Nét đẹp tĩnh mịch của một con ngõ nhỏ. Ảnh: Tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương. |
Người ở các nơi về Hà Nội thể nào cũng phải đến hai nơi: Bờ Hồ và chợ Đồng Xuân. Có thế mới hoàn thành chuyến “đi Hà Nội”.
Nước xanh cầu đỏ, tháp nhọn đền thiêng, hoa tươi cổ thụ… như thêu như dệt, như mời như đón. Phồn hoa tấp nập đấy, mà lâng lâng thoát tục cũng ngay đấy. Giữa những đua chen mà có nơi trầm lắng tịch liêu. Bật ra khỏi bao chật chội là mây bay, sóng đuổi thoáng đãng… Hồ Gươm đã thành niềm ao ước, say mê, lưu luyến của bao người.
Đồng Xuân lại khác, ấy là nói cái chợ thời chưa xây lại, thiếu một vật cần dùng, người này dặn, kẻ kia nhờ, cứ đến chợ Đồng Xuân là có, là xong. Nơi tập hợp mọi tài hoa, đủ trân thời, ngồn ngộn sản vật bốn phương tụ hội, từ hoa quả đến con cá, lá rau, quý hiếm trái mùa cũng có, từ hàng cao cấp lấp lánh đến cái tầm thường rẻ tiền như tờ giấy thấm, cái ngòi bút, con giống bằng bột nặn hay ngôi chùa bé bằng ngón tay để ông già gắn lên non bộ…
Đồng Xuân thành niềm hò hẹn, chỗ đi về, nơi thõa mãn nhu cầu cho trăm miền đất nước. Ai ở xa về chẳng phải đưa chân đến đó.
Với người Hà Nội thì hai nơi ấy đã thành quen thuộc, quen như nét mặt người vợ hiền lấy nhau từ thuở đôi mươi nay tóc đã ngả màu sương khói, quen như tấm áo suốt bốn mùa mưa gió nắng nôi, quen như chính tiếng nói, chính hơi thở, chính da thịt mình.
Có một nỗi nhớ khác, một niềm vui khác. Khi lòng ngổn ngang, khi trí không yên, cần một nơi tĩnh lặng mà trầm tư, sâu lắng, mà hồi tưởng hay kiếm tìm với lòng mình… có cái ngõ Tràng An kia. Cái ngõ mang tên rất xa xôi như thời gian kia, như hoài niệm với ngôi chùa cổ gần như bị quên lãng giữa phố phường. Nó hiện hữu đấy. Tràng An không còn là kinh đô, là thành đô, nhưng ngõ Tràng An vẫn gợi trong lòng bao vang bóng.
Ngõ Tràng An hiện diện như một nỗi bất ngờ, ngay giữa phố Huế làm nhiều người phải ngạc nhiên khi gặp ngõ. Ngôi chùa cổ với ba chữ đại tự “Tràng An tự” có gốc ba tiêu, có cây đại thụ, có khóm hoa mộc, thoảng một hơi mơ hồ ngâu chín, có thân cau như ngọn ô vẫy xóm thôn gần lại.
Tản văn Thú Lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn. Ảnh: H.H. |
Phố Huế, chợ Hôm vội vàng chen chúc ngay gần đấy nhưng chỉ mấy bước chân, ta đã ở một không gian khác, một thế giới riêng. Ngõ tưởng là cụt bỗng mở ra một ngã ba, chợt ngoặt một đường thẳng. Phải chăng ngõ là một cây dương cầm chứa đầy bí mật hay một sợi dây đàn bầu, càng chạm đến càng hứng khởi lạ kỳ.
Mùi nhang thơm, tượng Phật vàng son lấp lánh, những tấm hình đã phai nước ảnh trong hương khói thời gian. Người thân của ai đó?
Người đã vội thiết kế cho tương lai chẳng nên vào đây, bởi một chút hoài niệm sẽ níu chân ta, một hương hoa cau làm ta nhớ nhung day dứt, một mái tóc xa xưa nào, một tiếng mưa trên tàu chuối làm đêm về khó ngủ. Lay động đến cả ngọn cỏ ven đường, giàn nho hoang dã. Ngõ Tràng An như một người già ký tên mình vào im lặng tịch mịch.
Bầu trời ở đây thu hẹp mấy vuông sân xanh lơ và trắng đục theo mùa làm bâng khuâng cả tiếng chuông tiếng mõ, câu kinh từng nghiêm cung nhè nhẹ như sợ Đức Phật cũng giật mình, sợ tường nhà xao xuyến. Làng quê nào đó nhỉ, lưng đồi đâu chẳng có đôi bờ lau, ngô mía xào xạc và dòng sông lững lờ xuôi về đâu chẳng biết. Không. Đó chỉ là ảo giác do tiếng chuông tiếng mõ dội trong ta.
Vào đây, lòng trần của người, phồn hoa của đất bon chen cũng nguôi ngoai đi phân nửa. Hãy chơi đùa đi em bé ngây thơ, chỉ có gió dệt mây trên giàn nho và ô nắng mặt hè, không xe cộ nào đe dọa được. Hà Nội không thể có ngõ thứ hai như Tràng An đâu, dù sau này lớn lên, em phải nhiều công đi tìm, đi khảo.
Hình như linh hồn người đã khuất chẳng muốn rời ngõ, cứ nhớ thương mà tản mạn bay về, lẩn khuất đâu đây trong ấm cúng khói nhang, trong mơ hồ siêu thoát. Bước hài thêu, nét giày nhung khua động không gian thấp thoáng sau cánh cửa ơ hờ chểnh mảng khiến mình tưởng sắp có một kỳ nữ trong Liêu trai chí dị bước ra.
[…]