Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị vua lên chùa trốn vẫn mang theo kỹ nữ

Mạc Mậu Hợp là người trọng khoa cử, trong suốt mấy chục năm trị vì, ông đã mở nhiều khoa thi. Thế nhưng, lối sống của nhà vua khá buông tuồng, không giống người trọng đạo Nho.

Mạc Mậu Hợp được đưa lên ngôi khi chưa đầy hai tuổi, trở thành vị vua thứ năm của Mạc triều. Cho đến năm 20 tuổi, ông vẫn có được chỗ dựa rất vững chắc là ông trẻ Mạc Kính Điển. Mặc dù lúc ấy tuổi đã cao, Kính Điển vẫn cầm quân không biết mệt mỏi, đối địch ngang sức với quân Lê - Trịnh, giúp cho nhà Mạc giữ vững được vương triều.

Tuy về sau có nhiều phần nghiêng về bên Lê - Trịnh, Mạc Kính Điển vẫn biết cách kiềm chế đối phương, khiến cho họ không đánh bại được mình, mà còn nhiều phen phải chuyển sang chống đỡ không mấy dễ dàng. Một trong những cách đánh sở trường của ông là cho quân tiến sâu vào đất Thanh Hoa (tên gọi Thanh Hóa xưa), buộc quân Lê - Trịnh phải rút về bảo vệ Tây Đô, đang từ thế thắng chuyển sang thế thủ.

Đặc biệt, khi Trịnh Kiểm chết (tháng 2 năm 1570), anh em Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền, Mạc Kính Điển đã nhân cơ hội tấn công quyết liệt. Tuy không thắng được quân Nam triều do Trịnh Tùng nắm giữ, song ông khiến Trịnh Cối và nhiều tướng khác phải bỏ Lê Anh Tông chạy sang nhà Mạc…

Nhưng đến năm 1580, Mạc Kính Điển qua đời, kéo theo những hệ lụy “vô phương cứu chữa” đối với nhà Mạc. Tai hại nhất là Mạc Mậu Hợp, khi đó đã 20 tuổi, tự mình nắm chính sự. Không còn ai dẫn dắt, bảo ban, kiềm chế, ông ta bắt đầu “đốc chứng”.

Mac Mau Hop anh 1

Sách Những vị vua trẻ trong sử Việt. Ảnh: K.Đ.

Để thỏa sức ăn chơi, Mậu Hợp giao toàn quyền chỉ huy cho một ông chú khác là Mạc Đôn Nhượng, em út của Mạc Kính Điển. Trái ngược với anh trai, Đôn Nhượng là người nhu nhược, thiếu quyết đoán, suốt thời gian đầu chỉ án binh bất động, bỏ bê triều chính.

Song Mạc Mậu Hợp phó mặc hết. Ông lao vào sống hưởng thụ, xa hoa, ham mê tửu sắc. Lại thêm tính kiêu ngạo, hay nghe lời xui nịnh, ít nghe lời khuyên can của các bậc hiền thần. Vì thế nhiều trọng thần cả văn lẫn võ muốn cáo quan về hưu; không chỉ việc triều chính ngày càng sa sút mà quân sĩ cũng chẳng được để tâm, dù đang là thời chiến.

Cuối năm 1591, Trịnh Tùng dẫn đại quân đánh ra Bắc. Mạc Mậu Hợp huy động toàn quân Bắc triều được hơn 10 vạn người để chống đỡ. Sau nhiều cuộc hỗn chiến, quân Mạc tan tác, Mạc Mậu Hợp phải bỏ Thăng Long chạy sang Bồ Đề (Gia Lâm).

Trịnh Tùng vào Thăng Long nhưng lượng sức chưa đủ lực để chiếm giữ kinh thành, nên đến tháng 3 năm 1592, ông san phẳng thành lũy Thăng Long, sau đó rút quân về Thanh Hóa.

Mạc Mậu Hợp thấy Trịnh Tùng rút đi, lại cho rằng quân Nam triều yếu. Vì thế khi trở lại kinh thành, ông không lo việc phòng chống quân Nam triều, và cũng chẳng lo đến việc tổ chức phản công. Vẫn như trước, ông chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, và lần này còn dây vào một “trái cấm” rất tệ hại.

Chuyện là thế này: lão tướng Nguyễn Quyện sinh được hai con gái. Con đầu gả cho Mạc Mậu Hợp làm hoàng hậu, con thứ Nguyễn Thị Niên gả cho tướng Bùi Văn Khuê, chỉ huy thủy quân của Mạc triều.

Tháng 8 năm 1592, Nguyễn Thị Niên vào cung thăm chị, Mạc Mậu Hợp liền sinh ý chiếm đoạt. Mậu Hợp triệu nàng vào phòng, giữ lại tới sáng rồi muốn chiếm đoạt luôn, định sẽ triệu Bùi Văn Khuê về kinh để giết. Nguyễn Thị Niên sợ hãi bèn sai người hầu bí mật báo tin cho chồng.

