Bẵng đi mấy năm quay lại, thấy mâm chè là lạ, thêm cả màu xanh, đỏ. Vị cũng lạ nữa. Hỏi ra là các bà, các chị Đường Lâm đầy sáng tạo cho thêm cả lá dứa và gấc vào, màu vừa đẹp lại ngon đáo để.
Chè lam Đường Lâm giờ đã bớt mật đi nhiều so với mấy thế kỷ trước, cũng là để thích ứng với vị của khách đô thị lâu rồi sợ đồ ngọt. Trước là một cân bột, một cân đường, thì bây giờ chỉ nêm cỡ bảy, tám lạng.
Chè lam ấy là từ gạo nếp nổ thành bỏng, bỏng lại xay ra bột, bột ngào với đường mật, gừng giã, lạc vụn rồi đổ vào nồi quấy thành chè. Xong trải ra mâm cho nguội, thế là đã ra món chè lam. Nhưng đến đây rồi cũng chưa đủ đẹp, đủ ngon. Còn phải thêm gạo tẻ nổ bỏng rồi xay thành bột mịn như phấn. Miếng chè lam cắt nhỏ ngào với phấn bột ấy để khi ăn vừa đỡ dính tay, miệng đỡ bứ mà thơm hơn bội phần.
Ôi những miếng chè lam ngon nhất trần đời. Tôi mua hết sạch mâm chè về làm quà. Cô Hoa cắt thành miếng nhỏ rồi đóng túi nylon cẩn thận. Tôi hỏi hết gánh hàng rồi lấy gì mà bán. Cô kêu giờ vào sân làm tiếp mẻ khác, và hứa lần sau tôi về làng, dư dả thời gian cô sẽ cho xem trọn vẹn quy trình làm chè và làm bữa trưa cho tôi ăn luôn.
Qua mấy bánh chè lam mà chủ khách đã thành người quen. Đường Lâm thân thiết là thế, bình yên và tĩnh lặng là thế. Đi đến đâu cũng thấy mình được yêu mến, như thể từ nghìn kiếp đã sinh ra ở nơi này.
Bữa ấy là thu, tôi đã nếm đủ dư vị làng qua thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi vào Đường Lâm, tôi ngồi trong một ngôi nhà ngay lối đường cái gần cổng làng. Công trình này đã xây lại hoàn toàn bằng nguyên liệu mới nhưng vẫn theo lối cổ với tường đá ong và kèo cột gỗ.
Đường Lâm nên thơ không chỉ bởi những mái đình cổ kính, bởi rải rác rơm rạ và tiếng chuông nhà thờ mà còn là ơ hờ những sợi tóc tiên lõa xõa cho nắng chỉ được dừng bước bên thềm mà thôi.
Tôi tự rót nước vối trong chiếc tích ủ trong ấm giỏ, tự bật quạt rồi tự bóc kẹo lạc. Chủ nhà thì trước khi chạy đi đâu chẳng biết đã nói với lại: “Các bác cứ ngồi chơi”. Gian này thiết kế giống hệt quán cà phê, mấy bộ bàn ghế mây san sát trông ra vườn cây um tối.
Tôi hứng làn gió thu hanh hao làm se sắt những giọt mồ hôi sau một buổi sáng du ngoạn trên những con đường làng. Ngồi trong yên ả, thanh bình, thấy cuộc sống dường như trôi chậm lại, không còn đâu nỗi sốt ruột của hàng chục email giục giã những nợ nần công việc, những con đường tắc nghẽn giao thông, xe sau hối xe trước đi nhanh bằng tiếng còi chát chúa, những bụi bặm bốc lên từ đường phố và cả những lời dằn hắt của một người bán hàng ngoài chợ khi không vừa ý.
Nơi này dường như không thứ gì chuyển động, không thứ gì vội vã ngoài những sợi tóc tiên thi thoảng đu đưa trong heo may và vài chú chim sà xuống sân nhặt cơm rơi.
Thảng hoặc có đôi thanh niên châu Âu lưng đeo ba lô chậm rãi đạp xe qua những rơm rạ. Họ đi khắp làng bằng những chiếc xe đạp giá rẻ từ một ngôi nhà cổ nào đó.
Kẹo lạc bỗng ngon hơn bình thường. Cái thức quà ăn chơi bình dân bằng lạc và đường cát ấy, lại quện với thứ nước uống rẻ tiền sao mà hợp nhau đến thế. Một hớp nước vối ấm kèm miếng kẹo lạc giòn tan, thơm lừng vị mè trắng và đường nướng cháy.
Vị làng ngon là thế, mà không hiểu sao, cũng chè lam ấy, kẹo lạc ấy, bánh tẻ ấy, tôi lỉnh kỉnh mang tuốt về nhà, ngồi salon xem HBO ăn nó không được ngon bằng. Bỗng đâm tiếc. Hẵng để vị làng ở đúng chỗ của nó mà thôi. Ăn kẹo lạc ở ngõ làng, vị của nó còn trộn với bùi rơm rạ, lúa đòng và cả hương tóc tiên nữa. Dù tôi chả biết tóc tiên có mùi hay không.