Cảnh chùa nào ở Việt Nam cũng thường có những ngôi tháp. Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có cả một rừng tháp trên sườn đồi, to nhỏ thấp cao bằng gạch, đá phiến đá xanh. Đi trên đường Thanh Niên, tên cũ là đường Cổ Ngư, chạy nổi giữa hai lòng hồ: Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, ta cũng gặp những tháp nhấp nhô của chùa Trấn Quốc.
Ngay bên đường dọc phố Bà Triệu, tên cũ là phố Gia Long kéo dài, nổi lên giữa vườn chuối um tùm xanh mướt mát, là những ngọn tháp của chùa làng xưa dù chưa xa lắm, chùa Vân Hồ, gợi chút niềm u tịch giữa phồn hoa.
Quanh hồ Gươm, ngoài tháp Bút, đài Nghiên bằng đá xanh do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu dựng khoảng năm 1865, hàng ngày vẫn viết lên trời xanh lồng lộng thì còn một ngôi tháp nữa xây bằng gạch mộc đã rêu phong, thứ gạch Bát Tràng già như sành, nâu thẫm, kiểu tháp rỗng có bốn cửa tò vò, hai tầng, trên cùng là bầu rượu.
Đây là di tích, một công dân đặc biệt cả Hà Nội đã hơn một thế kỷ, còn sót lại của một Thăng Long, Kẻ Chợ, Kinh kỳ, Hà Nội. Tháp được xây dựng năm 1846 là một phần nhỏ của khu đền Quan Thượng nguy nga, do tổng đốc Nguyễn Văn Giai xây, gọi là chùa Báo Ân, đã bị tàn phá hết, thay vào đấy là phủ Thống sứ và nhà Bưu điện.
Hồ Gươm thuở ấy chưa có đường chạy quanh hồ. Tháp đứng bên một hồ sen sát cạnh hồ Gươm, trong sân chùa lấp lánh hàng trăm mái ngói và hàng trăm khung cửa nên ca dao có câu: “Gần xa nô nức tưng bừng/ Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên”.
Tháp Hòa Phong nhỏ bé, bốn chân cột vuông mập, chắc, gợi bốn chân gác Khuê Văn nơi Văn Miếu. Tầng trên kín đặc, không có gì đặc biệt. Còn chạm vào không gian là một hồ lô rượu có quai đeo uốn lượn, có lẽ để hứng lấy sương mưa cho say lòng người, nếu ta có phút thư thái, dừng chân lại ngắm, nghe hồn Hà Nội vọng về, âm vang một quá khứ anh linh, cũng thấy mắt mình nghiêng ngả mơ hồ của men trời đất, cùng câu thơ não dạ của Bà Huyện Thanh Quan: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn chau mặt với tang thương”.
Xuân thu nhị kỳ, hoa lộc vừng bừng đỏ trôi dập dềnh cạnh tháp.
Mùa hè, nhạc sĩ ve sầu hòa tấu đàn vĩ cầm réo rắt. Mùa thu mây lang thang dắt cô bán cốm Vòng vào thành phố… không hiểu hồn tháp có rũ những giọt sương khuya để hoài cảm cùng dòng thời gian hiện hữu. Kiếp gạch đá vốn bền hơn một kiếp người, dù gạch đá là con đẻ của bàn tay người sáng tạo. Không có sử sách nào ghi lại tên tuổi của tác giả ngôi tháp Hòa Phong ấy, nhỏ nhoi mà bền bỉ, trầm tư mà âm vang, có hình bát quái ở bốn mặt tháp hướng ra bốn phương.
Cũng là thường tình khi có người thờ ơ, có con mắt lạnh lùng lướt qua mà quên tháp. Tháp vẫn cứ nói tiếng im lặng của mình,về một khí thiêng bằng những hàng gạch xây thẳng chỉ, bằng khối vuông và cửa vòm như bốn chiếc cầu vồng.
Nào đâu phải chỉ có chiều cao chất ngất mới cuốn hút mắt người. Giông bão xứ này vốn tàn bạo vần vũ nên tháp phải khiêm nhường thấp hơn mấy tàng cây, những si, những đa, những liễu.
Nhưng tháp bền gan, vững vàng, thẩm thấu không biết bao nhiêu hình ảnh con người đã đi bên tháp, đã chui vào lòng tháp như chiếc cổng chào, có cả tiếng rao hàng chiều hôm, ánh đèn khuya khoắt, người đã vào thiên cổ nhưng hồn còn phảng phất với Hà Nội.
Hòa Phong không phải là tháp Báo Thiên của chùa Báo Thiên cũng đã mai một, nhường đất cho Nhà thờ Lớn bây giờ. Hòa Phong là một người khác, có tên riêng, đời riêng, không lẫn lộn với bất cứ ngôi tháp nào trước đó hay sau đó.
Hà Nội còn khá nhiều di tích đang được chiêm ngưỡng mà suy ngẫm. Hòa Phong là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng thời gian của Hà Nội, là cái để ta đi tìm dư ba không nắm được, nhưng vẫn sóng sánh trong hồn người, tựa như con ngõ nhỏ Tràng An, Phất Lộc, nao nao con thuyền buồm xứ Nghệ ghé lên, cái trạm đưa tin về các ngả đường thiên lý (nên còn có tên là phố Ngõ Trạm)…
Đó là cột trụ chống trời hình tám cạnh Kỳ Đài có hoa thị đậu vào tường rải rác, là bông sen Diên Hựu nổi giữa hồ sen (tức chùa Một Cột) đã trở thành biểu tượng cho kiến trúc Hà Nội mấy thời, là Khuê Văn Các thanh thoát còn mang dáng các văn nhân tài tử…
Gần gũi với đời thường, ngược xuôi xe cộ, ồn ã sớm khuya, ngay cạnh phố Đinh Thiên Hoàng, gần ngã tư Hàng Khay, Tràng Tiền, tháp Hòa Phong đã có lúc là chỗ trú chân qua cơn mưa của người chờ xe điện, là nơi ngồi bán sáo trúc của bác già mù, trong khi chờ khách bác cũng véo von một khúc Hành Vân hay câu “sa mạc” đầy hơi thở quê hương…
[…]