Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vua Minh Mạng thưởng quà gì cho người dân thọ trên 100 tuổi?

Thời vua Minh Mạng, những người dân thọ trên 80, 90, 100 tuổi đều được triều đình tặng bạc, lụa, sau còn cho ban biển ngạch để treo ở nhà.

Theo bộ sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ, năm Minh Mạng thứ 2 (1821), tháng 3, nhà vua tôn mẹ làm Hoàng thái hậu. Nhân dịp này, vua ban ân chiếu, trong đó ngoài việc ban thưởng cho hoàng gia và các quan, thì ở kinh đô, các cụ già từ 80 tuổi trở lên được ban 1 lạng bạc, 90 tuổi trở lên được ban 1 lạng bạc và 1 tấm vải, 100 tuổi trở lên được ban 2 lạng bạc và 1 tấm vải.

Năm sau (1822), sau lễ tế trời đất ở đàn Nam Giao, vua Minh Mạng cũng ân thưởng cho hoàng thất, các quan. Các kỳ lão ở 4 dinh trực lệ (là các dinh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Đức, tức Thừa Thiên) ai 100 tuổi trở lên được thưởng 3 lạng bạc và 1 tấm lụa, 90 tuổi trở lên, thưởng 2 lạng bạc, 1 tấm vải; 80 tuổi trở lên, thưởng 1 lạng bạc, 1 tấm vải; 70 tuổi trở lên, thưởng 1 tấm vải.

Năm Minh Mạng thứ 4, vào dịp Tết Quý Mùi (1823), triều đình mới bắt đầu định lệ nêu thưởng quan thọ và dân thọ. Vua dụ bộ Lễ rằng: “Thượng cổ đều lấy trăm tuổi là kỳ hạn. Song từ trước đến nay thọ đến 70 tuổi đã khen là ít có. Huống chi thọ tới 100 tuổi, được đến tuổi “kỳ dị” như thế thực là điều tốt của người buổi thái bình. Trẫm mong nước và dân trường thọ để được thấm nhuần ơn lớn”.

Từ lúc đó, các quan lớn nhỏ, tuổi 80 trở lên, thì cho đề tâu rõ ràng, đợi chỉ để thưởng cấp tiền lụa theo thứ bậc. Như quan nhất, nhị, tam phẩm mà thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ ngũ lục phẩm thì 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; thất bát cửu phẩm thì 60 lạng bạc, 6 tấm lụa.

Người thọ 110 tuổi thì lại thêm 50 lạng bạc, 5 tấm lụa; cứ thêm 10 tuổi thì số tiền lụa lại gấp đôi lên, thưởng cấp hậu thêm. Còn với sĩ lưu, hương trưởng mà thọ 100 tuổi thì thưởng 30 lạng, vải lụa đều 5 tấm, cũng cho biển ngạch và dựng đình treo biển. Chữ biển ngạch dân đàn ông thì khắc hai chữ “Thọ dân”, của đàn bà thì khắc hai chữ “Trinh thọ”.

Với người dân, đàn ông thọ 100 tuổi thì thưởng 30 lạng bạc, vải lụa mỗi thứ 3 tấm, đàn bà thọ 100 tuổi thì thưởng 20 lạng bạc, lụa vải đều 2 tấm; đều được cấp biển treo ở chỗ ở. Trở lên, cứ thêm 10 tuổi thì thưởng thêm 10 lạng bạc.

Triều đình cũng quy định, nơi nào có người già thọ như thế thì quan thủ hiến và trưởng quan phủ huyện phải hỏi thăm, đầu năm sai người đến nhà cấp rượu thịt, để tỏ rõ cái chí ưu dưỡng người già.

Năm đó, các địa phương dâng sách tâu lên, thọ dân 100 tuổi trở lên ở cả nước được hơn 100 người. Vua sai bộ Lễ chiếu lệ nêu thưởng.

Có 8 người thọ dân ở Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Bình, vì danh sách tâu chậm, bị bệnh chết trước khi nhận thưởng. Vua nghe tin nói: “Tuổi tác là cái quý trong thiên hạ từ lâu. Chính sách của vương giả lấy việc dưỡng lão làm đầu. Đời Hán ban chiếu lệnh ở Sơn Đông thì những người già xin thong thả đừng chết vội để xem đức hoá. Nay địa phương kinh kỳ có người tuổi cao như thế mà lại để cho thân không kịp hưởng phúc trạch thái bình, đó là tội của quan địa phương”. Do đó các quan ở địa phương nêu trên đều bị giáng một cấp.

