Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẹo kéo của tuổi thơ

Kẹo kéo gắn với ký ức ấu thơ của nhiều đứa trẻ ở nông thôn thời còn khốn khó. Để có được chiếc kẹo thơm ngọt, lũ trẻ phải gom tóc rối của bà, của mẹ hay mảnh chai đem đi đổi.

Ky uc lang que anh 1

Với nhiều người, kẹo kéo là món quà vặt chứa nhiều kỷ niệm. Ảnh: T.N.

Những người đi qua làng còn trong ký ức tuổi thơ tôi. Mỗi người một dáng vẻ, một công việc nhưng tất cả đều là người thiên hạ. Họ thuộc đường, ngõ xóm làng tôi như người làng. Có người chân bước đến đâu, người làng biết đến đấy bởi tiếng rao của họ.

Tiếng rao rất ngắn, rất mộc nhưng khi họ cất lời nghe như câu hát. Nó thân quen với tất cả người làng, được nhiều người chờ đợi. Có tiếng rao đem lại niềm vui sướng cho nhiều đứa trẻ. Như tiếng rao của người làng Đơ Đồng: “Ai lông gà lông vịt tóc rối đổi kẹo đê”.

Nghe tiếng rao, đứa trẻ trong nhà vội chạy ra ngoài đường nói như reo: “Bác ơi đợi cháu một tí nhé”. Rồi chạy vào trong nhà tìm cuộn tóc rối. Cuộn tóc rối được gom bằng cách, sau mỗi lần bà hay mẹ chải đầu, nó vơ, nhặt từng sợi tóc rụng.

Đợi ngày hôm nay đổi chiếc kẹo mạch nha. Để được ngậm, được mút, được cảm nhận vị thơm thơm ngọt ngọt của kẹo dính dính nơi đầu lưỡi. Đứa bạn cùng xóm xin, quý lắm nó mới cho mút chiếc kẹo một, hai lần nhưng lần nào cũng dặn: “Mút nhẹ thôi nhé!”

Thời còn chiến tranh, những đứa trẻ ở quê hầu như không biết bánh kẹo là gì. Đứa nào được bà, được mẹ chiều, thỉnh thoảng cho vài xu ra quán nước đầu làng mua chiếc kẹo bột hoặc cùng lắm là chiếc kẹo vừng. Một chiếc kẹo cắn làm hai, làm ba chia cho mấy đứa là chuyện bình thường.

Có đứa trẻ nhà khác, tìm mãi không thấy mảnh thủy tinh mà nó nhặt được ở bờ rào nhà hàng xóm rồi cất vào góc chân bể nước. Nó liền hỏi u. U bảo mày để ở đâu thì vẫn ở đấy. Ai động đến làm gì. Nó vừa khóc vừa kể: Lần trước nó đã mang ra đổi kẹo nhưng người ta chê dính đầy đất, không đổi cho nó. Nó mang ra rãnh nước rửa, bị đứt tay chảy cả máu. Giờ tìm chẳng thấy đâu?

Chị nó đi học về hỏi làm sao em khóc? Nó chẳng trả lời mà hỏi lại. Chị có thấy mảnh chai của nó không? Chị nó bảo không biết của em, chị mang góp vào quỹ Khăn Quàng Đỏ của lớp. Nó vừa gào vừa lăn ra sân bắt đền. Chị đền cho nó bằng đồng năm xu. Đồng tiền được mừng tuổi từ Tết mà chị nó vẫn để dành.

Hai chị em chạy đuổi theo người mua lông gà lông vịt để mua kẹo. Người mua lông gà lông vịt bảo năm xu chỉ mua được một chiếc kẹo. Thấy chị nó buồn hẳn đi, người mua lông gà lông vịt nói tiếp: “Thôi bác bán cho hai chị em mày hai chiếc”. Chị nó “vâng ạ” rồi đưa đồng năm xu ra.

Người mua lông gà lông vịt lấy chiếc que nhỏ và dày như chiếc thìa ăn bột của trẻ con, chọc vào liễn kẹo mạch nha vừa trong vừa óng ánh màu cánh gián. Khi bà bán kẹo bẩy nhấc chiếc que lên, chiếc que kéo theo sợi kẹo chảy dài, mảnh như sợi tơ hồng.

Sợi kẹo kéo được quấn rất khéo theo chiều chéo lên chéo xuống, theo chiều ngang chiều dọc vào đầu chiếc que tre. Chiếc kẹo to bằng quả mơ, nhìn rất đẹp. Nó giống như một cuộn len màu, nhỏ xíu. Mấy đứa trẻ đang chơi trên đường, cùng chạy lại xem.

Chúng chăm chú nhìn liễn kẹo, nhìn đường đi của chiếc kẹo từ tay người bán đến tay hai chị em nó. Khi hai chị em dắt tay chạy về nhà, trong đôi mắt long lanh, ngây thơ của bọn trẻ thoáng hiện ra nỗi buồn và ước muốn.

Ước muốn ấy trôi nhanh từ ánh mắt xuống cổ họng thành tiếng nuốt nước bọt. Tiếng ấy không phát ra âm thanh nhưng vẫn làm bà bán kẹo nghe thấy. Bà hỏi chúng có tóc rối, mảnh chai không. Chúng lắc đầu, bỏ đi.

Trịnh Văn Sỹ/ NXB Trẻ

SÁCH HAY