Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ám thị là gì?

Ám thị là một ý tưởng được biến thành hành động, và phương tiện hành động của bạn chính là ngôn từ tích cực.

Tổng kết 1

- Ám thị là một ý tưởng được biến thành hành động, và phương tiện hành động của bạn chính là ngôn từ tích cực. Hãy dùng ngôn từ tích cực như “đôi tay” hành động để hiện thực hóa các ý tưởng tích cực đối với cơ thể bạn.

- Quy luật về nỗ lực bị thuần hóa: Ý chí không chỉ bất lực trước sự ám thị mà còn có tác dụng củng cố sự ám thị mà nó đã tìm cách tiêu diệt. Ý chí vốn là cứng nhắc, có năng lực tập trung thúc đẩy chứ không có năng lực định hướng. Sự ám thị giúp định hướng mục tiêu tập trung của ý chí. Ý chí không thể tiêu diệt được sự ám thị mà còn bị sự ám thị sử dụng.

Phần 1: Cuộc phỏng vấn giữa Émile Coue và từng người đến phòng khám và đối thoại chung, cho phép Coué xác định trạng thái tinh thần của người bệnh.

Tất cả người bệnh ngồi thành vòng tròn xung quanh Émile Coué. Họ rất đông, với đủ hết mọi loại bệnh tật trên đời, hoặc gần như đủ hết. Với bản chất tốt bụng không màu mè, ông quan tâm đến từng người. Ông hỏi thăm tình hình những người đã thử phương pháp của ông để “tự chữa bệnh” - giống như cách ông vẫn hay gọi.

Ông hỏi thăm những người mới đến về tình trạng sức khỏe của họ, cho họ lời khuyên và động viên họ. Đối với những người mới đến lần đầu, ông còn hỏi lý do họ đến đây thăm khám, và họ đang bị đau nhức như thế nào.

Một người phụ nữ đã có chồng tìm đến Coué do bị đau bụng và tê cứng chân tay, gặp khó khăn trong việc đi lại. Ông nói: “Thực ra bà chỉ đang chưa hết sức bước đi đó thôi! Nào, hãy đứng lên và đi thử cho tôi xem, đi nhanh hơn, nhanh hơn nữa nào!” Sau đó, người phụ nữ ấy đã chạy theo sau Coué xung quanh phòng. Bà tỏ vẻ hài lòng khi thấy mình đã bước đi, thậm chí chạy, dễ dàng hơn nhiều so với trước đó.

Am thi anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: lucas souza/Pexels.

Coué nói chuyện với một bà cụ già bị điếc và mắc chứng sưng gan thế này: “Cụ bị gì vậy, thưa cụ? Cụ bị điếc ạ? Không, không, cụ đâu có điếc vì cụ vừa trả lời câu hỏi mà cháu đã hỏi cụ mà!”

“À vâng, nhưng ông đã nói to, đó là lý do tại sao tôi có thể nghe thấy ông.”

“Phải, không có bệnh điếc nào tệ hơn là bệnh điếc của một người không muốn nghe!”

“Ồ! Nhưng mà đâu có phải là tôi không muốn nghe! Tôi bị điếc mà!”

“Nhưng chính cụ cũng thấy rất rõ rằng cụ không điếc vì cụ hiểu được những gì mà cháu đang nói mà!” Ông bật cười và hỏi tiếp: “Cụ còn bị đau ở chỗ nào nữa không?”

“Tôi bị sưng một bên gan.”

“Cháu đâu có hỏi cụ bị sưng chỗ nào! Cháu hỏi cụ bị đau ở chỗ nào cơ.” Coué dùng phương pháp của mình để xoa dịu cơn đau cho bà cụ. Vừa nói “Nó đang đỡ hơn, nó đang đỡ hơn”, ông vừa đưa tay xoa nhẹ lên chỗ đau. Người phụ nữ lặp lại rất nhanh theo Coué: “Nó đang đỡ hơn, nó đang đỡ hơn, và tôi đang cảm thấy tốt hơn rất nhiều.”

Một người đàn ông Ba Lan bị bệnh gan đã đến buổi khám cùng vợ mình. Coué nói chuyện với họ bằng tiếng Đức. Các cuộc trò chuyện của Coué với bệnh nhân thường như sau: “Còn quý cô, cô có cần giúp đỡ không?”

“Thưa ông, ông có một khối u trên lưỡi cần phải phẫu thuật. Tôi không thể khẳng định với ông rằng nó sẽ được chữa khỏi. Có thể ông sẽ chữa được nhưng tôi không khẳng định điều đó. Đối với một số người, tôi nói rõ ràng: Bạn sẽ được chữa khỏi, vì tôi tin chắc điều đó. Nhưng có những trường hợp tôi phải nói: Có thể bạn sẽ được chữa khỏi. Tôi nói có thể thôi. Điều đó không có nghĩa là tôi khẳng định bệnh sẽ khỏi, mà cũng không có nghĩa là ngược lại.”

“Còn ông thì sao?”

“Ồ! Tôi khỏi bệnh rồi! Tôi bị mắc chứng suy nhược thần kinh trong ba năm. Tôi chỉ mới đến khám ở chỗ ngài Coué có sáu lần và bây giờ tôi đã khỏi bệnh rồi!” Người đàn ông nói với những người có mặt.

“Tôi xin chúc mừng ông. Thật tốt khi bệnh đã được chữa khỏi!

“Còn ông, thưa ông? Đau ở phần thân bên phải đúng không?”

“Vâng, nhưng nó sẽ hết đau thôi, thưa ngài Coué!”

“Ông hay nói rằng mình không sử dụng ám thị, nhưng tôi thấy ngược lại, ông sử dụng nó rất tốt đấy chứ!”

“Thưa ông, ông bị hen suyễn à? Cách đây ít lâu, ở đây cũng có một người mắc bệnh hen suyễn đã lâu. Cuối cùng, ông ấy đã có thể đi lên đi xuống cầu thang mà không bị khó thở chút nào. Tôi biết một ca mắc hen suyễn khá thú vị, đó là trường hợp của ông, ở London.

Ông ấy đã mắc bệnh hen suyễn trong suốt 25 năm, và ông ấy đã phải thức trắng đêm trên giường để cố gắng tìm một cách nào đó giúp thở dễ dàng hơn, nhưng ông không thể làm được. Còn quý ông này sau khi đến đây chưa đầy ba tuần thì đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Khi rời khỏi đây, ông ấy đã đến Chamonix1 để leo núi đấy. Ngày hôm sau, ông ấy đã leo lên được một nghìn tám trăm mét, và ngày hôm sau nữa là hai nghìn một trăm mét. Ông ấy từng rất u buồn nhưng giờ đã trở nên dần vui vẻ hơn và vươn mình đầy sinh khí như một chàng trai trẻ vậy. Tôi rất hài lòng khi thấy ông ấy như vậy. Con gái của ông, cô M, cũng được hưởng lợi khi đến đây.”

“Còn bà, thưa bà?”

“Bàng quang tôi tốt hơn nhiều rồi. Không còn cặn lắng trong nước tiểu nữa. Tôi đã khoẻ hơn nhiều rồi. Nhưng vì tôi là một phụ nữ đã có gia đình, nên tôi muốn giặt giũ. Nhưng mà tôi đã làm quá nhiều, nên giờ tôi bị đau ở chân, đau đến nỗi khiến tôi không thể ngủ được.”

“Thật dễ dàng để thoát khỏi tình trạng này. Từ thời điểm bà cảm thấy bàng quang của mình ổn hơn, bà sẽ thấy những cơn đau này rất dễ chữa khỏi.”

“Còn bà thì sao? Bà bị đau ở tim đúng không?”

“Vâng, thưa ông, tôi đã được điều trị trong bệnh viện, nhưng tôi đã sớm rời khỏi đó, vì tôi chẳng thấy khá hơn chút nào.”

“Họ đã nói với bà rằng tim của bà không khỏe. Tim bà bị đập nhanh ư? Khi bà đi lên lầu, bà cảm thấy khó thở, đúng không? Chà, cách đây ít lâu có một người phụ nữ đã đến đây khám, và bà ấy cũng bị chứng tim đập nhanh. Bà ấy giờ đã có thể đi lên đi xuống cầu thang mà không gặp bất kỳ khó khăn nào cả. Ngay bây giờ, tôi sẽ rất vui nếu được thấy bà cũng làm được điều tương tự như quý bà kia đấy.”

“Thưa bà, có phải bà đang thấy rất chán nản đúng không? Tôi trông bà đâu có hề giống đang chán nản một chút nào. Bà đang cười mà!”

“Tôi phải cố để luôn vui vẻ, cố gắng tự an ủi mình!”

“Tự an ủi mình ư? Không, bà phải loại bỏ cảm giác đó đi! Đừng run. Tay hay chân không cần run! Nó sẽ không còn run rẩy nữa!”

“Nhưng tôi cảm thấy vậy.”

“Nhưng tôi nói với bà rằng tay chân bà không run rẩy!”

“Điều khiến tôi lo lắng nhất là cảm giác tê cứng mà tôi đang phải trải qua.” “Bà phải loại bỏ tất cả những nỗi lo lắng đó đi. Điều quan trọng nhất là bạn phải thả lỏng, không cần nỗ lực gì cả.”

“Bạn phải loại bỏ tất cả những nỗi lo lắng đó đi. Điều quan trọng nhất là bạn phải thả lỏng, không cần nỗ lực gì cả”.

Émile Coué/Bách Việt - NXB Phụ Nữ Việt Nam

SÁCH HAY