Kỷ lục 12 năm nắm giữ cương vị thủ tướng Israel của ông Benjamin Netanyahu chấm dứt vào ngày 13/6, sau khi quốc hội nước này bỏ phiếu phê chuẩn chính phủ mới do Naftali Bennett - người theo chủ nghĩa dân tộc - đứng đầu. Đây từng là viễn cảnh xa vời đối với nhiều người, theo Reuters.
Phát biểu trước quốc hội hôm 13/6, Naftali Bennett - chính khách cực hữu dự kiến kế nhiệm ông Benjamin Netanyahu - phải chật vật trong 43 phút để cố nói át tiếng ồn, trong lúc những người phản đối ông thì lớn tiếng mắng nhiếc.
Trước đó, ông Bennett gia nhập liên minh 8 đảng đối lập, trong đó có đảng cánh tả, để thành lập chính phủ mới tại Israel. Quyết định này làm đảng trung hữu Likud của ông Netanyahu nổi giận.
Sau ông Bennett, ông Netanyahu có bài phát biểu dài 35 phút thể hiện sự hằn học với người kế nhiệm. Ông cũng cảnh báo về vấn đề an ninh của Israel khi không có mình.
“Đừng gây tổn hại đến nền kinh tế phi thường mà chúng tôi đang bàn giao cho các anh, để chúng tôi còn có thể sửa chữa nó khi quay lại”, ông Netanyahu nói.
Cả hội trường chỉ lắng xuống sau vài tiếng, khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Netanyahu được bắt đầu trong quốc hội 120 người của Israel. Những tiếng “Ủng hộ” và “Phản đối” đan xen nhau lần lượt vang lên.
Cuối cùng, liên minh 8 đảng chiến thắng với kết quả sát nút 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống, và 1 phiếu trắng.
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett và bà Ayeet Shaked nói chuyện phía sau ông Benjamin Netanyahu trong phiên họp quốc hội ngày 13/6. Ảnh: AP. |
Từ đó, liên minh của Yair Lapid, chính khách ôn hòa đảng Yesh Atid, chính thức trở thành phe chiếm đa số cầm quyền tại Israel, thay thế liên minh của ông Netanyahu.
Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Bennett sẽ giữ cương vị thủ tướng trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng 4 năm, trước khi giao lại quyền lực cho ông Yair Lapid, theo Reuters.
Ông Netanyahu không bộc lộ cảm xúc, kể cả khi các thành viên trong chính phủ mới cùng quây quần quanh ông Lapid, “kiến trúc sư” của liên minh 8 đảng.
Một thời kỳ của Israel đã chấm dứt, New York Times bình luận.
Người dân Israel ủng hộ chính phủ mới đổ ra đường ăn mừng ngày 13/6. Ảnh: Reuters. |
Hỗn loạn nơi nghị trường
Buổi làm việc ngày 13/6 tại hội trường Quốc hội Israel gần như bị tiếng la ó làm cho gián đoạn.
Ít nhất 7 thành viên quốc hội bị hộ tống ra ngoài. Họ cáo buộc ông Bennett không thích hợp dẫn dắt Israel vì đảng Yamina của ông chỉ nắm vài ghế trong quốc hội.
Số người trên còn cho rằng ông Bennett đang “bán” lãnh thổ vì ông chấp nhận một số yêu cầu của các nhà lập pháp Arab về các vấn đề như ngôi làng không được chính quyền công nhận của người Bedouin tại sa mạc Negev, phía nam Israel.
Ông Benjamin Netanyahu (đeo khẩu trang) không có cảm xúc trong lúc ông Bennett ăn mừng kết quả bỏ phiếu ở quốc hội. Ảnh: New York Times. |
Trước cảnh huyên náo, chủ tịch quốc hội nhiều lần yêu cầu trật tự nhưng đều không thành công. Israel đang trải qua chia rẽ sâu sắc sau 4 cuộc bầu cử từ năm 2019.
“Chúng ta đã dừng được đoàn tàu khi chỉ cách vực thẳm một bước”, ông Bennett nói, và nhấn mạnh “sự hỗn loạn bầu cử và lòng thù hận” cần phải chấm dứt.
Sự náo loạn nghiêm trọng đến mức ông Lapid phải bỏ qua bài phát biểu đã soạn trước và xin sự tha thứ từ người mẹ 86 tuổi. Trước đó, ông đưa mẹ tới quốc hội vì “muốn bà tự hào trước quy trình dân chủ tại Israel”.
“Thay vì thế, bà ấy, cùng với mọi công dân Israel, thất vọng trước các anh”, ông Lapid nói.
Không khí huyên náo phần nào lắng xuống khi ông Netanyahu bước lên bục phát biểu với dáng vẻ tự tin, thậm chí có phần ngạo nghễ.
Bài phát biểu của ông Nenyahua thể hiện thái độ không bằng lòng một cách bất thường về thái độ của Mỹ với vấn đề Iran và chương trình hạt nhân của nước này, theo New York Times.
Chính quyền ông Biden đang xem xét khả năng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi thỏa thuận này từng bị chính quyền cựu Tổng thống Trump gạt bỏ.
“Chính quyền Mỹ dặn tôi giữ kín sự bất đồng của hai phía về vấn đề hạt nhân”, ông Netanyahu nói. “Tôi nói tôi sẽ không làm thế và tôi sẽ nói cho các vị biết tại sao: Vì bài học của lịch sử vẫn ở trước mắt chúng ta”.
