Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ đứa trẻ sợ làm vua thành hoàng đế yêu nước

Hàm Nghi là vị vua yêu nước. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng ông đã kiên cường đấu tranh với mong muốn giành lại quyền lực cho triều đình nhà Nguyễn.

Bữa ấy, Ưng Lịch đang nô đùa ngoài bãi thì được người nhà ra gọi, phải về ngay. Cậu vừa bỏ cuộc chơi chạy về thì thấy một đội thị vệ đang chờ sẵn ngoài sân. Không để cho cậu bé kịp hỏi có chuyện gì, một vị đại quan đã bước ra, chắp tay cung kính nói: “Bẩm điện hạ, xin rước người vào Đại nội".

Ngạc nhiên, Ưng Lịch quay sang hỏi thân mẫu, lúc đó cũng đang đứng lẫn trong đám người: “Mệ à, họ đến bắt con vào cung làm chi?”

Người mẹ rầu rĩ đáp: “Vô làm vua đó con".

“Con không muốn làm vua!” - Ưng Lịch nói gần như hét.

“Mệ cũng đã xin, nhưng không được mô. Đây là chỉ dụ của đức Thái hậu, không theo không được".

Như để làm bằng, vị đại quan liền giục: “Xin đức bà và điện hạ lên kiệu ngay cho".

Người mẹ đành bảo con vào thay bộ quần áo lành lặn, rồi hai mẹ con tiến cung…

Chuyện là thế này. Vua Kiến Phúc vừa qua đời. Triều đình định lập hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, anh cùng cha khác mẹ của Kiến Phúc, lên làm vua. Cũng như Ưng Đăng (tên húy của vua Kiến Phúc), Ưng Kỷ được vua Tự Đức nhận làm con nuôi để sau này chọn người kế vị.

Nhưng Ưng Kỷ bấy giờ đã 20 tuổi, quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Trường sợ lập vua lớn tuổi sẽ mất quyền hành, vì thế họ tính đến “phương án” Ưng Lịch, bấy giờ mới 13 tuổi.

[…]

Lễ đăng quang ở điện Thái Hòa diễn ra trong bầu không khí căng như dây đàn. Đầu đội mũ miện, mình khoác long bào, Ưng Lịch được một thái giám dẫn vào giữa hai hàng thị vệ. Đến trước ngai vàng, đoàn người dừng lại để thái giám đỡ tân vương bước lên ngồi. Trước những lời chúc tụng “vạn tuế, vạn vạn tuế” của triều thần, vị vua trẻ chẳng hề để lọt tai vì vẫn còn ấm ức khi nghĩ đến những hành vi ngang ngược của lũ quan binh Pháp.

[…]

Trước dã tâm của người Pháp, trong suốt một năm qua, Tôn Thất Thuyết đã bí mật chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó. Ông lo tập hợp quân sĩ, liên lạc với quan quân ở các địa phương để khi cần thì nhất tề nổi dậy chống lại họ. Vua Hàm Nghi bấy giờ mới 14 tuổi, mọi việc đều do hai vị phụ chính lo liệu. Nhưng trong thâm tâm, vị vua trẻ cũng tán thành chủ trương của họ, nhất là Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết, người chủ chiến quyết liệt nhất.

Mặc dù việc chuẩn bị chưa xong,nhưng trước tình thế bị dồn đến chân tường, Tôn Thất Thuyết buộc phải khởi sự.

Được lệnh tấn công quân Pháp, rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, quân triều đình chia hai ngả đánh vào tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá. Ban đầu, quân Pháp bị bất ngờ, lại đang đêm (lúc ấy mới canh ba), không rõ thực lực của ta, nên chúng đóng cửa cầm cự.

Đến khi trời sáng, cuộc chiến liền xoay chiều. Quân Pháp với hỏa lực mạnh đã đánh lui được quân triều đình, chỉ được trang bị súng kíp và hỏa mai. Từ đồn Mang Cá chúng nã đại bác hết loạt này đến loạt khác vào Kinh thành.