Bùi Văn Khuê biết chuyện, bỏ triều đình dẫn quân bản bộ về giữ hạt Gia Viễn. Mậu Hợp mấy lần cho vời cũng không về, bèn sai quân tới hỏi tội. Tháng 10 năm ấy, Bùi Văn Khuê trưng binh chống giữ, sai con trai tới phủ Trịnh Tùng, khóc lóc kể sự tình và xin sang hàng. Trịnh Tùng lập tức thu nạp. Bùi Văn Khuê dẫn quân theo về Nam triều khiến Bắc triều mất đi lực lượng thủy quân, vốn là thế mạnh của họ…

Ngày 14 tháng 11, quân Nam triều chia hai đường thủy, bộ cùng tiến đánh phòng tuyến quân Mạc. Đúng một tháng sau, ngày 14 tháng 12 thì phá vỡ được phòng tuyến, quân Mạc tan vỡ tháo chạy. Trịnh Tùng đốc thúc bộ binh thừa thắng đuổi theo, thủy quân cũng thuận dòng tiến tới cửa Nam kinh thành Thăng Long, bắt được rất nhiều chiến thuyền của Bắc triều.

Trước thế mạnh như chẻ tre của đối phương, ngay trong đêm ấy Mạc Mậu hợp phải bỏ kinh thành chạy về Kim Thành, Hải Dương. Tại đây, Mạc Đăng Dung, cụ tổ bốn đời của ông khi lên làm Thái thượng Hoàng đã cho xây hành dinh gọi là Dương Kinh ở làng Cổ Trai (xưa thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng).

Mạc Mậu Hợp dựng con trai là Mạc Toàn lên làm vua để coi việc nước, còn mình… làm tướng đi đánh giặc. Nhưng đã quá muộn. Quân doanh tan tác, binh quyền không còn, Mạc Mậu Hợp chỉ còn nước lẩn trốn hòng thoát thân.

Trên đường dẫn quân về Thăng Long, Trịnh Tùng nghe có người báo rằng Mậu Hợp cạo đầu làm sư, ẩn ở chùa Mô Khuê, hạt Phượng Nhãn. Chúa bèn sai quân đi tìm. Hỏi thì dân địa phương cho biết: “Hôm nọ Mậu Hợp giả làm ông sư, đến ẩn ở đây, đến nay đã 11 ngày”. Quân Nam triều bèn tìm đến chùa. Họ thấy một người béo tốt phương phi, đang ngồi xếp bằng tròn, vẻ như tụng kinh.

Nghi là Mạc Mậu Hợp, họ gạn hỏi thì người ấy điềm nhiên đáp: “Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này; chén muối, đĩa rau hàng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm”.

Mac Mau Hop anh 2

Di tích thành nhà Mạc ở Lạng Sơn. Ảnh: V.

Quân Nam triều thấy nhà sư nói năng lưu loát, biết Mạc Mậu Hợp, liền bắt giữ. Vua tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực rằng: “Mấy ngày trước đây, tôi chạy trốn ẩn núp trong rừng rậm, đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã".

Quân sĩ cho rượu Mạc Mậu Hợp chẳng chút xấu hổ, uống liền một hơi. Sau đó chịu để quân Nam triều bắt trói cho lên voi chở về kinh thành. Cùng bị bắt với Mậu Hợp còn có cả hai kỹ nữ đã theo ông trốn lên chùa…

Tại Thăng Long, chúa Trịnh cho luận tội Mạc Mậu Hợp. Các quan bàn rằng theo đúng phép nước phải xử tội “lăng trì” để làm gương cho mọi người. Trịnh Tùng thấy Mạc Mậu Hợp về hàng, nên không bắt chịu cực hình, bèn sai treo sống ba ngày, rồi đem chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp dâng lên vua Lê Thế Tông tại hành dinh Vạn Lại.

[...]

Chúng ta biết rằng: nhà Mạc vốn là một dòng họ trọng đến kinh tế và khoa cử, bản thân Mạc Mậu Hợp cũng khá chăm lo cho chuyện này. Trong 30 năm làm vua, theo nếp ông cha, Mậu Hợp đã mở tất cả bảy khoa thi. Ngay cả khi phải bỏ chạy khỏi kinh thành, mùa hè năm 1592, ông vẫn cho mở khoa thi Cử nhân ở bến Bồ Đề, “lấy Phạm Hữu Năng và 16 người trúng tuyển”.

Thật khó hiểu tại sao một ông vua coi trọng sự học như thế, cũng là người có học, cứ xem cách ông đối đáp với những người đến bắt mình ở chùa Mô Khuê thì rõ, lại có thể sống buông thả như thế, nhất là trong những năm cuối đời. Nhưng lịch sử là như vậy, có rất nhiều điều ta chỉ có thể biết rằng nó đã xảy ra, mà không thể giải thích.

Vị vua Việt đầu tiên lấy vợ Tây phương  

Lê Thần Tông là một vị vua “vô tiền khoáng  hậu” trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông có năm bà phi thuộc các dân tộc khác nhau, trong đó có một bà phi người Hà Lan.

Nguồn gốc tên Tây Hồ và chuyện kị húy của vua Lê Thế Tông

Lê Thế Tông là đời vua Lê Trung hưng thứ tư. Khi ông nắm giữ ngai vàng, nhà vua vẫn còn chút quyền hành. Sau khi ông mất, quyền bính đều nằm trong tay chúa Trịnh.

Những cuốn sách lịch sử bổ ích mùa tựu trường

Bạn đọc nhỏ tuổi có thể tìm hiểu về lịch sử nước nhà qua nhiều bộ sách thú vị. Chúng là sự pha trộn giữa chính sử và huyền sử với cách dẫn truyện hấp dẫn và dễ hiểu.

Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY