Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làng ven đô nhìn từ phố

Theo cuốn Đất lề quê thói thì nguồn gốc của làng Việt có từ thời truyền kỳ Hùng Vương, lúc đó gọi là “trang”.

Đã từ rất lâu, chữ “làng” luôn được mặc định là biểu trưng của hồn Việt, kể cả đấy là cách nhìn quan phương hay dân dã. Ca dao tục ngữ khuyết danh, rồi văn rồi thơ rồi nhạc rồi họa hữu danh, đều chan chứa đẫm đầy chữ “làng”. Nó thực sự xứng đáng tự hào là một di sản văn hóa phi vật thể.

Nhưng có một điều khá lạ về mặt hành chính, làng chưa từng là một đơn vị cụ thể được kỹ lưỡng đo đếm, thậm chí trên các bản đồ địa bạ chính thức cả xưa lẫn nay, tuyệt chưa bao giờ nó được vẽ.

Theo cuốn Đất lề quê thói thì nguồn gốc của làng Việt có từ thời truyền kỳ Hùng Vương, lúc đó gọi là “trang”. Tới triều Lý-Trần thì chính thức gọi là “xã”. “Trong sổ sách công văn triều Lê, làng được gọi là xã, thôn, trang, động, sách, trại, sở, phường và vạn.

Trang, động, sách, trại là xóm làng mạn rừng núi. Vạn là làng ven sông ven biển. Phường là làng của các nhà cùng làm một nghề”. (Sách đã dẫn - Nxb Văn Học 2016, trang 392). Ở một xuất xứ như vậy, câu chuyện trường thiên “từ làng lên phố” sẽ là một niềm vui hay nỗi buồn.

Tan van anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tu nguyen/Pexels.

Hà Nội ngày nay cũng như vài đô thị lớn khác ở ta, là một kiểu điển hình cho việc “làng hóa phố”. Ngay từ thượng bán thế kỷ XX, thời gió Âu mưa Á, chính quyền thực dân Pháp đã sáp nhập hàng trăm làng ven đô, hình thành nên một vành đai xanh với đặc trưng hoạt động sản xuất thủ công rồi buôn bán, nhằm cung cấp mọi sinh hoạt của thủ đô.

Và cùng thời gian, Hà Nội phần lớn được thành hình trên nền tảng những làng xã mà nó cứ “nuốt” dần dần vào trong quá trình phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà từ thuở manh nha cho tới cuối thế kỷ XIX, các công trình xây dựng dân dụng ở hầu khắp Thăng Long thành đều là những ngôi nhà được dựng bằng gỗ, tre, vách đất trộn rơm theo đúng mô hình nhà ở nông thôn.

Khu phố cổ kể từ thế kỷ XVII, chính là khu phố được tạo nên để quy tụ những cư dân có cùng quê cùng nghề sống dọc theo từng đoạn phố. Theo thống kê mới đây của các chuyên gia kiến trúc người Pháp, thì mật độ đình thờ tổ nghề ở mỗi phố Hà Nội, nhiều hơn hẳn chùa và đền.

Có phải vậy chăng mà sau khi làm ăn dư dật trở thành “đại gia phố”, thì sâu xa ở họ vẫn níu giữ một dấu vết nguyên gốc. Những giai thoại về cai Ba Thục người làng Nhân Mục hay cai Mơ người làng Tương Mai, là ví dụ cho việc làm nên cơ nghiệp từ lao động nghèo tay trắng. Họ là chủ sở hữu hàng chục ngôi nhà ở Hàng Đẫy, Cửa Nam và Hàng Đũa.

Những thương hiệu lừng danh của các nhà tư sản thời thuộc Pháp ở Hà Nội mà có chữ “Trạch” thường làm nghề may, có chữ “Cự” là làm tương, còn chữ “Vạn” thì xuất xứ làm nước mắm. Nhạc sĩ khét tiếng Hà Nội là Đoàn Chuẩn, vốn là công tử con nhà Vạn Vân. Có lẽ nhờ thế mà âm nhạc lãng mạn ở ông, luôn phảng phất một vị “mặn” độc đáo rất riêng.

Chính vì thế mà khái niệm “làng ven đô” là một khái niệm mở, càng ngày càng mờ. Làng Láng đã thành đường Láng. Làng Hòa Mục đã thành trung tâm khu Trung Hòa Nhân Chính sặc sỡ xanh đỏ, một khu ăn chơi sành điệu lừng danh kinh kỳ. Làng Phú Thượng lô nhô cao ốc dở ta dở Tây, mà giá nhà đắt đến nỗi mỗi mét vuông chung cư ở đây đã ngất ngưởng tới dăm bảy chục triệu đồng.

Nguyễn Việt Hà/NXB Trẻ

SÁCH HAY