Trong cuốn Việt sử giai thoại, nhà văn, nhà báo Đào Trinh Nhất (1900-1951), từ việc khai thác các nguồn sử liệu khác nhau đã chứng minh người Việt ta tự chế tạo lấy đồng hồ máy, bắt chước kiểu phương Tây từ thời hậu Lê và ông khẳng định “điều đó không còn phải nghi ngờ nữa”.
Tác giả sách cho biết, trước đó, ở chốn triều đường mới có khí cụ xem giờ gọi là “lậu hồ” hay đồng hồ giọt nước, phát minh từ đời Đường Tống. Khí cụ này rất đơn giản, chỉ gồm ba cái hồ nhỏ, hình vuông, để cao thấp chênh nhau; hồ trên hết đựng nước, rỉ lần hồi từng giọt một xuống hai hồ dưới, truyền đến một hồ tròn và thấp nhất; trong ấy cắm cây thẻ ghi số giờ khắc, nước dâng lên đến ngần nào tức là giờ đó. Vì cái hồ nước làm bằng đồng, cho nên cổ nhân đặt tên là đồng hồ. Sau khí cụ phân giờ chỉ phút của người phương Tây mang sang, nhân sẵn cái tên cũ, người ta gọi là đồng hồ.
Mặt đồng hồ do người Việt chế tác sử dụng trong các dinh và các đồn canh ở Đàng Trong đầu thế kỷ 18 (bản vẽ mô phỏng của tác giả Đào Trinh Nhất). |
Nói về chiếc đồng hồ máy phương Tây đầu tiên ở xứ Bắc, tác giả sách cho biết, ngày 2/7/1627, cố Alexandre de Rhode và cố Marquez đã có buổi hội kiến đầu tiên với chúa Trịnh Tráng. Để lấy lòng chúa, hai cố đã dâng đồ hình quả đất của nhà bác học Euclide và một chiếc đồng hồ treo có chuông.
Còn ở Đàng Trong, tác giả cho rằng đồng hồ máy có thể được nhập cảng sớm hơn vì vùng đất này mở cửa cho tôn giáo và thương khách Tây phương vào trước. Người Nhật, người Hoa, Hà Lan, Bồ Đào Nha tụ tập buôn bán rất đông ở thương cảng Hội An. Để thuận tiện cho công việc buôn bán, có thể họ đã biếu chúa Nguyễn những thương phẩm, trong đó có những chiếc đồng hồ.
Kể về chiếc đồng hồ có máy đầu tiên do người Việt chế ra, tác giả cho biết, ông đã dẫn lại những ghi chép của cố Bénigne Vachet (dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần: 1648-1687). Ghi chép này về sau được cố Cadière lục đăng trong tập kỷ yếu của Ủy ban khảo cổ Đông Dương.
Theo ghi chép cố Bénigne Vachet, trong thời gian ở Huế, chúa Hiền thường triệu tập cố vào để hỏi han về công việc của Tây dương. Có lần, cố đã biếu chúa một chiếc đồng hồ báo thức, vỏ bạc, gửi mua bên Tây đem sang và chỉ cách dùng.
Một chiếc đồng hồ do phương Tây chế tác thế kỷ 17. Ảnh tư liệu. |
Cách mấy tháng sau, người thợ bạc của vương phủ ngồi táy máy tháo tung đồng hồ ra xem, làm gãy khấc một bánh xe răng cưa, thành ra đồng hồ không chạy được. Chúa liền sai người sang báo cố Bénigne Vachet.
Liền sau đó, cố đã mang đồng hồ đem ra nhà trọ xem hỏng chỗ nào để chữa lại. Chủ nhà trọ là một người bản đạo cũng làm nghề thợ bạc. Trước mặt anh ta, cố tháo máy đồng hồ ra và chỉ bảo cho biết đồng hồ hư hỏng ở đâu. Anh ta cầm bánh xe gãy răng, nói với cố: “Tưởng hỏng thế nào, chứ thế này thôi thì con chữa ngay được”. “Anh chữa thế nào được… Chuyện máy móc đâu phải chuyện trò chơi. Phải biết ở bên Tây, người ta có máy đúc, máy cưa, máy bào, máy tiện, bao nhiêu công phu mới làm nên được cái bánh xe thế này, anh nghĩ dễ dàng đấy hẳn?”, cố Bénigne Vachet nói. “Cứ để con thử làm cho cha coi”, anh ta quả quyết.
