Tháng 9 năm 1907, người Pháp truất ngôi vua Thành Thái để đưa một người con của ông lên thay. Người ấy là ai thì không do triều đình quyết, mà sẽ do họ trực tiếp chọn. Hôm ấy đích thân toàn quyền và viên Khâm sứ Trung Kỳ dẫn đầu một đoàn quan chức Pháp đến cung Càn Thanh để chọn người kế vị trong số các con trai nhà vua.
Các hoàng tử được chuẩn bị sẵn sàng, ăn mặc chỉnh tề ra mắt các quan Pháp. Suốt cả buổi sáng, từ hoàng tử trưởng đến hoàng tử thứ bảy đã được dẫn ra trình diện và trả lời “phỏng vấn”. Thế nhưng người Pháp vẫn chưa ưng ai. Đối chiếu với bản danh sách do Triều đình cung cấp, Khâm sứ Lévecque thấy còn thiếu hoàng tử Vĩnh San, con út của vua Thành Thái.
Cho người đi tìm thì không thấy, mà đã đến giờ Ngọ, Lễ bộ Thượng thư tìm cách lấp liếm: “Bẩm các ngài, hoàng tử Vĩnh San mới lên bảy, thiết nghĩ không cần phải xem xét ạ”.
Toàn quyền không chịu, đòi phải tìm bằng được. Đám thị vệ lại phải chạy khắp nơi để tìm. Mãi mới thấy cậu đang mò mẫm dưới gầm giường để bắt dế! Không còn thời gian để tắm gội, ăn mặc chỉnh tề, cậu bị dẫn ra trình diện trong một bộ dạng nhếch nhác. Viên đại thần đành nói chữa: “Thưa, vì hoàng tử còn nhỏ, nghe thấy các quan đến, sợ quá trốn vào xó nhà. Xin các quan bỏ qua”.
Nào ngờ, chính câu nói ấy lại làm hài lòng các quan Pháp. Họ đã có chủ ý chọn người lên kế vị càng nhỏ tuổi càng hay. Đứa trẻ nhút nhát, ngây ngô này hẳn là một ông vua dễ bề sai khiến. Vậy là hoàng tử Vĩnh San được “chấm” làm vua.
Khi đưa hoàng tử Vĩnh San lên ngôi, người Pháp nghĩ rằng vua còn nhỏ, sẽ dễ bề sai khiến, nhưng họ đã nhầm. Ảnh: Wiki. |
Tại lễ đăng quang cử hành ở điện Thái Hòa, ông hoàng nhỏ xúng xính trong bộ long bào nặng trịch. Nhưng cậu vẫn giữ được vẻ đĩnh đạc, bước ra cửa điện đón khách. Khi hai vị quan cao cấp của chính quyền Pháp bước vào, cậu cất tiếng nói: “Trong hai ông đây, ai là Toàn quyền, ai là Khâm sứ?”.
Câu hỏi ấy đã buộc khách phải tự giới thiệu.
Sau những tiếng đại bác vang rền, buổi lễ bắt đầu. Vua bước xuống ngai vàng, đứng nghe viên toàn quyền đọc chúc từ dài lê thê bằng tiếng Pháp, rồi lại qua người thông ngôn dịch sang tiếng Việt. Xong, theo hướng dẫn của bộ Lễ, vua tiến đến bắt tay Toàn quyền Pháp, và cất tiếng hỏi, một câu hoàn toàn nằm ngoài “kịch bản”: “Ông đọc chúc từ lâu như vậy, có mệt không?”.
Lại thêm một câu hỏi làm cả viên Toàn quyền và triều đình ngớ ra.
Một nhà báo Pháp có mặt trong buổi lễ đăng quang đã tường thuật: “Một ngày lên ngai vàng đã làm thay đổi hoàn toàn một cậu bé lên tám".
[…]
Năm 1912, Joseph Mahé, Khâm sứ mới được cử sang nhậm chức. Đó là một kẻ tham lam, tàn ác. Ông ta ngang nhiên lấy pho tượng vàng trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, một bảo vật được đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông ta còn cho quân đào bới Đại nội, thậm chí cả lăng Tự Đức để tìm vàng. Nhà vua rất phẫn nộ, đích thân đến đòi viên Khâm sứ dừng ngay hành động ăn cướp lại. Nhưng ông ta chẳng coi ra gì, vẫn tiếp tục vơ vét.
