Theo ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Waka, các app truyện bản quyền bây giờ phải chấp nhận sống chung với các web truyện tranh lậu. Thậm chí, các trang đăng lậu thu được lượng người đọc lớn gấp nhiều lần so với các bên cung cấp sách điện tử bản quyền.
Có cầu thì có cung, sự thật là độc giả Việt Nam từ lâu đã quen với việc “đọc chùa”. Bên cạnh đó, số lượng đa dạng các tác phẩm trên web lậu cũng là một điểm khiến các web này “vượt mặt” các đơn vị chân chính.
App truyện tranh Comi. |
Thế giới đa dạng của web truyện lậu
Từng dịch truyện cho một trang web trên mạng, chị N.T.H nhận định thị trường truyện tranh rất nhiều chủ đề, có những chủ đề hút khách như 18+, kinh dị, hành động hay nhưng sẽ khó mua bản quyền vì tính chất nhạy cảm của chúng.
Có những bộ mua bản quyền xong cũng bị cắt xén, nên độc giả không chọn đọc, thậm chí, bức xúc vì sau khi mua bản quyền, các truyện lậu đã đăng trên mạng bị đồng loạt gỡ xuống.
Ông Nguyễn Khánh Dương, nhà sáng lập app đọc truyện tranh bản quyền Comi từng chia sẻ rằng những ngày đầu đưa app vào hoạt động, đội ngũ Comi nhận được rất nhiều đánh giá 1 sao, bình luận tẩy chay vì “dám bán truyện bản quyền”.
Thay đổi văn hóa đọc của độc giả là một chặng đường dài. Ông Đinh Quang Hoàng cũng thừa nhận “lượng sách được mua bản quyền còn hạn chế”.
Chính ở sự đa dạng đầu truyện mà các web đăng lậu chiếm được ưu thế trong lòng độc giả. Các chi tiết nhạy cảm trong truyện cũng không bị kiểm duyệt giúp độc giả thỏa mãn được trí tò mò.
Giao diện của một trang web đăng truyện tranh không bản quyền. |
Theo ông Đinh Quang Hoàng, bản quyền truyện tranh sau giai đoạn dịch tăng khá cao, thậm chí đắt hơn truyện chữ nhiều. Số sách giới thiệu được tới độc giả cũng có phần giới hạn hơn trước. Vậy mà có những cuốn vừa đăng trên Waka đã bị sao chụp lại, đăng tải lậu trên mạng.
Chị T.H nhận định rằng người Việt “không quen bỏ tiền mua truyện mạng đọc, mà quen mua truyện giấy”, nên thường nếu đã đọc trên mạng, người ta có xu hướng tìm đến những trang đăng lậu cho đọc miễn phí.
App truyện bản quyền cần đầu tư vào công nghệ
Các đối tượng làm truyện tranh lậu còn tập trung vào công nghệ, nhanh chóng đăng các truyện lậu đang "hot" trên thị trường quốc tế. Theo chị T.H, các trang này rất đầu tư về mặt hình ảnh, có thuê dịch giả và trả tiền đàng hoàng, chỉ không mua bản quyền.
Những bộ truyện nước ngoài đang “hot” sẽ được dịch và đăng tải lên cho độc giả đọc miễn phí, có thu thì cũng chỉ là một khoản phí nhỏ.
Chị T.H chia sẻ: “Đối với các tập truyện mới ra mắt, các trang lậu tải về xóa phông rồi dịch trong đêm. Tưởng tượng 1 đêm ra 20 tập webtoon rồi chia nhau mỗi dịch giả dịch 2 tập, mỗi biên tập xử lý 1 tập, sáng hôm sau là đăng lên được”.
Chị cho biết vì dịch nhanh dịch gấp như vậy nên chất lượng dịch không đảm bảo được, tuy nhiên đối tượng độc giả webtoon khá trẻ nên cũng không quan trọng dịch hay hay không, truyện ra nhanh để đọc là được. Các web lậu cũng cạnh tranh nhau từng phút. Trang nào đăng sớm hơn, trang đó thu được nhiều độc giả hơn.
Trong khi đó, truyện tranh bản quyền thường mất nhiều thời gian hơn để đến được với độc giả đại chúng. Chị T.H cho biết thường những bộ được mua bản quyền xong, các trang web lậu phải gỡ xuống ngay, tuy nhiên đến lúc đó thì độc giả cũng đọc xong hết rồi, hoặc nếu truyện đang dở dang thì độc giả sẽ “bất bình”.
Ông Đinh Quang Hoàng khẳng định app đọc truyện tranh là tương lai. Ảnh: The Anime Daily. |
Dù gặp nhiều trở ngại, ông Đinh Quang Hoàng vẫn luôn khẳng định app đọc truyện tranh là tương lai. Ông cho rằng cần có thời gian để nâng cao ý thức độc giả. Đồng thời, các app truyện tranh bản quyền sẽ phải nghiên cứu nâng cấp về mặt công nghệ để đem lại trải nghiệm đọc tốt mà các web truyện lậu không thể sao chép được.
Ông Hoàng cho rằng một khi cung cấp được trải nghiệm ưu việt, độc giả sẽ sẵn sàng trả phí các đơn vị phát hành có bản quyền. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện có thể xảy ra một sớm một chiều.