nhất Mọi Thời Đại" bán các bộ sách nói. Trong đó, một số sách ăn khách được trang này rao bán như: Tư duy làm giàu, Bẻ khóa bí mật triệu phú, Tứ đại quyền lực, Đánh thức con người phi thường trong bạn...

Các cuốn sách nêu trên đều do công ty First News - Trí Việt giữ bản quyền tiếng Việt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt - khẳng định công ty ông không bán bản quyền những cuốn trên cho trang sách nói này.

Chủ sở hữu trang Facebook này thậm chí còn tạo cả website, đầu tư vào nội dung, hình ảnh, sử dụng những câu quảng cáo như: "Nghe Sách Nói - Phương pháp đang được rất nhiều người thành công trên thế giới áp dụng để trở nên vượt trội hơn mỗi ngày!" để thu hút người tiêu dùng.

ban sach lau anh 1
ban sach lau anh 2

Một trang web rao bán sách nói.

Những "kho" sách không bản quyền như vậy được đầu tư về mặt hình thức, với số đầu sách lớn, chia ra thành các mục như: 27 sách nói tư duy kinh doanh, 25 sách nói chủ đề tài chính, 30 sách nói chủ đề quản trị... Thậm chí, trang này còn cho khách hàng nghe thử.

Chỉ cần bỏ ra 399.000, người dùng có thể nghe hơn 100 sách nói về kinh doanh làm giàu. Trang web này tuyên bố đã có hơn 10.000 thính giả.

Không chỉ mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng là nơi các đối tượng lưu hành sách lậu. Một gian hàng ngang nhiên bán USB lưu trữ 100 file sách nói trên mạng với mức giá vài trăm nghìn trên Shopee.

Trong USB này, các file sách nói được chia ra theo folder: sách hư cấu riêng, sách phi hư cấu riêng. Nhiều đầu sách bán chạy như Dạy con làm giàu, Nhà giả kim, Sự im lặng của bầy cừu... có trong danh sách USB này.

Bà Đào Phương Thu - Phó phòng truyền thông công ty sách Nhã Nam - cho biết những file sách nói trôi nổi ấy không hề được Công ty Nhã Nam cấp phép. Bà khẳng định: “Nhã Nam chỉ cung cấp một số ít đầu sách bán chạy cho Fonos, ngoài ra không hề có chuyện cung cấp bản quyền cho bên nào khác”.

Chị T.H. đã mua “USB 100 Sách Nói - Bộ Sách Nói Hay Nhất Thay Đổi Cuộc Đời Nhiều Người” qua Shopee với mức giá 390.000 đồng, khi nhận hàng về thì thấy chất lượng sách đọc kém, mang lại trải nghiệm nghe không tốt.

Không chỉ phân phối sản phẩm kém chất lượng, các USB này còn ẩn chứa những nguy hại khác. Trong một lần trao đổi với Zing, ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM - chia sẻ: “Chúng tôi đã thử mua một số USB sách nói và tiến hành kiểm tra thì phát hiện trong đó có chứa mã độc, mang virus gây hại cho việc bảo mật thông tin trên máy tính của người dùng”.

ban sach lau anh 3

Một đơn vị rao bán sách nói trên sàn thương mại Shopee.

Sự “hồn nhiên” tai hại

Sách nói lậu thường là bản sao chép và lan truyền trái phép sách nói bản quyền hoặc có người tự ý thu âm lại từ nội dung sách đã được phát hành, có khi tệ hơn, sử dụng file ebook rồi cho phần mềm đọc tự động, tạo ra những bản sách kém chất lượng.

Điều đáng nói là có những người làm sách lậu mà không nghĩ mình đang làm lậu, vi phạm bản quyền.

Theo ông Thạch, có một số sản phẩm sách nói miễn phí ở Việt Nam ban đầu là một dự án thiện nguyện dành cho người khiếm thị. Không ít người lợi dụng, mượn cớ “chia sẻ tri thức” để tải file sách nói lậu đem đi phát tán.

Cũng có nhiều đối tượng tự ý thu âm sách nói rồi đăng lên kênh cá nhân mà không mảy may nghĩ rằng hành động này đang vi phạm bản quyền.

Sau khi trao đổi trực tiếp với một số đối tượng làm sách nói không bản quyền, ông Thạch cho biết: “Nhiều đối tượng tỏ ra hồn nhiên khi giải thích rằng họ muốn thử đọc sách bằng chính giọng của mình, sau đó thu âm và đăng tải trên các kênh khác nhau”.

Những người bán này “hồn nhiên” cho rằng chỉ cần mua sách từ nhà xuất bản, sau đó tự thu âm rồi rao bán thì không bị coi là vi phạm bản quyền.

CEO Voiz FM chia sẻ rằng đơn vị ông đã cùng các đối tác gỡ hơn 50.000 bản sách nói vi phạm bản quyền trên các nền tảng khác nhau, trong đó có tới gần 20% là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

ban sach lau anh 4

Đơn vị làm sách nói bản quyền phải đầu tư về tiền bạc, công sức, nhưng doanh thu bị ảnh hưởng bởi sách lậu. Trong ảnh là MC Liêu Hà Trinh đang thu âm cho sách nói bản quyền. Ảnh: Fonos.

Để ngăn chặn tình trạng này trong tương lai gần là rất khó. Sự thật là trong thị trường, có cầu thì vẫn có cung. Ông Lê Hoàng Thạch cho rằng việc người nghe lựa chọn sách nói miễn phí thay vì sách nói bản quyền yêu cầu trả phí cũng là một điều dễ hiểu vì lâu nay người tiêu dùng ở Việt Nam chưa ý thức nhiều về tác hại của vi phạm bản quyền.

Đề xuất giải pháp, ông Thạch nói cần ứng dụng công nghệ vào việc ngăn chặn những kênh sách nói lậu. Các đơn vị cũng nên phát triển kho nội dung số của mình.

Sách nói đang là xu hướng hiện nay. Sự phổ biến của sách trở thành động cơ cho nhiều người lấy nội dung từ công sức dịch và biên tập của các đơn vị phát hành có bản quyền. Lưu hành, phát tán những sản phẩm này là một hành vi ăn cắp chất xám nghiêm trọng.

Bán sách lậu còn ngang nhiên chạy quảng cáo trên mạng xã hội

Mới đây, Công ty Tân Việt đã trình báo với Phòng An ninh Văn hóa, Công an TP. Hà Nội về trường hợp 2 bộ sách bán chạy của mình bị in lậu và bán ngang nhiên trên mạng.

Sách lậu bị phát tán trên mạng dưới nhiều hình thức

Các phiên bản sao chép sách trái phép liên tiếp xuất hiện trên nhiều trang mạng dưới dạng file pdf, word, ảnh chụp…

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm