Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu là gì?

Mình yêu cơ thể của mình, nhưng mình lại làm rất nhiều việc khiến cơ thể bị tổn thương.

Tuệ Uyển ủ rũ mở cửa nhà bạn thân. Hai tuần trước, cô kéo theo hành lý nặng trĩu đặt chân đến Chiang Mai. Sau khi rời khỏi Ôn Châu, gia đình bốn người của Trình Cẩm đã mua một căn biệt thự ở nơi đây.

Trước khi thuê được chỗ ở ưng ý, Tuệ Uyển đành tạm thời ở nhờ nhà bạn. Tuy Trình Cẩm bảo rằng cô có thể ở đây cho đến khi lấy chồng luôn, nhưng Tuệ Uyển vẫn thầm lên kế hoạch tương lai cho mình.

Thời tiết ở Thái Lan nóng bức, do lạ nước lạ cái nên cô không tài nào ngủ yên. Lúc cởi bỏ đồ nội y đi tắm, nhìn cơ thể mình trong gương, cô chợt cảm thấy chán ghét. Cô đau khổ sờ lên vết sẹo dài 3cm, “Ai sẽ thích nó chứ? Mình không hề lành lặn...”

Nghĩ đến đây, không hiểu sao Tuệ Uyển bắt đầu thút thít, cô không nhớ được đây là đêm thứ mấy mình khóc thầm thế này. Cô giống như đứa trẻ bị bỏ rơi, nằm co ro một chỗ, hơi thở càng lúc càng gấp gáp, cảm giác sợ hãi khiến cô choáng váng.

Cô nhanh chóng cầm lấy xâu chuỗi Bồ Đề trong túi áo khoác cạnh giỏ đựng đồ giặt, đó là món quà chia tay do chị Thiên Sứ tặng. Cô thầm niệm những lời thiền quen thuộc “Hãy lắng nghe hơi thở của chính mình...” Nhưng hơi thở lại lộn xộn như cách bày trí gian hàng ở phiên chợ cuối tuần, vừa ngắn vừa nông, khiến nửa người trên khó chịu và cơ bắp đau nhức.

“Tôi nhận thức được hơi thở của mình, và tôi ý thức được lúc này mình đang điều chỉnh nhịp thở.” Tuệ Uyển hít sâu bằng mũi, đếm 1, 2, 3, 4 rồi từ từ thở ra bằng mũi, 1, 2, 3, 4, 5, 6, “Mình chỉ tập trung vào hơi thở, cố gắng thở chậm lại, chậm thêm chút nữa...”

Yeu anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: RF._.studio/Pexels.

Cô cảm giác tim mình dần trở về đúng vị trí của nó, cơ thể như một đóa hoa từ từ nở rộng ra theo nhịp thở một cách tự nhiên. Tuệ Uyển nhạy cảm phát hiện được rằng những khối cơ căng cứng của mình đã dần giãn ra theo từng nhịp thở chậm đều.

“Mình thật sự đã làm được rồi.” Cô muốn báo tin vui này cho chị Thiên Sứ ngay lập tức.

Mặc dù hít thở vốn là hoạt động cơ bản và tự nhiên nhất của con người, nhưng nó lại là bộ phận quan trọng nhất trong việc vận hành các cơ quan chức năng trong cơ thể. Tất cả các cơ quan muốn hoạt động đều phụ thuộc vào hơi thở. Cách chúng ta hít thở không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong mà còn ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe và cảm xúc tâm lý của chúng ta.

Ví dụ, khi bị ốm, ta sẽ chú trọng đến những thay đổi trong nhịp thở, khi tiến hành chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ lưu ý đến điều này. Ngoài ra, khi xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi, căng thẳng, lo âu, hơi thở của chúng ta sẽ trở nên gấp gáp; còn khi bình tĩnh lại thì hơi thở sẽ sâu và chậm hơn.

Hệ thần kinh của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu hít thở không đúng cách. Trong cuốn Khoa học về hơi thở, William Walker Atkinson đã nói: “Não, tủy sống, trung khu thần kinh và chính dây thần kinh, trong quá trình trao đổi chất, lưu trữ và dẫn truyền các xung thần kinh, sẽ suy giảm chức năng do thiếu máu.

Nếu lượng oxy hấp thụ qua phổi không đủ, sẽ khiến máu và các cơ quan lâm vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Các nơ-ron thần kinh cũng như sự dẫn truyền thần kinh cũng có thể bị suy yếu do ta thở không đúng cách.”

Khi một người hít vào là thời điểm thần kinh giao cảm đang hoạt động, khi thở ra là thần kinh phó giao cảm đang hoạt động. Hít thở sâu và chậm có thể giúp chúng ta ổn định hiệu quả các dây thần kinh giao cảm, duy trì sự cân bằng các chức năng của cơ thể, thoát khỏi trạng thái hưng phấn hoặc căng thẳng.

Bởi khi dây thần kinh giao cảm căng thẳng, máu sẽ dồn vào phần cơ bắp, gây tình trạng thiếu máu cục bộ trong các cơ quan nội tạng, từ đó mất cân bằng trong quá trình tuần hoàn của các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, hít sâu và thở đều có thể cung cấp lượng máu cân bằng cho các cơ quan và các tế bào khác nhau bên trong cơ thể con người.

Thói quen thở bằng mũi đúng cách có thể giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ và tránh xa bệnh tật. Đồng thời, việc thở ra thật chậm giúp dây thần kinh phó giao cảm hoạt động hiệu quả, tác động tích cực đến hoạt động của não, duy trì cảm xúc ổn định, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Khi hít thở, nếu thời gian thở ra dài hơn thời gian hít vào, nhịp thở chậm và đều, chẳng hạn như việc áp dụng phương pháp luyện tập hít thở bằng mũi đã đề cập trong bài, hít vào 4 giây và thở ra 6 giây, nó có thể kích hoạt dây thần kinh phó giao cảm của chúng ta, từ đó cải thiện các vấn đề do rối loạn thần kinh thực vật gây ra...

Tuy nhiên, “Yêu là gì?”, đây là câu hỏi mà chị Thiên Sứ đã bảo Tuệ Uyển suy nghĩ rõ ràng khi cô rời Thượng Hải.

“Mình yêu cơ thể của mình, nhưng mình lại làm rất nhiều việc khiến cơ thể bị tổn thương, vết sẹo này chính là sự trả thù mà cơ thể dành cho mình.” Tuệ Uyển mơ hồ nhớ lại cảnh cô bước vào phòng phẫu thuật...

Ceci Từ Vũ/Nanubooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam

SÁCH HAY