Trong ghi chép của mình cố Bénigne Vachet viết: “Thật sự tôi không tin rằng một người xưa nay chưa nghe nói máy móc đồng hồ bao giờ mà làm nổi cái bánh xe răng cưa… Chẳng những hắn làm được chiếc bánh xe ấy thôi, lại còn chế tạo một đồng hồ nguyên vẹn nữa mới kỳ. Độ 23, 24 hôm sau, hắn đặt vào tay tôi hai chiếc đồng hồ giống nhau làm sao, đến nỗi mắt không phân biệt được cái nào là cái cũ cái nào là cái mới… không khi nào tin được, hai đồng hồ chạy đúng như nhau”.
Tranh minh họa đời sống cuối thế kỷ 18 ở Đàng Trong. Ảnh tư liệu. |
Thì ra với khối óc thông minh và có hoa tay tinh khéo, anh thợ bạc vô danh nhà ta đã bắt chước, tự chế ra được một chiếc đồng hồ giống y như vậy.
Cũng không biết có phải là anh thợ bạc vang bóng tài hoa kia không mà kể từ năm 1733 trở đi, nhiều nha môn công sở thuộc về trị quyền của chúa Nguyễn đã treo đồng hồ kiểu tây, mà do ta tự làm lấy. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1736) có đoạn như sau: “Quý Sửu năm thứ 8, mùa Xuân tháng giêng, lại đặt đồng hồ tại các dinh và các đồn canh Vũng Tàu ven biển”.
Vậy kiểu đồng hồ ấy thế nào? Tác giả sách cho biết, muốn cho đời sau khỏi lầm lẫn với kiểu đồng hồ giọt nước thưở xưa, nhà chép sử đã chú thích rất tường tận:
“Đồng hồ ở quốc triều ta lúc bắt đầu, bắt chước của Tây dương mà làm ra, gọi là tự minh chung (…). Bề cao độ một thước; mặt tiền là một tấm đồng lá, chính giữa có vòng tròn, chung quanh có khắc giờ: Ngọ ở trên, Tý ở dưới, Mão bên đông, Dậu bên tây. Thời gian chia ra làm 8 can, 4 duy... Chính giữa đồng hồ có 2 cây kim, một bên trông to mà ngắn, để chỉ giờ chỉ khắc, một kim ngoài nhỏ và dài để chỉ phúc chỉ khắc. Bên trong đồng hồ cả bánh xe lẫn trục đều có răng cưa bám lấy nhau, lúc máy chạy thì bánh này cọ sát đưa đẩy bánh kia. Trên có quả chuông lớn, sáu quả chuông nhỏ, một dùi đồng để gõ chuông lớn và 6 dùi khác gõ chuông nhỏ. Ấy là hạng đồng hồ to, còn có hạng nhỏ hơn, chế tạo như kiểu trên, duy có máy móc, giảm đi bánh xe và 6 quả chuông nhỏ”.
Từ việc dẫn các sử liệu, tác giả đã khẳng định, người Việt ta đã chế tạo ra đồng hồ, bắt chước kiểu tây từ đầu thế kỷ 18. Đồng hồ ta tự chế tạo hồi ấy, cố nhiên hình thức và cơ quan bắt chước kiểu Tây dương đương thời, ngày đêm cũng chia thành 24 giờ, nhưng trên mặt đồng hồ ta xếp đặt số giờ theo cách riêng, có lẽ theo phương pháp của “lậu hồ” đời xưa. Đáng tiếc các nhà chép sử lại không thuật rộng thêm, đến công cuộc chế tạo, để cho đời sau biết được những chiếc đồng hồ nội địa hóa ấy được tạo ra như thế nào?