Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vua Minh Mạng trọng sách vở, thích đọc 'Tam quốc chí'

Qua sử liệu chúng ta có thể thấy sự trọng sách đặc biệt của vua Minh Mạng nhà Nguyễn.

Vua Minh Mạng (1820-1841) là một người trọng sách. Ngay từ khi còn là Thái tử đã được dạy dỗ, làm bạn với sách vở và có niềm yêu thích, trân trọng sách. Khi làm vua, dẫu công việc bộn bề, vua vẫn dành mối quan tâm cho sách, thực hiện phổ biến sách trong sĩ tử cho tới nhân gian.

Xem sách như vật báu

Khi làm vua, sách Vua Minh Mạng với Thái y viện và ngự dược cho hay, vua lập Dương Tâm điện, Trí Nhân đường làm nơi tham khảo thư tịch và sáng tác.

Mỗi ngày quan nội các tiến một vài quyển để vua xem. Khi có việc ra ngoài thành, Quốc sử di biên có ghi vua “thường sai 18 sai nha mang sách theo, chuẩn bị sẵn nếu có điều gì thì tra hỏi lại”. Nói về ý nghĩa của sách, vua dụ quần thần: “Xem sách rất có ích cho thần trí con người, nay trong phủ chứa sách rất nhiều, các ngươi trong khi đi việc công nhàn rỗi, nên mượn về nhà xem”. Theo vua Minh Mạng, đọc sách đem lại cái lợi lớn. Chẳng hạn sách nói về sự hưng phế triều đại, hoặc viết về nhân vật, phong tục, đều có giá trị tham khảo khi áp dụng vào sự trị vì.

Khi gặp gỡ người tài, vua không bỏ lỡ dịp đàm đạo về sách như dạo năm Tân Tỵ (1821), Quốc sử di biên cho hay học sĩ Phạm Quý Thích, Sinh đồ Phạm Hổ bái yết vua, “Vua hỏi về sách vở, Quý Thích lấy tứ thư ngũ kinh ra trả lời. Hổ lấy sách Lê gia văn phái, Hiến chương loại chí của nhà Lê ra dâng biếu” (Hiến chương loại chí là sách về pháp độ, điển chương của nhà Lê, không phải Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú).

Đồng thời, vua nghiêm khắc phê bình bầy tôi lơ là việc đọc sách, kiến thức kém. Minh Mệnh chính yếu cho hay năm Quý Mùi (1823), vua đem việc đời Nguyên, Minh hỏi bề tôi nhưng không ai trả lời được, ngài đã trách quan lại chưa đọc đến sử Bắc quốc.

Vua Minh Mang thich doc sach anh 1
Vua Minh Mạng và tác phẩm Minh Mệnh chính yếu. 

Sử thần nhà Nguyễn khi viết về vua Minh Mạng, ngoài những lời tán dương công nghiệp trị vì cũng tán dương khoản thi thư của vua qua lời ghi nơi Quốc triều sử toát yếu: “Vả lại lúc vạn cơ thong thả, lưu ý về việc văn chương: ngự chế 5 tập thơ, 2 tập văn và các bài Thiên cơ dự triệu, Cổ khí minh văn, đều là phát minh đạo mầu, mở rộng phép học”.

Cầu sách ngang cầu hiền

Vua Minh Mạng trong thời trị vì, việc cầu sách được vua coi là việc cần kíp không kém tìm người tài giúp vua trị nước. Năm Canh Thìn (1820), vua ra chiếu tìm người tài giỏi và sách vở còn sót. Minh Mệnh chính yếu ghi “Vua mới lên ngôi, tìm mua sách cũ, ai đem sách hiến thì có thưởng”.

Đi tuần thú Bắc thành, vua lại có dụ truyền ai có sách vở những đời trước để lại, hoặc tạp chí của tư gia, hoặc bí thư của ngoại quốc thì đem hiến, sẽ được hậu thưởng.

