Benjamin Netanyahu, người giữ chức thủ tướng Israel trong 12 năm qua, bị đánh bật khỏi vị trí này sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội Israel hôm 13/6, theo Guardian. Dù có bao nhiêu lời chỉ trích nhằm vào ông, Netanyahu vẫn tạo được dấu ấn bằng một sự nghiệp chính trị đồ sộ, là lãnh đạo nắm quyền trong thời gian dài nhất của Israel. Những người ủng hộ cũng như những người chỉ trích thường gọi ông là "Vua Bibi". Di sản sau 12 nắm quyền của vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel là một quốc gia bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Ảnh: AP. |
Ông Netanyahu sinh ra ở Israel và sinh sống ở Mỹ khi còn nhỏ. Lúc đó, cha của ông giảng dạy về lịch sử Do Thái giáo ở Mỹ. Ông trở lại Israel sau khi tốt nghiệp trung học và tham gia Sayeret Matkal, đơn vị biệt kích tinh nhuệ của quân đội Israel. Trong ảnh, ông Netanyahu (phải) trong cuộc tập trận của Sayeret Matkal. Ảnh: Văn phòng Báo chí Chính phủ Israel. |
Ông Netanyahu bên con gái Noa vào năm 1980. Theo New York Times, ông bước vào con đường ngoại giao và chính trị vào đầu những năm 1980, khi được bổ nhiệm làm phó đại sứ tại Đại sứ quán Israel ở Washington. Sau đó, Netanyahu trở thành đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, và không lâu sau trở lại tham gia chính trường Tel Aviv. Ảnh: Văn phòng Báo chí Chính phủ Israel. |
Ông Netanyahu (phải) trên chuyến bay từ New York đến Washington vào năm 1989, khi ông giữ chức thứ trưởng ngoại giao. Ông gia nhập đảng Likud vào năm 1988 và được bầu vào Quốc hội Israel. Ảnh: Văn phòng Báo chí Chính phủ Israel. |
Đến năm 1993, ông là lãnh đạo của Likud và là người chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Yitzhak Rabin của đảng Lao động cùng với thỏa thuận Oslo. Đến năm 1996, ông đánh bại đối thủ Shimon Peres và trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Israel, cũng là thủ tướng đầu tiên được sinh ra ở nước này. Ảnh: Reuters. |
Cùng năm 1996, ông Netanyahu lần đầu tiên đại diện cho Israel tham dự các cuộc gặp thượng đỉnh do Tổng thống Mỹ Bill Clinton tổ chức để tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với Palestine. Trong ảnh, Chủ tịch PLO Yasir Arafat, Vua Hussein của Jordan, Tổng thống Clinton và ông Netanyahu rời phòng Bầu dục sau cuộc gặp thượng đỉnh Trung Đông năm 1996 ở Washington, Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Mối quan hệ giữa ông Netanyahu với nhà lãnh đạo Palestine, Yasir Arafat, luôn căng thẳng. Cả hai chưa bao giờ đủ lòng tin vào đối phương để đạt được thỏa thuận hòa bình mà Tổng thống Clinton hướng đến. Ảnh: AP. |
Trong những năm tiếp theo cầm quyền, quan hệ của ông Netanyahu với các tổng thống Mỹ tiếp tục căng thẳng. Ông và Tổng thống Barack Obama đã nảy sinh mối bất hòa sâu sắc. Ông Obama cố gắng yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây, trong khi Netanyahu cho rằng ông Obama đặt Israel vào thế khó khi thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân. Ảnh: New York Times. |
Trong khi Iran phủ nhận mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, ông đưa ra vấn đề này ở mọi cuộc họp, từ Liên Hợp Quốc cho đến các cuộc gặp với chính phủ Mỹ. Trong ảnh, Netanyahu cầm hình minh hoạt quả bom tượng trưng cho hoạt động làm giàu uranium của Iran tại phiên họp Liên Hợp Quốc năm 2012. Ảnh: New York Times. |
Ông Netanyahu thăm hàng rào biên giới giữa Israel và Jordan năm 2016. Theo New York Times, dưới thời Thủ tướng Netanyahu, Israel tiếp tục xây dựng hàng rào ngăn cách giữa người Palestine và các khu định cư của người Do Thái. Các khu vực này ngày càng được mở rộng vượt ra ngoài đường phân định được xác lập sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Ảnh: Marc Israel Sellem. |
Ngay từ khi ông Donald Trump khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Netanyahu đã lên tiếng ủng hộ. Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 cũng là một chiến thắng đối với nhà lãnh đạo Israel. Có được sự ủng hộ của một tổng thống Mỹ là yếu tố rất quan trọng đối với người Israel. Ông Netanyahu đã vận động tranh cử dựa trên mối quan hệ bền chặt của cá nhân ông với ông Trump. Ảnh: New York Times. |
Ông Netanyahu và vợ, bà Sara Netanyahu (trái), ăn mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020. New York Times nhận định ông Netanyahu nắm quyền lâu như vậy không phải vì người Israel nghĩ ông là lãnh đạo liêm khiết nhất, mà vì họ tin rằng ông có thể bảo vệ họ, giúp Israel thịnh vượng hơn. Người dân nước này cho rằng ông đã thành công trong việc duy trì an ninh quốc gia dù Israel bị cô lập trong khu vực. Ảnh: New York Times. |
Ông Netanyahu được tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 19/12/2020. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, chương trình tiêm chủng của Israel cũng là một thành công đối với nhà lãnh đạo nước này. Đây được cho là quốc gia có tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới. Hiện khoảng 56,8% dân số nước này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ảnh: Reuters. |
Ngoài những thành tựu nổi bật, ông Natayanhu cũng vướng vào nhiều cáo buộc pháp lý, bao gồm lạm dụng tín nhiệm, nhận hối lộ và gian lận. Vào năm 2019, ông trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Israel phải đối mặt với truy tố hình sự khi còn đương chức. Ông bị cáo buộc đã nhận quà từ các tỷ phú để đổi lại một số lợi ích cho họ. Trong ảnh, ông Netanyahu (phải) ngồi cùng luật sư trước phiên điều trần cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông hồi tháng 2. Ảnh: Reuven Castro. |
Benjamin Netanyahu bắt tay thủ tướng mới, Naftali Bennett, sau khi quốc hội nước này phê chuẩn chính phủ liên minh mới hôm 13/6. Theo thỏa thuận liên minh, ông Bennett sẽ giữ cương vị thủ tướng trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng 4 năm, trước khi giao lại quyền lực cho ông Yair Lapid. Ảnh: Reuters. |