Mỗi lần đi đâu đó, nhìn thấy bụi tre mọc ven đường, tôi lại nhớ về lũy tre của làng trước đây.
Cuối những năm 1970, Đa Sĩ vẫn còn những lũy tre bao quanh làng. Trong làng, ở bất kỳ ngõ xóm nào, đi chục bước chân là gặp những bụi tre ven đường, bên bờ ao. Nhiều ngôi nhà được bao kín bởi những bụi tre. Con chó, con gà khó tìm được chỗ chui qua bụi tre.
Trong những ngày hè oi bức, đám trẻ con ngồi bệt dưới chân lũy tre, nghe người già ngồi trên chiếc chõng tre, tay cầm chiếc quạt nan bằng tre vừa phe phẩy vừa kể chuyện. Đó là câu chuyện của ngày xưa, chuyện vừa rồi của làng. Khi gà chuẩn bị lên chuồng, từng đàn cò bay về đậu trắng ngọn tre. Thỉnh thoảng người ta lại chỉ cho nhau những con rắn ráo đang quấn mình trên cành tre.
Dưới chân bụi tre ven ao vọng lên tiếng chim cuốc kêu gọi hè cô đơn, da diết. Lũy tre làng được trồng từ bao giờ không ai biết. Khi tre mọc dày quá lại được chặt tỉa một số cây, đánh bỏ những gốc tre cho măng tre mọc lên. Cứ vậy, lũy tre tồn tài từ đời này qua đời khác.
Tre sống được ở mọi nơi, tồn tại trong mọi thời tiết. Giông bão có thể làm đổ cây cổ thụ nhưng không làm bật gốc tre. Gió mạnh lắm chỉ làm gãy ngọn vài cây hoặc làm tre nghiêng ngả vào nhau. Tre có hoa, sau mỗi lần ra hoa cây sẽ chết.
Có người nói trồng tre bằng cách gieo hạt. Tôi chưa thấy hạt tre thế nào. Muốn gây bụi tre mới, người làng đánh gốc tre rồi đào hố, rải bùn rác trộn phân chuồng xuống hố, trồng gốc tre. Sau đó lấy rơm ải trộn bùn ao đắp lên đầu gốc tre. Ít ngày sau, gốc tre nảy mầm, lá non trổ ra từ mắt tre và đến một ngày, cạnh gốc tre có măng nhú lên, phát triển thành cây thành bụi.
Tre có cây đực, cây cái. Tre đực thấp hơn, bé hơn nhưng thân tre dày chắc hơn tre cái. Gai tre đực to và cứng hơn gai tre cái. Thân cây tre đực không thẳng như cây tre cái. Trong một bụi tre, số cây tre đực rất ít. Nếu đánh gốc tre đực trồng một chỗ riêng biệt thì sau này nó sinh nở, phát triển thành một bụi toàn tre đực. Tre cái không chỉ đẻ ra cây cái mà còn đẻ ra cả cây tre đực.
Tất cả các bộ phận của cây tre đều có ích cho con người: Thân tre dùng làm nhà cửa. Lá tre, tinh tre, màng ruột tre làm vị thuốc chữa bệnh. Cành tre để làm hàng rào, củi đun, gốc tre dùng để đun bánh chưng ngày Tết, rễ tre làm bàn chải cọ sân, giặt chiếu…
Tre làm nhà phải là tre già. Chặt tre vào mùa khô tre mới chắc, không bị ọp. Cây tre già ngâm dưới bùn ao để tăng độ cứng, độ dẻo, độ bền của tre lên nhiều lần, không bị mối mọt.
Cây tre luôn gắn bó với con người. Lũy tre, bụi tre là một phần kiến trúc của làng. Lũy tre bao quanh làng để bảo vệ làng. Không ai có thể trèo qua lũy tre, bụi tre. Tre chắn gió bão, ngăn các bầy côn trùng, thú dữ vào làng. Các luồng khí nóng, khí độc thổi vào làng bị lũy tre chặn lại. Tre hấp thụ bớt nhiệt và cái độc hại của luồng khí ấy.
Trong chiến tranh, tre được sử dụng làm vũ khí, làm công cụ phục vụ chiến đấu. Tre làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, che giấu cán bộ. Khi thiên tai lũ lụt, con người dùng tre để phòng ngừa, hạn chế thiệt hại.
Trong gia đình, từ cổng ngõ đến ngoài sân, trong nhà, dưới bếp nhìn chỗ nào cũng thấy sự có mặt của tre: Nhà cửa, bếp, chuồng trâu bò, chuồng lợn, chuồng gà được làm bằng tre. Đồ dùng như giường, phản, tủ, bàn, ghế, rổ, rá, nong, nia… bằng tre, các phương tiện vận chuyển như cầu, thuyền đò, bè mảng, quang gánh… cũng làm bằng tre.