Kết quả cầu sách được Quốc triều sử toát yếu cho hay, Trịnh Hoài Đức dâng quyển Gia Định thành thông chíBột di ngư văn thảo của nhà Minh. Hoàng Công Tài dâng Bổn triều ngọc phổ, Cung Văn Hỷ dâng quyển Khai quốc công nghiệp diễn chí, Nguyễn Đình Chính dâng quyển Minh lương khải cáo lục, Võ Văn Biều dâng quyển Cố sự biên lục. Vua nhận sách, ban thưởng cho họ bạc và lụa tùy theo thứ bậc.

Vua Minh Mang thich doc sach anh 2
Tác phẩm Gia Định thông chí Trịnh Hoài Đức dâng lên vua Minh Mạng.

Sang năm sau Tân Tỵ (1821), vua tiếp tục ra chiếu tìm sách vở xưa và hiền sĩ. Riêng việc tìm sách vở, Quốc sử di biên ghi lại chiếu của vua nêu rõ: “Trẫm mỗi khi rảnh rỗi lại tìm tòi sách vở, để khảo về diên cách chế độ, sự thích hợp và thất thường của khí hậu đất đai. Trước cũng đã sưu tầm, nhưng sách vở sót lại cũng nhiều. Nay lại sức xuống, nếu gia đình nào còn giữ sách vở cũ, chẳng lệ văn chương quê mùa, lời lẽ kiêng giấu, nếu nghe thấy ở đâu có thì tâu lên, xét bàn báo thưởng”. Nội dung chiếu cho thấy vua không hạn định sách hay, sách cũ, chấp nhận cả sách văn chương quê mùa, không kén sách “có vấn đề” (lời lẽ kiêng giấu). Cứ tìm sách trước đã, việc thanh lọc, chọn lựa sẽ được làm sau.

Việc tìm sách thực hiện suốt thời vua Minh Mạng cho thấy mối quan tâm thường xuyên của quân vương. Thế nên tiếp đến năm Tân Mão (1831), vua lại hạ lệnh cho bộ Lễ thông tin đến các tỉnh Bắc thành, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình xem quan lại, học trò, nhà dân ai giữ được sách ngự chế thi văn thời vua Lê Thánh Tông thì nộp cho quan chép thành tập, đem in ban bố trong nước để “đề cao cái văn hay ngày trước, để lưu lại trong rừng văn nghệ nước nhà”, thể hiện tấm lòng trân trọng di sản văn học của tiền nhân.

Rồi năm Đinh Dậu (1837), vua dụ cho nhân gian ai còn giữ được bản ghi sự tích cuối đời Lê không kể chép bằng chữ Hán hay quốc âm, đều cho phép đem nộp về địa phương để đưa về bộ tham khảo. Tấm lòng đau đáu với sách vở của vua, góp phần to lớn bổ túc vào kho tàng tri thức của nước nhà.

Khắc in, phổ biến sách rộng rãi

Để phổ biến những thành tựu văn hóa của thời trị vì, vua thực hiện mạnh mẽ hoạt động sưu tầm, ghi chép, biên soạn các bộ sách mới, hoạt động sáng tác, in ấn sách vở cho vương triều được đẩy mạnh. Theo Minh Mệnh chính yếu năm Đinh Hợi (1827), vua sai quan Bắc thành thống kê sách lưu trữ ở Văn miếu gồm Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn, Vũ kinh trực giải, Tứ trường văn thể rồi đưa về Huế, trữ ở nhà Quốc Tử Giám phục vụ việc dạy học. Vẫn sách này ghi lại năm Bính Thân (1836), vua sai ban cấp các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Tiểu học thông giám, Thí sách chế nghệ, Luật phú thí thiếp cho Quốc Tử Giám và học thần các tỉnh dùng vào việc giảng dạy. Lại san khắc các sách Tứ thư, Nhân vật bị khảo, Thi vận tập yếu, in 1.000 bộ cấp cho sĩ tử mượn làm tài liệu học tập.

Đối với sách văn học, năm Mậu Tuất (1838), vua sai Hàn lâm viện soạn bộ sách Bội văn vận phủ thành sách Tập văn trích yếu, “sách làm xong viện thần xin ấn hành để học làm thơ được rộng”. Sách sử có Đại Nam thực lục là bộ sách đồ sộ được biên soạn ngay từ buổi đầu trị vì của vua Minh Mạng, năm Ất Mùi (1835), sách ngự chế nói về phương lược đánh giặc Nam Kỳ và Bắc Kỳ được Nội các biên soạn, tức sách Khâm định tiễu bình Bắc Kì nghịch phỉ phương lược chính biênKhâm định tiễu bình Nam Kì nghịch phỉ phương lược chính biên. Và để ghi lại cụ thể những hoạt động diễn ra trong thời trị vì, năm Đinh Dậu (1837) vua khiến làm sách Minh Mệnh chính yếu.

Vua Minh Mang thich doc sach anh 3
Bản dịch quốc ngữ tác phẩm Ngự chế vănMinh Mệnh chính yếu. Ảnh: Trần Đình Ba

Bản thân vua cũng sáng tác và cho in ấn sách của chính mình. Theo Quốc triều sử toát yếu, năm Quý Mùi (1823), sách Ngự chế đế hệ kim sách vua viết được in xong, sách này vua “thân định bộ chữ nhật 20 chữ để truyền làm huy hiệu cho các vua nối sau; và mỹ tự về hệ Hoàng thân, mỗi hệ 20 chữ”. Thơ của vua có Ngự chế thi tập đến năm Nhâm Thìn (1832) được khắc, in đóng thành 10 quyển, 2 quyển mục lục, gồm 845 bài…

Sử cũ còn cho biết vua là người thích sách vở Trung Hoa, để tâm nhiều đến các tác phẩm của Bắc quốc. Bộ Tam quốc chí được vua chú ý, năm Nhâm Ngọ (1822) có mệnh cho quan Thị tòng văn học của Hàn lâm viện “diễn Tam quốc chí để làm nhạc ca, biên tập ngoại thư được hơn 100 bộ”. Vào năm Canh Dần (1830), vua thu thập được tới mấy nghìn quyển sách Trung Hoa.

Vua với kiến văn sâu rộng còn chú ý sửa sai cho sách, nên năm Đinh Dậu (1837), theo Minh Mệnh chính yếu, vua thấy sách sử các đời trước chép phần nhiều giản lược, thời gần nhất là nhà Lê mạt thì họ Trịnh tiếm quyền, nhà chép sử không dám chép đúng sự thật, bởi vậy khi bộ Lễ thỉnh cầu “nên sai quan san bổ đính chính, sửa đổi lại bộ Lịch đại Nam Việt sử ký“ để đám sĩ lâm (rừng nho) đem ra truyền thụ cho nhau, mới có thể dùng vào thi cử được”, vua đã đồng ý.

Với những sách ảnh hưởng xấu tới phong hóa, vua cấm phổ biến. Thế nên như Quốc sử di biên cho hay năm Tân Tỵ (1821) vua ban chiếu cấm sách Tứ bình thực lục “vì những điều ghi chép phần nhiều tô vẽ quá”.

Vua nào từng ra lệnh xử tử 17 viên quan nhận hối lộ?

Biết tin 17 viên quan nhận hối lộ, vị vua này đã ra lệnh xử tử để làm gương cho thiên hạ.

Chuyện dạy học trong cung đình xưa

Nhà Nguyễn thành lập “Tôn Học Đường” để theo dõi các hoàng tử, hoàng thân học tập. Việc quản lý do một hoàng thân, hai hàn lâm viện thị giảng, học sĩ làm tổng quản.

Vua Minh Mạng thưởng quà gì cho người dân thọ trên 100 tuổi?

Thời vua Minh Mạng, những người dân thọ trên 80, 90, 100 tuổi đều được triều đình tặng bạc, lụa, sau còn cho ban biển ngạch để treo ở nhà.

Chuyện đo thời tiết thời vua Minh Mạng gần 200 năm trước

Thời phong kiến, Khâm thiên giám là cơ quan theo dõi khí tượng, làm lịch, xác định mùa vụ. Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã cấp công cụ hiện đại để dự báo thời tiết.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm