Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vòm Sắt của Israel đánh chặn loạt tên lửa từ dải Gaza

Trong bối cảnh giao tranh bùng phát trở lại giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine vào hôm 10/5, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.

Những âm thanh quen thuộc một lần nữa quay trở lại miền Nam Israel: Tiếng còi báo động không kích và những tiếng nổ từ tên lửa đánh chặn của các hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt).

Các nhóm vũ trang Palestine tại dải Gaza đã phóng hàng trăm rocket về phía Israel hôm 10/5, sau loạt không kích từ Israel, theo Washington Post.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn 60 trên 270 tên lửa được phóng bởi các nhóm vũ trang ở dải Gaza. Theo Times of Israel, 3 tên lửa đã đánh trúng những khu vực tập trung dân cư, trong khi số còn lại bị hỏng hoặc rơi tại những khu vực không có người ở.

Vụ tấn công là đòn trả đũa sau khi các cuộc không kích của Israel khiến hơn 20 người bị thiệt mạng tại dải Gaza trong 2 ngày trước đó. Đây là vụ tấn công tên lửa đầu tiên nhằm vào Tel Aviv, thành phố đông dân nhất của Israel, kể từ cuộc xung đột kéo dài 2 tuần trong năm 2021.

Hệ thống Iron Dome là gì?

Iron Dome là hệ thống phòng không được phát triển bởi các tập đoàn Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries với sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ.

Được đưa vào hoạt động kể từ 2011, hệ thống này được thiết kế để đánh chặn các quả tên lửa tầm ngắn và đạn pháo, các loại vũ khí thường được những nhóm vũ trang ở dải Gaza sử dụng.

Ngoài ra, hai hệ thống còn lại trong mạng lưới phòng không của Israel là David’s Sling và Arrow được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa tầm trung và xa, bao gồm chiến đấu cơ, máy bay không người lái, rocket và tên lửa hành trình.

Một hệ thống radar và máy tính phân tích giúp Iron Dome quyết định nguy cơ của các loại vũ khí tấn công. Tên lửa đánh chặn sẽ được phóng đi nếu hệ thống này đánh giá các quả rocket có khả năng đánh trúng khu vực tập trung dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.

he thong Iron Dome anh 1

Các quả rocket phóng từ dải Gaza bị hệ thống Iron Dome đánh chặn trên bầu trời Israel, tại thành phố Ashkelon hôm 11/5. Ảnh: Reuters.

Trả lời Israel Hayom, các quan chức quốc phòng cho biết phần cứng của hệ thống phòng thủ tên lửa này không thay đổi từ khi được đưa vào biên chế. Tuy nhiên, Iron Dome nhận được các bản cập nhật phần mềm để giúp hệ thống này trở nên hiệu quả hơn theo thời gian.

Trả lời báo chí, ông Moshe Patel, một quan chức của Bộ Quốc phòng Israel, khẳng định Iron Dome có khả năng đánh chặn các mối đe dọa như "tên lửa hành trình, máy bay không người lái và hơn thế nữa".

Tỷ lệ đánh chặn hơn 90%

Theo các quan chức chính phủ và doanh nghiệp quốc phòng tại Israel, hệ thống Iron Dome đã đánh chặn hàng nghìn quả rocket và đạn pháo trong những năm qua, với tỷ lệ thành công đạt hơn 90%.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích quốc phòng đã bày tỏ sự nghi ngờ với tỷ lệ trên, lập luận rằng những số liệu được Israel cung cấp không đáng tin cậy. Các chuyên gia cũng khẳng định những nhóm vũ trang như Hamas và Islamic Jihad đã học cách thích ứng với hệ thống này.

"Không hệ thống phòng thủ tên lửa nào hoàn toàn đáng tin cậy, đặc biệt trước những mối đe dọa thay đổi thường xuyên", Michael Armstrong, phó giáo sư tại Đại học Brock và từng nghiên cứu tính hiệu quả của Iron Dome, viết trên tạp chí National Interest vào năm 2019.

Trong các cuộc giao tranh vào tháng 5/2021, quân đội Israel một lần nữa khẳng định rằng 90% số tên lửa tiến vào không phận của nước này đã bị hệ thống Iron Dome đánh chặn. Theo lực lượng vũ trang của quốc gia Do Thái, hơn 1.000 quả rocket đã được phóng từ Dải Gaza trong 38 giờ.

he thong Iron Dome anh 2

Hệ thống Iron Dome phóng tên lửa đánh chặn trong cuộc tấn công hôm 10/5. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 8/2022, IDF nhận định hệ thống Iron Dome có tỷ lệ thành công lên tới 97%, Times of Israel đưa tin.