Quân lính triều đình bị chết rất nhiều, dân thường cũng không thoát khỏi vạ lây, khắp nơi ngổn ngang xác chết lẫn những người bị thương kêu la thảm thiết. Quân triều đình buộc phải rút chạy, cuộc nổi dậy thất bại.

[…]

Ngày 13 tháng 7, Tôn Thất Thuyết thay mặt vị vua trẻ viết chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân và sĩ phu cả nước đứng lên chống Pháp. Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi như một lời hịch vang dội cả núi sông. Cả nước rùng rùng hưởng ứng, tạo nên một phong trào Cần Vương kéo dài mấy chục năm lịch sử.

[…]

Đã ba năm trời nhà vua bôn ba, chịu đựng gian khổ, hiểm nguy giữa chốn rừng sâu núi thẳm.

Tôn Thất Thuyết vượt vòng vây đi kết nối các thủ lĩnh nghĩa quân và ra nước ngoài cầu viện. Hai con ông là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Tiệp (có tài liệu ghi là Tôn Thất Thiệp) được giao ở lại bảo vệ vua. Bên ngoài đã có đề đốc Lê Trực đóng quân các ngả ngăn chặn giặc xâm nhập. Nhờ vậy nhà vua đã nhiều lần thoát chết, ngọn cờ Cần Vương được dâng cao.

Chỉ huy đội quân cận vệ của Hàm Nghi là Trương Quang Ngọc. Ngọc vốn là thủ lĩnh nghĩa quân Mường nổi lên chống giặc, tự nguyện xin về phục vụ nhà vua. Anh ta là người khỏe mạnh, lại nắm rõ mọi nẻo đường rừng nên rất được tin cậy.

Sau một thời gian bị vây khốn trong rừng, suất đội Nguyễn Đình Tình không chịu được gian khổ đã trốn ra đầu thú quân Pháp. Hắn khai báo với giặc mọi chuyện trong căn cứ. Biết được Trương Quang Ngọc nghiện thuốc phiện, viên quan Pháp lập mưu để đội Tình móc nối mua chuộc. Đúng lúc Trương Quang Ngọc đang lên cơn đói thuốc, hắn bèn nghe theo, phản bội nhà vua.

Nửa đêm ngày 26/9/1888, Trương Quang Ngọc lẻn vào nơi vua Hàm Nghi đang ngủ ở khe Tá Bào, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tôn Thất Tiệp bừng tỉnh giấc, chưa kịp hiểu chuyện gì đã bị Ngọc dùng giáo đâm chết. Nhà vua bật dậy hỏi: “Tên Ngọc, mi làm chi rứa?”.

“Thì tôi được lệnh đưa hoàng thượng về đầu hàng người Tây".

Hàm Nghi thét: “Mi giết ta đi, còn hơn đem ta nộp cho Tây".

Mặc cho nhà vua chống cự, Ngọc ép ông phải đi theo. Do sức khỏe của vua bấy giờ đã suy yếu, hắn buộc ông trên lưng cõng xuống núi. Sau nhiều ngày, hắn mới đưa được vua Hàm Nghi đến làng Thuận Bài ở bờ sông Gianh. Trước mặt người Pháp ông nhất quyết không nhận mình là vua.

Dù giặc đưa ra bằng chứng gì hay cho ai đến nhận diện, ông chỉ một đằng “không biết” hai đằng “không quen”. Cuối cùng, họ đưa cụ Nguyễn Nhuận, thầy giáo cũ của vua tới đồn. Vừa thấy cụ xuống khỏi cáng bước vào, Hàm Nghi theo thói quen vội đứng dậy chắp tay kính cẩn chào thầy. Thế là bị lộ.

vua Ham Nghi anh 1

Phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi khởi xướng kéo dài hàng chục năm. Sau khi nhà vua bị bắt, nghĩa quân khắp nơi vẫn nổi dậy. Ảnh: QĐND.