Ông Netanyahu nhắc lại việc Mỹ từ chối thả bom đường ray tàu hỏa dẫn tới trại tập trung và các phòng hơi ngạt của phát xít Đức trong Thế chiến II. Đây là “điều có thể cứu mạng hàng triệu người của dân tộc ta”, ông Netanyahu nói.
“Khi ấy, chúng ta chưa có đất nước, chưa có quân đội”, vị cựu thủ tướng nói. “Nhưng lúc này đây, chúng ta đã có tiếng nói và lực lượng phòng vệ”.
Đó là lý do tại sao trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 4, ông Netanyahu nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III rằng mình “sẽ làm mọi cách để ngăn ngừa thỏa thuận dẫn đến một Iran có hạt nhân”, ông Netanyahu tiếp tục.
Ông Netanyahu nói với ông Austin rằng “nếu buộc phải chọn giữa sự bất đồng giữa chúng ta và việc loại bỏ mối đe dọa với Israel, tôi sẽ chọn điều sau”.
Một số thành viên quốc hội Israel bực tức trước sự kiện diễn ra ngày 13/6. Ảnh: New York Times. |
Chính phủ mới của Israel sẽ không dám thách thức Mỹ như vậy, ông Netanyahu khẳng định.
“Tôi lấy làm thất vọng vì ông Bennett không có vị thế quốc tế, không có tín nhiệm, năng lực, hay kiến thức, và hơn hết là không có một chính phủ có khả năng chống đối thực sự”, ông Netanyahu nói.
Trước đó, ông Bennett nói mình sẽ không bao giờ cho phép tồn tại một Iran có hạt nhân và sẽ phản đối thỏa thuận hạt nhân. Nhưng ông Netanyahu gạt bỏ khả năng này.
Chính phủ mới với các thỏa hiệp
Giọng điệu của ông Netanyahu khiến một số người bên dưới phản đối. “Hối lộ. Lạm dụng tín nhiệm. Lừa đảo”, Nitzan Horowitz - chủ tịch đảng cánh tả Meretz thuộc liên minh của chính phủ mới - hét lên.
Ông Horowitz đang nhắc tới những cáo buộc mà ông Netanyahu đã bị khởi tố. Phiên tòa đang được chuẩn bị.
Trong bài phát biểu, ông Netanyahu gần như không nói đến các cáo buộc trên. Đối với nhiều người Israel, sự níu kéo quyền lực của ông Netanyahu giống như hành động cố gắng dùng chức vụ chính trị làm đòn bẩy chống lại quy trình tố tụng, theo New York Times.
Khi ông Netanyahu trình bày về những khoản chi mà mình dành ra cho cộng đồng người Arab thiểu số tại Israel, Ayman Odeh - liên minh 3 đảng do người Arab chiếm đa số - trở nên tức giận.
“Thế còn luật quốc gia dân tộc, Luật Kaminitz, và hàng loạt lời lẽ kích động thì sao”, ông Odeh hét lên. Ông Odeh đang nhắc đến một loạt quy định được đưa ra những năm qua khiến công dân người Palestine tại Israel cảm thấy bị bỏ rơi, không được công nhận, và chỉ là công dân hạng hai.
Ông Netanyahu không phản ứng trước lời của ông Odeh. Một vài tuần trước, bạo lực nổ ra giữa người Do Thái và Arab tại một số thành phố Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz (trái), Ngoại trưởng Yair Lapid (giữa), và tân Thủ tướng Naftali Bennett ngồi cùng nhau sau lần bỏ phiếu về liên minh mới tại Knesset, quốc hội Israel. Ảnh: Reuters. |
Dọc hành lang của hội trường quốc hội, những tiếng xôn xao hứng khởi nổi lên không ngớt.
Ram Ben Barak - thành viên đảng của ông Lapid và cựu phó giám đốc Mossad, cơ quan tình báo Israel - cho biết cũng từng cảm thấy xúc động như lúc này vào năm 1977, khi đảng Likud lần đầu chiến thắng sau 3 thập kỷ nắm quyền của chính phủ cánh tả.
“Một nền dân chủ cần sự thay đổi, và chúng ta cần sự hàn gắn”, ông Barak nói.
“Chúng ta cần bắt đầu với những thứ chúng ta đã đồng ý trước đó”, Penina Tamanu-Shata, bộ trưởng gốc Ethiopia đầu tiên tại Israel và là thành viên đảng ôn hòa Xanh Trắng. “Chúng ta sẽ giải quyết 70% những vấn đề các bên đã đồng ý và để nguyên 30% còn lại”.
Mossi Raz, một nhà lập pháp đảng Meretz, cho biết đây là lần đầu tiên trong 21 năm đảng của ông đặt chân vào chính quyền.
Ông nói cảm thấy rất đau lòng khi phải thỏa hiệp, vì ông phản đối việc Israel chiếm đóng vùng Bờ Tây, trong khi ông Bennett, người kế nhiệm ông Netanyahu, ủng hộ mạnh mẽ điều này.
“Tôi rất vui, nhưng phải nói thật là tôi có rất nhiều nghi vấn và do dự. Chính quyền này không phải điều tôi mong đợi”, ông Raz nói. Dù vậy, ông vẫn nhận định sự thỏa hiệp là cần thiết cho tương lai Israel.
Ông Raz cũng không do dự khi được hỏi chính phủ mới sẽ tồn tại trong bao lâu. “Tôi sẽ làm anh ngạc nhiên với câu trả lời của tôi: Bốn năm”, ông nói.