Những ngày ở Cáp Nhĩ Tân, cảm xúc của Tuệ Uyển có chút phức tạp. Một mặt, cô nhận thấy rõ ràng khả năng kiềm chế cảm xúc của mình đã tốt hơn trước, mặt khác mối quan hệ với mẹ vẫn còn chút “vướng mắc”, giống như gãi phải vết đốt do bị muỗi cắn, càng gãi càng ngứa.
Nghĩ đến có chút đau lòng, hành trình khám phá chữa lành để giúp con người ta trưởng thành thật sự quá dài, thậm chí hơi tối tăm. Tuệ Uyển muốn tận dụng khoảng thời gian này để đọc những cuốn sách do chị Thiên Sứ giới thiệu.
Nếu cha mẹ bạn không hiểu hoàn cảnh, không biết cách yêu bản thân, thì họ cũng không thể biết cách dạy bạn yêu bản thân mình. Họ chỉ cố gắng hết sức để dạy cho bạn những gì họ đã học được khi còn nhỏ. Muốn hiểu cha mẹ mình hơn, hãy lắng nghe tuổi thơ của họ nhiều hơn; nếu lắng nghe với lòng trắc ẩn, bạn sẽ hiểu nỗi sợ hãi và sự nghiêm khắc của họ đến từ đâu. Những người “đã làm điều đó với bạn theo cách này” sẽ có cùng nỗi sợ hãi và nỗi hoảng loạn như bạn.
- Louise Hay
Đọc xong đoạn này, Tuệ Uyển chợt nhận ra: “Thật ra... tính cách của mẹ có vẻ tốt hơn bà ngoại rất nhiều. Sau khi bà ngoại sinh bốn đứa con, ông bà đã ngủ riêng, lúc rảnh rỗi bà thường càm ràm mắng mỏ ông, phương pháp giáo dục con cái thường thấy của bà cũng đáng phê phán, chẳng có gì ngoài đánh đập, mắng mỏ, chắc hẳn lúc đó nội tâm của mẹ cũng giống như mình, luôn lo sợ bản thân làm không tốt hoặc mắc lỗi.
Nhưng tại sao mẹ không bao giờ phàn nàn với mình về ông bà? Hơn nữa trong mắt mọi người mẹ luôn là đứa con gái lớn ‘hiếu thảo’, và mỗi lần nhắc đến quá khứ, mẹ cũng chỉ kể qua loa như chuyện tầm phào. Có phải mẹ đã trút hết những giận dữ đó lên mình hay không?”
Ảnh minh hoạ. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels. |
Nếu giận dữ là năng lượng chủ đạo của một cơ thể đau khổ, còn bạn cũng suy nghĩ bằng một tư duy giận dữ, khi bạn nghĩ mãi về những gì người khác đối xử với bạn cũng như trăn trở về cách bạn định đối xử với họ, bạn sẽ trở nên vô thức. Cơ thể đau khổ sẽ thừa cơ tiến vào, và trở thành “chính bạn”. Tận cùng của phẫn nộ chắc chắn là đớn đau.
Tôi xin tóm tắt toàn bộ quá trình như sau: tập trung vào cảm xúc bên trong của bạn, nhận biết rằng đây là cơ thể đau khổ, chấp nhận rằng nó ở đó, đừng nghĩ về nó, đừng để cảm xúc biến thành suy nghĩ, không phê phán hay phân tích, không từ nó mà tạo ra một bản sắc cho chính bạn, duy trì sự hiện diện, tiếp tục là người quan sát mọi thứ đang xảy ra bên trong bạn.
Hãy nhận biết nỗi đau tinh thần của bạn, và cũng hãy lưu ý đến quan sát viên “thích quan sát” thầm lặng. Đây là sức mạnh của thời điểm hiện tại, sức mạnh của sự hiện diện có ý thức của bạn. Sau đó chỉ cần chờ đợi những gì diễn ra tiếp theo.
- Eckhart Tolle, Sức mạnh của hiện tại
Đọc đến đây, Tuệ Uyển nghĩ thầm, may mà lần trước không vì chuyện dầu gội đầu mà tiếp tục đấu khẩu với mẹ. Phương pháp của chị Thiên Sứ giống hệt như những gì viết trong cuốn sách này, trải nghiệm cảm xúc hiện tại mà không cần bất kỳ sự phân tích nào cũng như hạn chế việc so sánh phán xét, sau một thời gian, cảm xúc và cảm nhận sẽ thực sự thay đổi.
Khi bạn cảm thấy đau đớn, hãy nghĩ về nó như một nguồn năng lượng. Bạn có thể coi những trải nghiệm bên trong này như năng lượng đang truyền qua trái tim bạn, qua con mắt ý thức của bạn. Sau đó thư giãn và giải phóng thay vì thu hẹp và phong kín. Hãy thả lỏng tâm trí, cho đến khi bạn thực sự đối mặt với những vết thương bên trong mình.
Giữ tâm trạng cởi mở và sẵn sàng đón nhận để bạn có thể thoải mái đối diện với những điều khiến bạn lo lắng. Nhận thức của bạn phải sẵn sàng hiện diện ở những nơi căng thẳng và đau đớn, sau đó thư giãn, và đi sâu hơn. Đó là một quá trình phát triển và biến đổi sâu sắc. Nhưng đương nhiên bạn sẽ không muốn làm điều đó, bởi vì làm như vậy sẽ khiến bạn gặp trở ngại vô cùng lớn, đó là lý do tại sao nỗi đau lại mạnh mẽ đến vậy.
Trong lúc đang thả lỏng mà gặp phải trở ngại này, trái tim sẽ có xu hướng muốn chạy trốn, đóng chặt lại, để tự vệ và bảo toàn chính mình. Đó là lúc bạn nên tiếp tục thư giãn, thả lỏng hai vai và mở rộng trái tim. Buông bỏ, tạo khoảng trống cho nỗi đau đi qua cõi lòng bạn.
- Mike Singer, Sống tỉnh táo
Đối mặt với đứa trẻ bên trong mình liệu có tính là “sẵn sàng hiện diện ở nơi căng thẳng và đau khổ” không? Tuệ Uyển ngày càng quen thuộc với những từ ngữ này, mỗi lúc tổn thương, bị “năng lượng tiêu cực” bủa vây, dường như cô càng thả lỏng thì càng dễ dàng kết nối với đứa trẻ bên trong mình hơn, cảm giác đau đớn giống như một cơn sóng, sau khi tràn vào bờ nó sẽ rút đi, và biến mất rất nhanh.