Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự kỳ diệu của hơi thở khi thiền

Thiền là một hình thức thay đổi ý thức nhằm nâng cao khả năng tự nhận thức và đạt được trạng thái thoải mái bằng cách bước vào trạng thái tĩnh lặng.

Chị Thiên Sứ nghe đến đây thì xúc động, mắt ươn ướt nói: “Bây giờ hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại và thiền với chị.” Tuệ Uyển lẩm bẩm trong lòng, “Không phải chị ấy định dùng bùa phép kỳ quái gì với mình chứ?” Nhưng cô không màng, cô cảm giác thần kinh mình luôn căng như dây đàn không sao thư giãn được. Khoảnh khắc nhắm mắt lại, cô cảm thấy cả thế giới đều trở nên tĩnh lặng.

Thiền là một hình thức thay đổi ý thức nhằm nâng cao khả năng tự nhận thức và đạt được trạng thái thoải mái bằng cách bước vào trạng thái tĩnh lặng. Trong khi thiền, não sẽ nghỉ ngơi hoàn toàn. Wolfgang Linden đã nói trong cuốn Tâm lý học lâm sàng rằng: “Thiền có thể làm dừng tác dụng trí tuệ và lý trí của vỏ não, khiến bộ phận thần kinh tự trị hoạt động... Nói đơn giản, là hành động mà tâm hồn tự giác đình chỉ mọi hoạt động bên ngoài của ý thức, đạt đến cảnh giới quên mình.”

Trong quá trình tập thiền, bạn có thể đặt ra mục tiêu như: dùng hơi thở, dùng một âm thanh nào đó hoặc một bộ phận cơ thể cần được thư giãn để rèn luyện khả năng tập trung của não. Đồng thời, hãy giữ cho ý thức của bạn tỉnh táo và cảnh giác, buông bỏ việc tư duy, phân tích, hồi tưởng và phán đoán các vấn đề, cũng như sự cố chấp ở quá khứ và sự kỳ vọng vào tương lai.

Không phải là để tâm trí hoàn toàn trống rỗng, mà là sẽ tập trung vào cảm giác bên trong, cảm nhận những gì đang xảy ra trong tâm hồn của bạn.

Thien anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Prasanth Inturi/Pexels.

Swami Rama đã nói trong cuốn Thiền rằng: “Thiền” (Meditation) là từ tiếng Anh kết hợp từ “thuốc” (Medical) và từ “chữa trị” (Medicated). Từ này bắt nguồn từ sự chú ý, chú ý vào ý nghĩa của một cái gì đó. Thiền là một phương pháp độc đáo, tinh tế và đúng đắn. Bài tập chú ý đơn giản này cho phép học viên có được sự hiểu biết toàn diện về cơ thể, hơi thở và tâm trí. Theo thời gian, niềm vui của học viên dần tăng lên, tư duy trở nên rõ ràng hơn và khả năng nhận biết cũng được cải thiện.

“Trước tiên hãy lắng nghe hơi thở của mình.” Chị Thiên Sứ như đang thôi miên.

Lúc này, Tuệ Uyển đang thở rất gấp, vì cô đang chìm sâu trong đau khổ, cô không ngờ rằng hơi thở của mình lại ngắn đến mức gần như khó thở.

“Hít một hơi thật sâu bằng mũi, sau đó từ từ thở ra bằng miệng...” Cô làm theo sự hướng dẫn của chị Thiên Sứ và dần cảm thấy hơi thở của mình trở nên nhịp nhàng hơn rất nhiều. Dường như cơ thể có nhiều không gian hơn để chứa đựng những cảm xúc tồi tệ mà trước đây không còn nơi nào để trút.

Sau vài lần điều chỉnh nhịp thở, cơ thể và đầu óc cô trở nên vô cùng tĩnh lặng. Cô chưa bao giờ nghiêm túc lắng nghe tiếng thở của mình đến thế. Mỗi lần hít vào, Tuệ Uyển cảm thấy như mình lại tiếp đầy năng lượng. Khi thở ra, những cảm xúc tiêu cực cũng tan biến đi.

Thỉnh thoảng, Tuệ Uyển nghĩ xem tiếp theo mình sẽ làm những gì, và một số khoảnh khắc cuộc sống không đáng nhắc tới sẽ lại hiện lên trong đầu cô, “Chuyện chú ý vào hô hấp đơn giản như vậy mà lại trở nên hết sức khó khăn.” Tuệ Uyển thầm nghĩ trong lòng.

“Nếu trong đầu em xuất hiện vài ý nghĩ và ý tưởng nào đó cũng không sao, hãy để chúng tự đến và tự đi. Chỉ cần chú ý hơi thở của mình một cách có ý thức là được.” Chị Thiên Sứ thấy được đôi đồng tử của Tuệ Uyển đang đảo qua đảo lại dưới mi mắt.

Lần này Tuệ Uyển bắt đầu tập trung toàn bộ sự chú ý vào hơi thở của mình một cách nghiêm túc. Đúng như lời chị Thiên Sứ, cô cảm nhận được sức sống tràn trề qua hơi thở sung mãn, cảm giác mình như lạc vào tiên cảnh.

“Tiếp theo, hãy đặt tay trái lên ngực mình.” Tuy Tuệ Uyển không biết tại sao phải làm như vậy, nhưng kỳ lạ thay bàn tay cô bất giác làm theo sự dẫn dắt của chị ấy, “Dùng cách này để kết nối với đứa trẻ bên trong, em như thể nhìn thấy một đứa trẻ ở sâu trong nội tâm mình, càng lúc càng gần, càng lúc càng rõ nét, thậm chí có thể miêu tả được hình dáng của đứa trẻ đó...”

Những lời này tựa như có ma lực, cô bỗng nhìn thấy dáng hình một đứa trẻ cô độc đang cố chạy trốn khỏi mình thật xa, chỉ để lại bóng lưng giận dữ và buồn bã. Tuệ Uyển vừa định hỏi “Sao em lại bỏ chạy?” thì đứa trẻ đã mất tăm mất tích. Một giọt nước mắt lành lạnh, mặn đắng vô thức trào ra nơi khóe mắt Tuệ Uyển, gương mặt cô cũng bắt đầu nhăn nhó.

Chị Thiên Sứ nhận thấy sự khác thường của Tuệ Uyển, “Dù đứa trẻ bên trong của em bây giờ như thế nào, cứ nói với nó rằng: Chị thấy được em, sẵn sàng ở bên em, chờ đợi em và cùng em trưởng thành... Nếu thích thì em có thể ở lại đây thêm vài phút nữa.” Chị Thiên Sứ ám thị với cô.

Từng câu từng chữ ngọc ngà chữa lành cho đứa trẻ bên trong, Tuệ Uyển như chợt hiểu ra gì đó...

Khoảnh khắc này tựa như trôi qua rất lâu, cô chưa bao giờ thấy bình yên đến thế, nó giúp cô tạm thời quên đi quá khứ đau khổ.

“Hãy từ từ khôi phục ý thức, chuẩn bị xong thì hãy mở mắt ra.” Cô được đánh thức bởi sự dẫn dắt của chị Thiên Sứ. Khoảnh khắc mở mắt ra, cô cảm giác như mình đã được gột rửa hết những muộn phiền, chỉ còn bình thản và bình yên. Đôi mắt sáng hơn bao giờ hết, như thể cô có thể khám phá thế giới một lần nữa, chỉ vài phút ngắn ngủi nhưng đã cuốn trôi đi cả tuổi thơ bất hạnh của cô.

Ceci Từ Vũ/Nanubooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam

SÁCH HAY