Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhộn nhịp chợ hoa Tết của người Hà Nội   

Dù chỉ mua vài cành đào dăm, mấy bông thược dược, năm hay bảy cành violet tím nhưng người ra vẫn phải ra chợ dăm bảy lần để hưởng cái nhộn nhịp những ngày cận Tết.

Lang thang Ha Noi anh 1

Ảnh: Duy Hiệu.

Đó là cái chợ mỗi năm chỉ họp một lần và kéo dài bảy ngày đêm. Đến giao thừa, pháo nổ ran báo hiệu xuân sang mới hết phiên chợ. Chợ hoa Hà Nội đã thành biểu tượng của màu xuân, khắc sâu vào lòng người Hà Nội.

Chợ hoa Hà Nội có từ bao giờ không thấy sử sách ghi chép. Nhưng với người Hà Nội và cả nhiều người địa phương khác nữa, chợ hoa là một nơi hẹn hò chan chứa say mê mỗi độ xuân về, là niềm vui trong cái đẹp của thiên nhiên tặng con người.

Tết, có thể nào không có hoa? Những quầy bán hoa ở chợ Đồng Xuân, ở ngã tư Tràng Tiền, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Ngọc Hà, Cửa Nam, trước đền Bà Kiệu, đầu đường Điện Biên Phủ, Ngã Tư Sở, Gia Lâm… không đủ đáp ứng nhu cầu về hoa của những con người thanh lịch của đất nghìn năm văn vật.

Gần như cả Hà Nội gặp nhau ở chợ hoa. Người Hà Nội đi chợ hoa để đón xuân sớm, rước xuân về nhà trước, để gặp nhau, ngắm nhau, để thầm hẹn cùng cái đẹp, cùng hương sắc đất trời.

Lang thang Ha Noi anh 2

Tập tản văn Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn. Ảnh: H.H.

Từ cụ già râu tóc trắng như cước đến chàng trai vừa biết tình yêu được gửi trao bởi cô gái thiếu nữ, đến em thiếu niên còn lạ lùng bỡ ngỡ với nhiều loài hoa mà bản thân cô đã là một bông hoa, từ một thi sĩ đắm say đến người thợ quen dùng sắt thép… đều gặp nhau ở đây, từ đầu ngã ba Hàng Cót, dọc phố Hàng Lược, rẽ sang phố Hàng Khoai, Hàng Mã, Hàng Chai, đầu Hàng Rươi… và đến cuối phiên chợ, hoa còn tràn sang đường Phùng Hưng, chợ Đồng Xuân, vườn hoa Hàng Đậu…

Chợ hoa có hai điều kỳ diệu, hai thứ đẹp nhất: Người và hoa.

Cái rét tháng Chạp Hà Nội có thể có nắng vàng, ra ngoài nắng có thể dấp dính mồ hôi nhưng vào trong bóng râm lại run người, cũng có thể có mưa phùn gió bấc, rét căm căm là điều kiện để trai thanh gái lịch “lên” những màu áo sắc khăn đầy hấp dẫn, gợi cảm pha quyện vào nhau thành bức tranh sinh động của họa sĩ tài hoa về màu sắc, một hòa âm tươi và đẹp trong trời xám bạc mùa đông.

Đó là những màu hoàng yến, đỏ cờ, da cam, cá vàng, thiên thanh, hồ thủy. Đó là màu nâu đỏ giản dị, đen trang nghiêm, xám già dặn, tím Huế mộng mơ, tím than kín đáo, tím hoa cà trẻ trung… và có cả những tấm áo quần có từng mảng màu chen vào nhau, màu nọ tôn màu kia, mảng này đùa vui mảng khác…

Trong cái rừng người đẹp ấy, có thể gặp màu áo rêu từ hải đảo, biên giới xa xôi về. Các anh về Hà Nội đi chợ hoa, để mang không khí và màu sắc của chợ hoa về đơn vị. Cũng có thể gặp các khách nước ngoài khắp năm châu bốn bể, cứ mỗi bước đi, con mắt họ lại bật ra những câu hỏi:

Đẹp đến thế này ư? Kỳ diệu thế này ư? Sao lại có thể kỳ diệu đến thế? Hà Nội là thế này à? Làm thế nào để rời Việt Nam mà không luyến tiếc?... Bởi họ được bơi trong sông hoa, được tắm trong hương sắc, được hòa mình vào muôn khuôn mặt, vạn tiếng cười.

[…]

Băng Sơn/Huy Hoàng Books

SÁCH HAY