Tuy nhiên, theo Jerusalem Post, tỷ lệ đánh chặn của hệ thống này bất ngờ giảm xuống còn 60% trong một cuộc tấn công tên lửa từ Dải Gaza vào tuần trước.

Cuộc điều tra sau đó của IDF kết luận rằng một lỗi kỹ thuật đã khiến hệ thống Iron Dome để lọt "một số lượng nhỏ" các quả rocket. Cuộc điều tra kết luận rằng lỗi kỹ thuật trên đã được khắc phục và tỷ lệ đánh chặn của Iron Dome đã trở về mức ban đầu.

Trong các cuộc giao tranh hôm 10/5, nhiều quan chức Israel đã đăng tải lên Twitter hình ảnh các vụ đánh chặn trên không cùng dòng ghi chú "cảm ơn Thượng đế vì hệ thống Iron Dome".

Hệ thống Iron Dome đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân ở miền Nam Israel trong những cuộc xung đột gần đây, cho phép họ sống một cách bình thường tại những khu vực từng chịu thiệt hại từ hàng loạt các cuộc tấn công bằng rocket.

Những người ủng hộ hệ thống này khẳng định rằng Iron Dome đã loại bỏ nhu cầu cử binh sĩ Israel vào dải Gaza, như nước này từng làm trong các năm 2008 và 2009.

Chi phí hoạt động thấp của Iron Dome - được thiết kế để phóng tên lửa chỉ khi người dân hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng bị đe dọa trực tiếp - đã giúp hệ thống này nhận được sự quan tâm lớn từ quân đội Mỹ.

Một số người Israel khác thì cho rằng chính phủ đang quá phụ thuộc vào hệ thống Iron Dome và không đầu tư đủ nguồn lực vào các biện pháp phòng thủ khác như xây hầm trú ẩn cho người dân.

Những mối đe dọa mà Iron Dome phải đối mặt

Dù hệ thống Iron Dome đã được sử dụng trong một thập kỷ, các quả rocket vẫn được bắn về phía Israel mỗi khi căng thẳng tăng cao giữa quốc gia này và các nhóm vũ trang Palestine.

Các chuyên gia theo dõi kho vũ khí của Hamas và Islamic Jihad - hai nhóm chiến binh Palestine chính ở Dải Gaza - ước tính rằng các tổ chức này có thể sở hữu hàng chục nghìn tên lửa.

Hai tổ chức trên được hỗ trợ bởi các cố vấn Iran và các đồng minh khác với nguồn cung cấp lậu qua biên giới Ai Cập. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các công việc có thể được thực hiện trong nước bởi các chuyên gia Palestine.

Tổ chức Hamas, hiện kiểm soát Dải Gaza, bắt đầu sản xuất tên lửa Qassam vào khoảng năm 2001. Ban đầu tên lửa chỉ có tầm bắn khoảng vài km, đến phiên bản thứ ba “Qassam 3” có tầm bắn lên tới 16 km.

he thong Iron Dome anh 3

Các quả tên lửa được phóng về phía Israel từ Dải Gaza hôm 10/5. Ảnh: AP.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết tên lửa được nhóm vũ trang Palestine sử dụng trong cuộc tấn công vào năm 2019 có tầm bắn lên tới 120 km.

“Tên lửa tầm ngắn cũng là một mối đe dọa vì Iron Dome kém hiệu quả ở khoảng cách từ 4 km trở xuống”, Michael Herzog, cựu thiếu tướng trong Lực lượng Phòng vệ Israel - người được bổ nhiệm làm đại sứ Israel tại Mỹ vào năm 2021 trả lời Washington Post.

Mặc dù vũ khí của các tổ chức Palestine vẫn thô sơ và thiếu hệ thống dẫn đường, nhưng số lượng vượt trội và chi phí thấp của chúng là một lợi thế trước Iron Dome. Theo báo chí Israel, một tên lửa do Hamas hoặc Islamic Jihad sản xuất chỉ có giá vài trăm USD trong khi một tên lửa đánh chặn có giá khoảng 80.000 USD.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Israel hứng hàng trăm quả tên lửa sau khi không kích Gaza

Hàng trăm quả tên lửa đã được phóng từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel hôm 10/5, sau khi 13 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc không kích của quân đội Israel một ngày trước đó.

3 chỉ huy Hồi giáo Jihad chết trong cuộc không kích của Israel

Ba chỉ huy phong trào Hồi giáo Jihad cùng vợ và con đã thiệt mạng trong các cuộc không kích vào dải Gaza của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nhóm chiến binh Palestine cho biết.

An Bình

Bạn có thể quan tâm