Nhiều bạn trẻ tái hiện lại phong cách thời trang của những thập niên trước trong ngày cưới. Ảnh: T.N. |
Thời nay.
Mỗi người có hàng chục bộ quần áo. Nhà khá giả, một người có vài chục bộ, hàng tá giày dép. Không ít chiếc áo, chiếc váy đắt tiền, mua về chưa mặc một lần đã bị bỏ quên. Khi phát hiện ra thì đã lỗi mốt, lại mang cho người khác. Quần áo không tủ nào chứa hết. Có gia đình dành hẳn một phòng làm kho chứa quần áo.
Ngày trước, chẳng nhà nào có tủ quần áo. Quần áo của cả nhà vắt chung lên một chiếc dây thừng, hoặc trên một cái sào để trong buồng.
Cô bé ngày xưa tì cằm lên vai mẹ, cảm nhận được nước mắt chảy trong lòng mẹ khi cô không có chiếc áo hoa ngày Tết, giờ đã làm mẹ, giống mẹ cô ngày trước. Lòng cô rất vui khi mua cho con bộ quần áo mới. Nhưng những đứa con của cô không giống cô. Chúng không có cảm xúc, không háo hức chờ đợi và tung tăng nói cười khi lần đầu được mặc chiếc quần, chiếc áo mới. Trong khoảnh khắc ấy, cô thấy mình không có được hạnh phúc như mẹ cô trước đây.
Thời trước.
Vải rất hiếm, nhà nước bán phân phối theo tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn cao nhất là phiếu năm mét (một người được mua năm mét vải trong một năm). Phiếu này của cán bộ cao cấp. Tiếp đến là viên chức, công nhân, dân thành thị. Tiêu chuẩn thấp nhất là dân nông thôn. Người chết cũng có tiêu chuẩn vải để khâm liệm, làm khăn tang, nhưng chẳng có đám nào đủ dùng.
Trong các loại vải, có loại sản xuất trong nước, có loại nước ngoài viện trợ. Vải đẹp, bền nổi tiếng nhất là simili, kaki, pôpơlin của Liên Xô, Tiệp Khắc. Vải dành cho nữ có lụa hoa, katăng, xatanh Trung Quốc. Các loại vải đẹp kể trên chỉ có phiếu năm mét mới được mua.
Tâm lý người nghèo ở nông thôn thường để dành tiêu chuẩn. Đợi cuối năm bán con gà, con lợn mới mua vải may áo Tết. Chẳng may gặp năm nhà nước không đủ vải bán, tiêu chuẩn còn cũng đành bỏ đi.
Có năm hợp tác xã mua bán ra thông báo: “Hết vải, ai còn tiêu chuẩn thì được mua bù bằng kim chỉ, hay diêm Thống Nhất”. Đã nhiều lần có trường hợp gia đình có tang cần mua vải trắng. Nhưng nhân viên bán hàng nói hết, chỉ còn vải đen.
Ngay cả cửa hàng bách hóa Hà Đông (thời bấy giờ thị xã Hà Đông có duy nhất một cửa hàng bách hóa) nhiều hôm cả quầy bán vải trống rỗng. Chỉ còn một, hai mảnh vải lẻ bày trong tủ kính. Bên cạnh mảnh vải là hàng chữ “Hàng mẫu không bán”.
Ngoài chợ đen, vài nào cũng có. Ai mua cũng được, chỉ có điều giá đắt “cắt cổ”, người dùng và mua bán vải phải giấu giếm chẳng khác gì việc ăn trộm ăn cắp.
Mua vải đẹp ngoài chợ đen may một bộ quần áo cho con thi đỗ đại học, khi lấy vợ lấy chồng, bố mẹ phải bán hàng gánh thóc (khoảng 50 kg) trong đó một công lao động chỉ tương đương 0,5 kg thóc.
[…]
Quần áo thiếu, guốc dép cũng thiếu, hầu hết mọi người quen đi chân đất. Chỉ dùng guốc dép sau khi rửa chân để lên giường đi ngủ hoặc có việc phải ra khỏi làng. Guốc đều là guốc mộc, dép cao su, dép nhựa tái sinh. Sau ngày miền Nam giải phóng có thêm loại dép đắt tiền: Sămpô, tông Lào. Giày thì có giày bata, giày bát kết do nhà máy Thượng Đình sản xuất.
Ngày làm đám cưới, khi lên tỉnh chơi, người ta mượn giày dép là chuyện bình thường! Có anh chàng mượn dép nhựa trắng lên Hà Đông chụp ảnh thi đại học, bị trấn lột mất dép. Mẹ anh ta bán thóc lấy tiền đền. Người chồng mắng vợ chiều con quá, mắng con sĩ diện hão nên mới xảy ra cơ sự này.
Bình luận