Xác định đúng là Hàm Nghi, viên đồn trưởng đích thân áp giải nhà vua qua Bố Trạch, về Đồng Hới rồi lên tàu thủy về cửa Thuận An.

Được tin Hàm Nghi bị bắt, Khâm sứ Rheinart đề nghị với toàn quyền Pháp đưa ông đi “an trí” mà thực chất là đi đày ở Algeria, một lãnh thổ thuộc Pháp ở châu Phi. Nhưng ông ta vẫn giả nhân giả nghĩa nói với Hàm Nghi: “Chúng tôi thật bất đắc dĩ buộc ngài phải ra đi. Hiện Thái hậu đang ốm nặng, nếu ngài muốn gặp mặt, tôi sẽ rước ngài về thăm".

Hàm Nghi đáp: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mạ, anh em nữa".

Nói xong ông phất áo đứng dậy, đi về phòng riêng. Lúc này, còn lại một mình, ông mới òa khóc nức nở.

Bốn giờ sáng ngày 25/11/1888, nhà vua bị đưa xuống tàu ở bến Lăng Cô. Ông nhìn bốn bề đất nước mịt mù trong sương giá mà lòng quặn đau. Từ đây nhà vua được đưa đến bến cảng Sài Gòn để chuyển sang một con tàu khác đưa ông sang Algeria.

Ngày 13/12/1888, con tàu Biên Hòa rúc lên một hồi còi dài rời bến Sài Gòn. Trên boong tàu, vị cựu hoàng chưa đầy 17 tuổi đời ngậm ngùi nhìn lên bờ, cố nuốt những giọt nước mắt vào lòng. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt, một ông vua đã bị quân thù đàn áp khỏi đất nước mình dưới sự đồng lõa của triều đình như thế!

Chủ nhật 13/1/1889, sau đúng một tháng lênh đênh trên biển, con tàu Biên Hòa đưa cựu hoàng Hàm Nghi cập bến cảng Alger. Ít ngày sau, ông được Toàn quyền Pháp tại Algeria tiếp kiến và cho biết thân mẫu ông, Thái hậu Phan Thị Nhàn đã qua đời ở Huế. Nỗi đau càng làm ông khép kín, ít nói, không chịu học tiếng Pháp, không thích giao du.

Dần dần, qua tiếp xúc ông thấy người Pháp ở đây, nhất là người trí thức cũng có nhiều người tốt, Hàm Nghi bắt đầu học tiếng Pháp, sau đó còn học đàn và học vẽ. Rồi ông kết hôn với con gái của vị Chánh án Tòa thượng thẩm Alger.

Trong số nhiều bạn hữu là văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo người Pháp, người Nga nổi tiếng có danh họa Paul Gauguin. Không chỉ kết thân với người họa sĩ Pháp theo trào lưu ấn tượng này, Hàm Nghi còn học vẽ và vẽ được nhiều bức tranh theo trường phái hiện đại. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, ông được coi là họa sĩ đầu tiên vẽ tranh sơn dầu theo phong cách châu Âu.

Vị vua lên chùa trốn vẫn mang theo kỹ nữ

Mạc Mậu Hợp là người trọng khoa cử, trong suốt mấy chục năm trị vì, ông đã mở nhiều khoa thi. Thế nhưng, lối sống của nhà vua khá buông tuồng, không giống người trọng đạo Nho.

Vị vua Việt đầu tiên lấy vợ Tây phương  

Lê Thần Tông là một vị vua “vô tiền khoáng  hậu” trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông có năm bà phi thuộc các dân tộc khác nhau, trong đó có một bà phi người Hà Lan.

Nguồn gốc tên Tây Hồ và chuyện kị húy của vua Lê Thế Tông

Lê Thế Tông là đời vua Lê Trung hưng thứ tư. Khi ông nắm giữ ngai vàng, nhà vua vẫn còn chút quyền hành. Sau khi ông mất, quyền bính đều nằm trong tay chúa Trịnh.

Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY