Bác Hồ từng nói: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tìm hiểu về lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông là một cách đơn giản và hiệu quả để con trẻ bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Ngoài những bài học trong sách giáo khoa, hiện nay các bạn nhỏ có thể tìm hiểu lịch sử nước nhà qua nhiều bộ sách thú vị, được biên soạn phù hợp với độc giả nhỏ tuổi.
Bộ sách Sử ta chuyện xưa kể lại gồm 4 tập. Ảnh: L.Z |
Sử ta chuyện xưa kể lại
Đây là bộ sách gồm bốn tập, được biên soạn công phu, tóm lược những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc từ thời kỳ đầu dựng nước cho tới Cách mạng Tháng tám. Để tránh nhàm chán cho bạn đọc, đặc biệt là độc giả trẻ tuổi, với bộ sách này, nhóm biên soạn không liệt kê quá nhiều mốc thời gian cụ thể. Điều này khiến cho nội dung của bộ sách bớt đi sự khô cứng của số liệu.
Văn phong mà nhóm biên soạn sử dụng, mang đậm ảnh hưởng của lối kể chuyện dân gian, nên ngôn từ đơn giản, dễ hiểu. Các sự kiện trong bộ sách được trình bày một cách tuần tự, có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Ngoài các câu chuyện liên quan đến sự kiện và danh nhân lịch sử, nhóm biên soạn còn lồng ghép vào trong các bài viết nhiều kiến thức thú vị về văn hóa.
Từ xa xưa, trong dân gian luôn lưu truyền những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí, thần thoại liên quan tới các nhân vật có thật trong lịch sử, gọi là huyền sử. Trong bộ sách này, nhóm biên soạn đã kết hợp một cách hài hòa giữa hai chất liệu “huyền sử” và “chính sử”, dùng “chính sử” để giải thích cho những giai thoại mang màu sắc huyền bí lưu truyền trong dân gian.
Sử ta chuyện xưa kể lại là một bộ sách về lịch sử giàu sức gợi. Với dung lượng khiêm tốn, bộ sách này không thể trình bày một cách tường tận về nhiều sự kiện, nhân vật trong lịch sử. Nó góp phần gợi mở cho bạn đọc nhiều kiến thức thú vị liên quan tới những năm tháng hào hùng của cha ông, để từ đó khơi lên sự tò mò, ham thích đối với lịch sử.
Bộ sách Những người thầy trong sử Việt vinh danh các nhà giáo có đủ tâm và tài. Ảnh: K.Đ |
Những người thầy trong sử Việt
Người xưa có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, thành công của các danh nhân nổi tiếng trong lịch sử đều có dấu ấn của những người thầy tận tâm. Bộ sách Những người thầy trong sử Việt gồm 2 tập viết về những người thầy hội đủ tâm và tài trong dòng chảy mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc. Họ đã cống hiến cả tài và tâm cho sự nghiệp trồng người.
Nhắc đến những người thầy nổi tiếng trong sử Việt, nhiều người nghĩ ngay tới nhà giáo Chu Văn An, người được mệnh danh là “vạn thế sư biểu”. Ông là người đã có công dạy dỗ nhiều hiền tài cho đất nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. Học trò của ông đỗ đạt rất đông, năm nào cũng có người đỗ đại khoa. Người đời còn kính phục Chu Văn An bởi đức độ và tính tình cương liệt, không sợ hãi trước cường quyền.
Ông còn là người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Ở thời đó, trường học còn ít, trường Quốc Tử Giám chỉ dành cho con em quý tộc và quan lại, con em dân nghèo thất học nhiều. Trước tình cảnh đó, Chu Văn An đã mở trường Huỳnh Cung tại quê nhà, để truyền bá Nho học, học trò theo học đông, nhiều người đỗ đạt thành tài.
Họa sĩ Victor Tardieu là người thầy ngoại quốc hiếm hoi trong bộ sách này. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi đào tạo nhiều danh họa nổi tiếng cho nền mỹ thuật Việt Nam. Năm 1921, Victor Tardieu đặt chân đến Việt Nam theo lời mời của chính phủ Pháp.
Ban đầu, ông chỉ định ở lại đây một năm để thăm thú danh lam thắng cảnh của miền nhiệt đới. Sau đó, vì yêu quý mảnh đất này, ông đã dành hơn mười năm cuối đời ở nơi đây, góp công xây dựng và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Sách Những vị vua trẻ trong sử Việt đề cập đến cuộc đời thăng trầm của các ấu sau khi nắm giữ ngai vàng. Ảnh: K.Đ. |
Những vị vua trẻ trong sử Việt
Cuốn sách này mang đến cho bạn đọc nhiều câu chuyện thú vị về hơn 30 vị vua trẻ trong lịch sử mấy nghìn năm phong kiến của dân tộc. Theo lệ “cha truyền con nối” của chế độ quân chủ phong kiến, chuyện một đứa trẻ non nớt, đang tuổi ăn tuổi lớn phải lên nắm giữ ngai vàng không phải là chuyện hiếm.
Sự nắm quyền của các ấu chúa thường gây lo lắng. Bởi vua tuổi còn nhỏ dại, quyền lực phần lớn nằm trong tay các vị đại thần phụ chính, nếu họ không có lòng trung, triều đình ắt rơi vào thế nguy nan. Nếu vị vua trẻ ấy biết tu thân, biết phân biệt đâu là gian thần, đâu là kẻ trung quân ái quốc, thì cơ nghiệp của vương triều mới được vững bền.
Nhiều vị đại thần, vì bị quyền lực che mờ mắt mà làm mọi cách “ bỏ trưởng, lập thứ” phò trợ ấu chúa lên ngôi, để sau đó mặc sức thao túng binh quyền. Câu chuyện của vua Trần Thiếu Đế, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng đã cho hậu thế thấy tình cảnh nhiễu nhương của đất nước khi ấu chúa lên ngôi. Bên cạnh đó, cũng có những vị vua trẻ xứng đáng với hai chữ minh quân như: Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Lê Thái Tông…
Vào cuối thời nhà Nguyễn, khi chế độ phong kiến trở nên rệu rã như con ngựa sắp tàn hơi, cũng là lúc một loạt vị vua trẻ rơi vào bi kịch. Các vị Khâm sứ Pháp cũng như Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đều muốn đưa vua trẻ lên ngôi vì vậy mới dễ bề sai khiến.
Thế nên mới có chuyện triều đình nhà Nguyễn trong vòng 4 tháng đã lập tới ba vua. Ngai vàng từ niềm khát khao trở thành nỗi khiếp sợ của những cậu bé được sinh ra trong hoàng tộc. Có những lúc, ngai vàng gây ra quá nhiều đau khổ cho người nắm giữ nó. Trong những trận can qua của thời cuộc, khi các thế lực cùng nhau xâu xé binh quyền nhà vua bị coi như một thứ bù nhìn, hết giá trị lợi dụng là vứt bỏ.