Trước tình thế ấy, vua Duy Tân tuyên bố tuyệt thực, đóng cửa không giao tiếp với người Pháp. Chuyện đến tai Toàn quyền Albert Sarraut. Ông này phải vội từ Hà Nội bay vào Huế giải quyết bê bối, nhà vua mới cho mở cửa thành.
Một năm sau, khi đã 13 tuổi, vua đòi Hội đồng phụ chính cho mình rà soát, xem xét lại các Hiệp ước Triều đình đã ký với Pháp. Ông nhận thấy các hiệp ước này không những bất bình đẳng mà còn không được thực hiện nghiêm chỉnh.
Nhà vua yêu cầu Hội đồng phụ chính cử người sang Paris để cùng chính phủ Pháp duyệt lại Hòa ước Patenotre (Hòa ước Giáp Thân 1884). Nhưng cả sáu vị giương mắt nhìn nhau, không ai dám đi. Nhà vua trực tiếp chỉ thị Thượng thư Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp, nhưng ông này một mực khước từ.
Biết không thể trông cậy ở họ, từ đó vua dứt khoát đòi tự mình xem xét, giải quyết việc triều chính. Vua cho xóa bỏ các hủ tục và thủ tục rườm rà, giảm bớt chi tiêu trong triều và trong cung, hạ bớt lương của các vị đại thần cũng như chính mình.
[…]
Năm 1916, phong trào Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu thành lập đã phát triển rầm rộ từ Bắc chí Nam. Thủ lĩnh của Hội ở Trung Kỳ là các ông Thái Phiên và Trần Cao Vân. Hai ông tìm cách liên lạc với vị vua trẻ giàu lòng yêu nước.
Trước hết, Thái Phiên đưa một người của mình là Phan Hữu Khánh vào làm lái xe cho vua, thay cho người lái xe cũ xin về quê lo việc nhà. Nhân dịp lái xe đưa vua Duy Tân đến Cửa Tùng, Phan Hữu Khánh đã đưa thư của Thái Phiên cho ông. Bức thư tố cáo tội ác của bọn thực dân, tình cảnh khốn khổ của muôn dân và mời nhà vua đứng ra lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp. Đọc thư, nhà vua cảm kích và mong muốn được gặp trực tiếp các vị thủ lĩnh để bàn bạc.
Vài hôm sau, hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân cải trang thành người câu cá đến gặp nhà vua tại Hậu Hồ trong Đại nội. Hai ông trình bày với nhà vua, nước Pháp đang lao vào cuộc chiến tranh thế giới. Họ tìm cách bắt lính từ Việt Nam sang bổ sung cho quân đội. Anh em các trại lính bị đẩy đi làm bia đỡ đạn đã sẵn sàng nổi dậy chống lại. Các nhà lãnh đạo hội đã soạn thảo kế hoạch khởi nghĩa để vua phê chuẩn.
Theo dự định, một mật thư đã được gửi đi các tỉnh miền Trung, hẹn cùng khởi sự vào “giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ”. Nhưng do các đội lính người Việt Nam được lệnh xuống tàu sớm hơn, nên phải đổi sang nửa đêm ngày mùng 2 tháng Tư năm Bính Thìn (tức rạng sáng ngày 4/5/1916). Vào giờ đã định, các trại lính sẽ đồng loạt nổi dậy cướp kho súng, tấn công các cơ quan và cứ điểm của quân Pháp ở Huế.
Nhưng không ngờ, tin tức đã bị lộ. Nguyên do là Võ An, một thành viên của quân khởi nghĩa có em trai Võ Huệ là lính trong dinh Phạm Liêu, Án sát tỉnh Quảng Ngãi. Võ An biết sắp có biến, bảo em xin phép về quê để tránh nguy hiểm. Võ Huệ khi xin phép bị hạch hỏi, đã lúng túng để lộ chuyện. Phạm Liêu tức tốc báo tin cho Pháp biết.
Vài tiếng trước giờ nổ súng, khoảng 10 giờ đêm, vua Duy Tân cải trang thành dân thường, đầu đội nón, chân đi đất ra chỗ hẹn đứng đợi. Hai ông Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu đến hộ giá nhà vua ra khỏi hoàng cung. Một chiếc thuyền nhẹ theo dòng sông Hương đến bến Thương Bạc đón.