Nhân dịp này, thọ quan hưu trí là Chưởng dinh Nguyễn Long (83 tuổi) được tặng 50 lạng bạc, 5 tấm lụa, Đốc học Đặng Đức Huy (81 tuổi) được tặng 20 lạng bạc, 2 tấm lụa.

Năm 1825, vua Minh Mạng đi tuần du Quảng Nam, có hơn 500 người kỳ lão đến lạy mừng. Vua ban thưởng cho tất cả 2.000 quan tiền. Có 2 người hơn 100 tuổi, thưởng thêm cho mỗi người 10 lạng bạc và một bộ áo.

Dai Nam thuc luc,  vua Minh Mang,  tho 100 tuoi anh 1
Cảnh khai xuân triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Năm đó, vua Minh Mạng cũng nêu thưởng thọ dân ngũ đại đồng đường (năm đời ở cùng nhà). Vua sai bộ Lễ tư đi các địa phương xét hỏi trong dân gian có ai được năm đời cùng ở một nhà thì tâu lên. Bắc Thành và Nghệ An tâu lên được 6 người.

Vua cho là điềm tốt thái bình, gia thưởng cho bạc đoạn vải lụa. Nguyễn Duy Phiên, người huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, thọ 100 tuổi, có 2 con, 1 cháu, 3 chắt và 1 chút, được thưởng bạc 10 lạng, đoạn 1 tấm, lụa màu 10 tấm, vải màu 20 tấm.

Các gia đình này đều được ban một cái biển ngạch có bốn chữ “Dịch diệp diễn tường” (Đời đời phúc lành), nhà nước dựng nhà nhỏ để treo biển nêu khen.

Vua thấy một nhà Trần Công Yến ở huyện Mỹ Lộc, trấn Nam Định (98 tuổi) đoàn tụ đến 60 người (11 con, 35 cháu, 15 chắt và 1 người chút), đặc biệt miễn phú dịch cho 1 người con để hầu nuôi.

Năm sau, có 4 người thọ dân ngũ đại đồng đường ở Nghệ An và Sơn Tây cũng đều được ân thưởng tương tự.

Vua bảo bộ Lễ rằng: “Thọ dân là điềm lành của thọ quốc, cho nên trẫm từ khi thân chính đến giờ gia ơn sâu rộng để mong hưởng tuổi thọ. Nay 4 người này là điềm tốt đời thăng bình, nên thưởng hậu để nêu lên”. Mỗi gia đình cũng đều được cấp một biển khắc chữ “Dịch diệp diễn tường” và gia thưởng cho bạc lụa theo thứ bậc.

Năm 1828, vua Minh Mạng tiếp tục ban thưởng dân thọ từ 100 tuổi trở lên ở các địa phương, trong đó có 2 người thọ đến 110 tuổi.

Ông Trần Công Yến ở Nam Định, năm trước vì năm đời đồng đường, đã được ân thưởng, nay lại được thọ 100 tuổi, vua sai Lễ bộ thưởng cho yến hậu, cấp cho thứ đoạn ngoài và đoạn lót đều 1 tấm, lụa màu 10 tấm, vải màu 20 tấm, bạc 30 lạng và cái biển có khắc chữ: “Cao thọ phồn hy”.

Những người 110 tuổi thì thọ nam gia thưởng bạc 10 lạng, và đoạn bát ty 1 cuốn nhỏ, thọ phụ bạc 10 lạng; còn những người khác đều thưởng như lệ. Vua lại sắc cho quan địa phương, cứ mỗi đầu năm, chi tiền công, chiếu trong hạt cấp cho thọ nam 2 cân rượu 3 cân thịt, thọ phụ 1 cân rượu 2 cân thịt. Mức ân thưởng này từ đó lấy làm lệ về sau.

Có người huyện Diên Phước, Quảng Nam là Vũ Viết Cường thọ 110 tuổi, bộ Lễ bàn cho là đời người 100 tuổi là hạn. Sống đến 100 tuổi, đã là điềm tốt về người, huống chi lại thêm một giáp (10 năm), lại càng hiếm, xin ngoại lệ cấp thêm 10 lạng bạc. Lại có người huyện Thanh Quan, Nam Định là Nhâm Tuyết Trạch thọ 102 tuổi, ngũ đại đồng đường. Bộ Lễ xin châm chước lệ cũ ưu cấp bạc 20 lạng, đoạn 1 tấm, lụa màu 10 tấm, vải 20 tấm, cho biển đề bốn chữ: “Dịch diệp diễn tường”, quan làm đình treo biển. Vua đều y cho.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm