Bức tranh Dòng sông quê của họa sĩ Trần Nguyên. Ảnh: FB Trần Nguyên. |
Khi còn nhỏ, tôi có lần hỏi mẹ: “Dòng sông Nhuệ chảy qua làng và cánh đồng làng mình, dòng sông có trước hay cánh đồng có trước hở mẹ?”. Vừa ngạc nhiên vừa lưỡng lự, nhìn tôi mẹ bảo: “Chắc là dòng sông có trước”.
Từ xa xưa, con sông tưới tiêu nước cho các cánh đồng. Nó còn là huyết mạch giao thông. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các vùng chủ yếu bằng thuyền đò, bè mảng. Thời Pháp thuộc, người Pháp lấy sông Nhuệ làm ranh giới giữa Hà Nội và tỉnh Hà Đông.
Người làng Đa Sĩ kể lại, làng Huyền Khê ngày xưa tức Đa Sĩ ngày nay chưa có ai đi hết chiều dài con sông. Chẳng ai biết màu nước của các khúc sông có giống nhau không, dân các vùng gọi tên sông là gì, chỉ biết chắc một điều người Đa Sĩ xưa gọi sông Nhuệ là suối. Khúc suối chảy qua làng có màu huyền nên dân làng gọi là Huyền Khê. Suối có một bến, người thiên hạ gọi là bến Thuốc. Cũng từ ấy tên suối được đặt cho tên làng.
Người dân từ khắp nơi về bến lấy thuốc trong y viện của cụ Hoàng Đôn Hòa. Cụ Hoàng Đôn Hòa được người đời tôn là Thần y. [...] Thời gian chờ đến lượt họ kể cho nhau nghe những chuyện về khúc sông chảy qua làng họ, chuyện về ma, chuyện về những gì họ nhìn thấy.
Hai bên bờ sông hầu như không có làng mạc, nhà cửa; thỉnh thoảng lấp ló một đầu hồi. Mái nhà ấy là ngôi chùa, ngôi đền hoặc miếu làng. Cây cối mọc um tùm, nhiều đoạn rừng cây che lấp cả một góc trời. Những người làm công việc kéo thuyền bè đi ngược dòng sông không ít lần bắt gặp các khúc xương ống trên bờ. Họ cho là xương người bị hổ báo vồ.
Thời gian sau, thuyền qua những nơi này, không ai dám kéo, chỉ dùng con sào chống đẩy thuyền. Đêm cũng như ngày, thuyền bè dừng lại không đậu sát bờ. Khi neo thuyền, chủ thuyền phải rút ván. Nghỉ qua đêm, họ đốt lửa trên thuyền bè đến sáng để phòng thú dữ.
[...]
Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, tại vị trí giáp ranh giữa làng Đa Sĩ và làng Hà Trì, người ta bắc một chiếc cầu mới. Trụ cầu bằng gỗ, gầm cầu bằng những thanh tà vẹt, mặt cầu lát những tấm ván gỗ để bộ đội hành quân qua sông, phòng khi cầu Trắng, cầu Đen ở thị xã Hà Đông bị bom đánh sập.
Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm, tiến sĩ Hoàng Thế Xương, cũng trong thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 trên khúc sông chảy qua làng Đa Sĩ vẫn còn dấu tích của một số trụ của cây cầu mà người ta cho rằng do nghĩa quân Tây Sơn dựng lên để vượt sông, tiến vào kinh đô Thăng Long, làm nên trận thắng lịch sử ở gò Đống Đa.
Kết thúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, dòng sông Nhuệ chảy qua làng Đa Sĩ vẫn là dòng sông trong những câu chuyện mà người già đã kể. Trên rặng tre dọc bờ sông, cò đậu trắng ngọn cây.
Mùa nước lũ, bến sông bị ngập. Nước sông đục ngầu màu phù sa. Nước sông chảy xiết. Nước lũ cuốn theo gỗ, củi, tre, nứa từ thượng nguồn rồi mắc dày đặc sát bờ, phủ kín một phần mặt sông. Người làng gọi nhau ra vớt. Cây tốt dùng việc khác, còn lại làm củi.
Nhiều người mang cần câu ra sông câu chạch chấu, cá nheo. Người câu sông giỏi nhất làng là cụ Tũn. Có đêm chỉ vài tiếng ngồi câu, cụ câu được đầy một chiếc giỏ đại. Đa phần những con chạch chấu thời bấy giờ to như cổ tay, da vàng ươm. Qua mùa lũ, nước trong veo có màu xanh gần như màu nước biển, nhìn rõ đàn cá mương, cá bống kiếm ăn gần bờ.
Dòng sông gắn bó với người làng Đa Sĩ từ bao đời. Người ta tắm giặt ở sông, trâu bò, chó cũng được đưa ra sông để tắm. Mùa màng tươi tốt nhờ nước sông. Hơi thở khỏe mạnh của con người cũng nhờ một phần hơi thở của sông. Linh khí của sông cũng là linh khí của làng.