Từ đây, thuyền đưa mọi người đến Hà Trung (thuộc huyện Phú Vang), nơi họ sẽ chờ hiệu lệnh khởi sự là tiếng súng thần công từ phía kinh thành. Nhưng chờ mãi tới sáng vẫn không thấy động tĩnh gì, họ biết là việc đã bại lộ.
Nhận được tin của viên công sứ Pháp ở Quãng Ngãi, tòa Khâm sứ lệnh cho Đồn Mang Cá thiết quân luật, đồng thời tước súng của quân lính người Việt và nhốt lại trong trại. Qua lời khai của tên phản bội Trần Quang Trứ, một thành viên trong ban tham mưu cuộc khởi nghĩa, Pháp biết được chỗ ẩn náu của vua.
Lập tức chánh mật thám Sogny cùng giám binh Lanneluc dẫn quân đuổi theo. Đến sáng mùng 6 tháng 5 thì chúng bắt được nhà vua tại chùa Thuyền Tôn và đem giam tại Tam Tòa. Các thủ lĩnh nghĩa quân đều bị bắt.
Mặc cho Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ ra sức thuyết phục nhà vua quy thuận, nếu nghe theo lời họ thì ông không những không bị xử tội mà còn được tiếp tục ngồi lên ngai vàng, nhưng vua Duy Tân nhất mực không chịu làm một ông vua bù nhìn.
Vua Duy Tân quyết từ bỏ ngai vàng chứ không chịu làm một vị vua bù nhìn. Ảnh: T.N. |
Chính quyền Pháp buộc triều đình Huế xét xử vụ án. Tòa án Nam triều do Thượng thư Hồ Đắc Trung làm chánh án. Từ trong ngục, Trần Cao Vân nhận hết tội về mình và đề nghị tha cho nhà vua. Hồ Đắc Trung kết án, đồ hết tội cho Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu. Cả bốn người đều bị xử chém.
Còn nhà vua bị phế và đưa về Ô Cấp “đoàn tụ” với vua cha Thành Thái, chờ ngày đi đày ở đảo La Réunion, trên Ấn Độ Dương.
[…]
Tại đảo La Réunion, sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ điều, cựu vương Thành Thái phải làm đủ việc để nuôi sống cả gia đình vợ con đông đúc.
Bấy giờ Vĩnh San (Duy Tân) mới 16 tuổi, còn tràn đầy sinh lực. Anh theo học trường trung học Pháp, tốt nghiệp tú tài. Do nơi đây không có trường đại học, anh tự nghiên cứu luật học và say mê vô tuyến điện. Biết chơi nhiều loại đàn mà sở trường là violon, Vĩnh San còn được mời vào ban nhạc địa phương.
Anh thích nuôi ngựa và cưỡi ngựa, có lần đoạt giải đua ngựa. Vĩnh San còn làm thơ, viết báo, chụp ảnh nghệ thuật… Anh đã từng giành giải ảnh nghệ thuật và thơ tại La Réunion. Khi đó, ở đây chưa có đài phát thanh, Vĩnh San tự mày mò lắp ráp được máy vô tuyến điện để nghe tin tức thế giới.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính phủ Pháp của Thống chế Pétain đầu hàng nước Đức. Tướng de Gaulle thành lập chính phủ kháng chiến tại hải ngoại. Là người yêu nước mình, Vĩnh San ủng hộ người Pháp yêu nước Pháp. Anh tham gia lực lượng kháng chiến Pháp, ban đầu làm hạ sĩ vô tuyến. Sau đó vào bộ binh và nhờ có thành tích nên được phong chuẩn úy.
Nước Pháp thắng trận, chuẩn úy Vĩnh San đã được de Gaulle thỏa thuận đưa về Việt Nam để làm vua thay cho Bảo Đại. Nhà vua tương lai hy vọng sẽ giành được quyền tự chủ cho đất nước trong khối liên hiệp Pháp.
Ngày 24/12/1945, Vĩnh San cùng một phi hành đoàn bay về Réunion thăm gia đình trước khi đi nhận trọng trách mới. Nhưng máy bay của ông đã gặp nạn nổ tung trên bầu trời Trung Phi. Cho đến nay, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn còn là một bí ẩn.
Năm 1987, hài cốt của cựu hoàng Duy Tân được đưa về Paris làm lễ cầu siêu, sau đó đưa về Việt Nam an táng tại lăng Dục Đức (ông nội của vua) ở Huế.