Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách remake hay biến tướng của sách giả, sách lậu

Độc giả tìm đến sách remake khi muốn đọc lại những cuốn sách cũ, đã lâu không được tái bản. Nhiều người không biết rằng ủng hộ sách remake là tiếp tay cho sách giả.

Tìm mua một cuốn sách mới xuất bản trong vòng vài tháng, hoặc vài năm khá đơn giản. Nhưng để tìm đọc một cuốn sách, hay một bộ truyện tranh đã phát hành cách đây hơn mấy chục năm là điều không mấy dễ dàng, chẳng khác nào mò kim đáy bể. Có người đã phải tới nhiều cửa hàng bán sách cũ, liên hệ với các tay sưu tầm sách, nhưng vẫn không có được cuốn sách mà mình muốn. Khi ấy, họ tìm đến sách remake, để có được cuốn sách mình mong mỏi.

Lấy danh nghĩa “làm lại” những cuốn sách cũ, những người làm sách remake ngang nhiên in ấn và phát hành sách ra thị trường mà không có sự cho phép của các cơ quan chức năng. Họ cũng chẳng quan tâm đến vấn đề bản quyền của tác phẩm. Nói tới đây, chúng ta thấy sách remake có khá nhiều điểm giống với sách giả, sách lậu.

Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ của sách remake

Chỉ cần gõ từ “sách remake” lên thanh tìm kiếm của Facebook, lập tức sẽ có hàng chục bài đăng liên quan tới sách remake. Nhiều đầu sách remake với đủ các thể loại như: văn học, truyện tranh, sách khảo cứu và có cả sách y học thường thức được bày bán công khai trên mạng xã hội.

Dưới mỗi bài đăng có khá nhiều lượt tương tác và bình luận của độc giả. Điều đó chứng tỏ thị trường sách remake hiện nay khá sôi động. Mua bán sách trên mạng xã hội luôn có nhiều rủi ro, mua sách remake cũng vậy.

Theo anh Nguyễn Bình Phương, một người sưu tầm sách lâu năm ở Hà Nội, một khi rao sách remake, người bán thường dùng một số từ ngữ mập mờ, dễ gây hiểu lầm để độc giả nhầm tưởng đó là sách cũ, có giá trị sưu tầm sau đó đồng ý mua với giá cao.

Khi sử dụng chiêu bài này, người bán thường bắt khách hàng chuyển khoản trước. Khi cầm sách trên tay và phát hiện ra đó không phải là “sách cổ” thì người mua đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Ngay lập tức người bán sẽ cắt đứt mọi hình thức liên lạc với khách hàng.

Bien tuong cua sach gia anh 1

Những bộ truyện tranh nổi tiếng, gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X được các đối tượng làm sách remake nhắm tới. Ảnh: T.L

Có một số người thì nói rõ ràng trong bài viết đó là sách remake và không có giá trị sưu tầm. Khi gửi hình ảnh cho khách hàng, họ gửi ảnh những cuốn sách được in ấn khá đẹp, sắc nét, phần bìa và gáy được dán keo cẩn thận, chắc chắn. Nhưng khi cuốn sách tới tay độc giả thì nó khác xa với hình ảnh mà họ được thấy trên mạng xã hội. Sách in xấu và cẩu thả, bị mất trang, lem mực, chưa kể phần bìa sách được đổ keo không chắc chắn, khá xộc xệch.

Điều đáng nói là giá của một số cuốn sách remake này không hề rẻ. Lấy cớ khó tìm được bản gốc, chỉ in số lượng có hạn, nên các đơn vị làm sách remake thường đẩy giá lên khá cao.

Bên cạnh tiểu thuyết và truyện ngắn của các tác giả nổi tiếng thì truyện tranh cũng là một trong những “mặt hàng” bán chạy của các page kinh doanh sách remake. Nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng một thời với thế hệ 8X, 9X như: Dũng sĩ Hesman, Siêu nhân Việt Nam, Võ sĩ đạo Samurai, 7 viên ngọc rồng, Thiên long bát bộ, Nữ hoàng Ai Cập… đều đã được remake lại, giá của chúng không hề rẻ và cũng không dễ mua.

Số lượng bán ra của mỗi tác phẩm truyện tranh remake này có thể lên tới hàng trăm bộ, tương đương với hàng nghìn cuốn sách. Đến đây, chúng ta thấy rằng kinh doanh “truyện tranh remake” là một thị trường béo bở.

Ủng hộ sách remake là tiếp tay cho sách giả

Một số cuốn sách bị cấm phát hành ở Việt Nam, nhưng một số đơn vị kinh doanh sách remake ngang nhiên đem chúng ra in ấn và bán qua mạng xã hội. Đây là một hành vi vi phạm luật xuất bản. Các nội dung chưa được kiểm duyệt được lưu hành rộng rãi sẽ có tác động xấu đến một bộ phận độc giả.

Người làm sách remake chỉ cần lo khâu in ấn và bán ra cho khách hàng. Họ không quan tâm đến các vấn đề như: giấy phép xuất bản, lệnh phát hành hay quyền sử dụng tác phẩm. Các cá nhân và tổ chức này không xin phép tác giả, dịch giả hay người có quyền sở hữu tác phẩm trong trường hợp tác giả và dịch giả đã qua đời, trước khi sử dụng tác phẩm cho mục đích thương mại.

Bien tuong cua sach gia anh 2

Một cuốn remake sách Chết giữa mùa hè. Ảnh: M.B.

Họ ngang nhiên kinh doanh trên chất xám của các tác giả và dịch giả nhưng không bao giờ nghĩ tới việc trả thù lao cho họ. Đây là hành động kiếm lợi một cách trắng trợn dựa trên trí tuệ của người khác.

Bên cạnh đó, các cá nhân và tổ chức làm sách remake cũng không được sự đồng ý của cơ quan chức năng trong việc in ấn và phát hành sách. Điều đó đồng nghĩa với việc sách remake chính là biến tướng của sách lậu, sách giả. Cái tên “sách remake” chỉ là để đánh lừa độc giả mà thôi. Cái gọi là sách remake mà các page đang bán, thực chất là sách vi phạm bản quyền.

Mạng xã hội là một không gian ảo khó kiểm soát, thế nên chúng ta không thể loại bỏ sách remake trong một thời gian ngắn. Để bảo vệ sách thật, khiến cho sách remake không còn chỗ đứng trên thị trường, hãy trở thành một độc giả thông minh và nói không với sách remake.

Bạn đọc thiếu quyết liệt với sách giả

Một số người bất bình khi mua phải sách giả nhưng vẫn đọc và không lên tiếng cảnh báo. Thái độ thiếu quyết liệt này khiến sách giả, sách lậu có chốn dung thân.

Cuộc chiến giữa ứng dụng truyện tranh bản quyền và các kênh đăng lậu

Thời gian qua, các ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền dần phát triển tại Việt Nam. Một trong những khó khăn của các app này là cuộc cạnh tranh với các kênh đăng lậu.

Để truyện tranh Việt không lép vế

Thị trường truyện tranh trong nước ngày một đa dạng, nhưng tác phẩm Việt vẫn có phần lép vế so với truyện ngoại nhập. Đại diện các đơn vị xuất bản bàn hướng phát triển thị phần.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm